Liên kết sản xuất
Sau nhiều năm làm nông nghiệp theo cách truyền thống, năm 2005 gia đình ông Nguyễn Lam Sơn quyết định chuyển sang lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Để được các đối tác chấp nhận sử dụng sản phẩm của mình, ông Sơn đã tuân thủ chặt chẽ quy trình sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGAP. Mỗi lần trên cây trồng xuất hiện một loại bệnh lạ, ông đều lấy mẫu đem đến các cơ quan chức năng nhờ phân tích, xác định nguyên nhân và đưa ra cách điều trị khoa học.
Ông Nguyễn Lam Sơn và vườn rau được sản xuất tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: Duy Hậu
Nhờ đó, sản phẩm nông nghiệp của gia đình ông Sơn làm ra đã được hệ thống các siêu thị, nhà hàng chấp nhận ký hợp đồng tiêu thụ dài hạn. Để có sản phẩm ổn định cung cấp cho thị trường, ông Sơn đã mở rộng quy mô sản xuất bằng các liên kết với những hộ dân sản xuất nông nghiệp tại Đà Lạt và huyện Đức Trọng. Ông Sơn cho biết, điều kiện để được vào chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp của ông phải là những hộ có trình độ cao trong sản xuất nông nghiệp, chịu sự giám sát kỹ thuật của ông, chất lượng sản phẩm phải đạt được những tiêu chí cụ thể do ông Sơn đề ra. “Bên cạnh đó, trong quá trình sản xuất bất cứ loại rau, củ, quả nào cũng đều phải ghi chép nhật ký một cách có trách nhiệm”-ông Sơn cho nói thêm.
Đến nay, chuỗi sản xuất nông nghiệp do ông Sơn đứng đầu đã quy tụ được trên 20 hộ với diện tích khoảng 60ha, gồm hàng chục mặt hàng rau, củ, quả các loại. Sản lượng nông nghiệp hàng năm lên tới khoảng 20.000 tấn. Hiện mỗi ngày ông Sơn đứng ra thu mua nông sản cho các hộ trong chuỗi sản xuất của mình trung bình 15 tấn sản phẩm nông nghiệp rồi đóng gói vận chuyển đi tiêu thụ.
Thuê cơ quan nhà nước giám sát chất lượng
Ông Nguyễn Lam Sơn cho biết, tiêu chí được ông quan tâm đầu tiên trong sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP tại chuỗi liên kết sản xuất của mình là sản xuất phải ngăn chặn các mối nguy về hóa học, sinh học, vật lý nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm. Để đạt được những tiêu chí này, ông Sơn luôn chỉ đạo người sản xuất phải kiểm tra dịch hại hàng ngày trên đồng ruộng để có biện pháp xử lý phù hợp theo từng giai đoạn cây trồng. Bên cạnh đó việc tưới tiêu cũng được kiểm soát để loại trừ khả năng sản phẩm nhiễm kim loại nặng, sơ chế đảm bảo theo nguyên tắc một chiều, quản lý chặt trong khâu sơ chế…
Đặc biệt, ông Sơn còn thuê một cơ quan độc lập để kiểm soát chất lượng sản phẩm là Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng. Ngoài việc phân tích, đánh giá dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm, cơ quan này còn có nhiệm vụ tư vấn cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy trình, xác định các loại bệnh để đưa ra cách điều trị khoa học cho chuỗi sản xuất nông nghiệp do ông Sơn đứng đầu.
Ông Nguyễn Văn Bính - người tham gia chuỗi sản xuất của ông Sơn cho biết: “Anh Sơn rất kỹ tính, những người tham gia chuỗi sản xuất nông nghiệp của anh đều phải làm theo trình tự kỹ thuẫt do anh ấy đề ra. Kết thúc mỗi ngày làm việc đều phải dành thời gian ghi chép “nhật ký nhà vườn”. Khi phát hiện bệnh mới là phải báo ngay cho anh Sơn để thông báo cho Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng tới lấy mẫu phân tích, để họ hướng dẫn cách điều trị..”.
Theo ông Lại Thế Hưng - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng, định kỳ hàng tháng Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng đều lấy mẫu phân tích nhằm kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên các sản phẩm rau, củ, quả trong chuỗi liên kết sản suất của gia đình ông Nguyễn Lam Sơn. Đến nay, kết quả kiểm tra 100% mẫu dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đều trong ngưỡng an toàn. |