Dân Việt

Vỗ béo, tạo nạc cho vật nuôi bằng... chất cấm trước khi giết mổ

Hà Khương 11/12/2015 17:30 GMT+7
Một loạt các doanh nghiệp, cơ sở cùng những đường dây cung cấp, buôn bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã được bóc gỡ chỉ trong vòng hơn 1 tháng qua, khi Bộ NNPTNT thực hiện đợt cao điểm về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).

Cho ăn chất cấm trước khi giết mổ

Theo đánh giá của Bộ NNPTNT, với nhiều biện pháp chỉ đạo, triển khai quyết liệt trong đợt cao điểm đảm bảo ATTP, tình hình đã có chuyển biến tích cực hơn, nhất là trong việc đấu tranh, ngăn chặn việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Theo đó, lực lượng chức năng của Bộ NNPTNT đã phối hợp với công an từng bước bóc gỡ đến tận gốc việc kinh doanh, buôn bán và sử dụng chất cấm Salbutamol (chất tạo nạc và tăng trọng) và vàng ô, kháng sinh cấm, thuốc thú y, thuốc BVTV giả, ngoài danh mục...

img

Thanh tra Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thái Bình  lấy mẫu kiểm tra tại đại lý kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi. Ảnh: Hồng Hạnh

Trong tháng 11.2015, cùng với 2 cơ sở có sử dụng màu công nghiệp là Auramin và Basis Yellow O để sản xuất TACN, Thanh tra Bộ NNPTNT và C49 (Bộ Công an) đã phát hiện Công ty TNHH  Trường Phú (Hải Dương) có sử dụng Salbutamol trong sản xuất TACN.

Báo cáo của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NNPTNT) cũng cho thấy, liên tiếp trong những ngày đầu tháng 12, các đường dây buôn bán, vận chuyển, sử dụng chất cấm Salbutamol đã được phát hiện, bắt quả tang tại Hoài Đức, Quốc Oai (Hà Nội).

Cụ thể, ngày 8.12, Thanh tra Bộ NNPTNT phối hợp C49 - Bộ Công an triệt phá đường dây mua bán chất Salbutamol tại quận Bình Thạnh, TP.HCM do ông Trần Văn Bùi (39 tuổi) tổ chức, thu giữ tại chỗ 2kg Salbutamol.

Ông Phạm Văn Đông - Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT) cho biết: “Trong tháng 10 và 11, qua lấy 134 mẫu giám sát ở 10 tỉnh, Cục đã phát hiện 5 mẫu nước tiểu ở các cơ sở chăn nuôi (Đồng Nai 3, Đồng Tháp 1 và Tây Ninh 1) dương tính với chất cấm, chiếm tỷ lệ 3,73%. Như vậy, tỷ lệ này đã giảm gần 8% so với những tháng trước (khoảng 11,4%).

Đối với kiểm tra nước tiểu ở cơ sở giết mổ, Cục Thú y phát hiện có 14/144 mẫu có Salbutamol, chiếm tỷ lệ 9,72%. Tỷ lệ này giảm mạnh so với tháng trước là 17,3%, nhưng lại cao hơn gấp 3 lần so với tỷ lệ giám sát ở các cơ sở chăn nuôi. Điều này cho thấy, có hiện tượng vỗ béo, tạo nạc vật nuôi bằng chất cấm Salbutamol trước khi đưa đi giết mổ, nhằm thu lời bất chính. Đối với giám sát ở thịt, có 1/258 mẫu, chiếm tỷ lệ 0,39%.

Thiết lập chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn

Một lĩnh vực ít có chuyển biến trong công tác đảm bảo ATTP khác là quản lý thuốc BVTV. Hiện nay, lượng rau sản xuất theo quy trình VietGAP hiện mới chỉ chiếm khoảng 1% là quá thấp. Kết quả giám sát cũng cho thấy, dù 90% rau, quả là sạch và tỷ lệ rau, quả có tồn dư thuốc BVTV chỉ trên dưới 10%, nhưng người dân không biết 90% sản phẩm sạch đó nằm ở đâu, 10% có dư lượng thuốc BVTV ở đâu nên coi tất cả là có vấn đề. Bộ NNPTNT đã chỉ đạo Cục BVTV tăng cường lấy mẫu, giám sát trong toàn chuỗi, giúp ngăn ngừa vi phạm và cung cấp những địa chỉ sản xuất, kinh doanh an toàn.

Ông Nguyễn Như Cường - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho hay: “Hiện nay, nhận thức về sản xuất rau an toàn của người dân rất cao, có hơn 90% người dân làm chủ được về kỹ thuật. Vấn đề tại sao họ không làm? Thực tế cho thấy, lượng rau bán qua hệ thống siêu thị không nhiều mà chủ yếu qua chợ và qua thương lái chiếm đến 90%. Thương lái hướng dẫn nông sản xuất thế nào thì họ mua, họ nghe răm rắp hơn cán bộ”. Vì thế, theo ông Cường, mới có hiện tượng thu hái khi chưa đảm bảo thời gian cách ly, thừa đạm.

Giải pháp mà ông Cường nêu ra để chấn chỉnh tình trạng trên là nhập khẩu máy kiểm tra định tính về cấp cho các địa phương để họ kiểm tra ngay tại các chợ đầu mối, qua đó phát hiện các sản phẩm vi phạm và có biện pháp phòng ngừa thích đáng. Có như vậy mới xử lý được vấn đề. Hiện tại, Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh đã có 2 xe kiểm tra di động, giá khoảng 1 tỷ đồng/xe.

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám, Bộ đang thực hiện việc kết nối người tiêu dùng với những địa chỉ sản xuất, kinh doanh sản phẩm an toàn. “Trên thì nghĩ đơn giản, nhưng xuống địa phương, việc xác định nơi nào đảm bảo an toàn và duy trì thường xuyên rất khó. Ngoài lực lượng phối hợp, kiểm tra lấy mẫu, việc xác nhận ở các địa phương cũng khác nhau. Như ở TP.Hồ Chí Minh, việc xác nhận, dán tem được giao cho Sở Y tế. Trong khi đó, Luật ATTP giao Bộ NNPTNT quản lý toàn chuỗi, từ sản xuất đến tiêu thụ” – Thứ trưởng cho biết.