Dân Việt

Xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020: Chỉ nên huy động 10% sức dân

Trần Đáng - Hạ Vi 11/12/2015 13:15 GMT+7
Tại hội nghị tổng kết 5 năm xây dựng nông thôn mới (NTM) ngày 8.12, mặc dù còn nhiều khó khăn, song Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, trong 5 năm tới đây, phải phấn đấu đạt mục tiêu cả nước có 50% số xã NTM.

Không nhất thiết cứ phải xây dựng hạ tầng

Nhiều xã khi bắt tay vào xây dựng NTM thường đổ xô đi làm các công trình như đường giao thông, nhà văn hóa, chợ, song ở xã Nhơn Đức (Nhà Bè, TP.HCM) - dù là xã nghèo nhưng đã mạnh dạn chọn hướng đi khác, đó là chủ động chuyển đổi nghề cho nông dân.

Ông Thái Quốc Dân – Phó Chi cục trưởng Chi cục PTNT TP.HCM cho biết, Nhơn Đức là một trong những xã điển hình về chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ trong bối cảnh đất đai ngày càng ít dần do đô thị hóa.

Theo đó, chính quyền xã đã tổ chức đào tạo nghề, tạo việc làm cho người dân, góp phần ổn định cuộc sống cho những hộ thuộc diện tái định cư, cung cấp lao động có tay nghề cho các doanh nghiệp trên địa bàn... “Hiện xã Nhơn Đức có trên 70% số lao động đã qua đào tạo. Chúng tôi luôn xác định muốn thay đổi cuộc sống, tăng thu nhập cho dân thì phải trang bị kiến thức, tay nghề” - ông Dương Công Thứ - Chủ tịch UBND xã Nhơn Đức nói.

img

Nông dân xã Nhơn Đức đang chuyển dần sang mô hình nông nghiệp đô thị. Ảnh: Một trang trại trồng lan trong nhà lưới tại xã Nhơn Đức. - Ảnh: T.Đ

Cũng theo ông Thứ, khi xây dựng đề án Chương trình xây dựng NTM, xã chỉ có 2 tổ hợp tác (THT), song đến nay đã có thêm 6 THT hoạt động hiệu quả; thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 15 triệu đồng/người/năm, thì nay đã đạt hơn 38 triệu đồng/người/năm. Ông Trần Văn Đơ – Tổ trưởng THT chăn nuôi heo (ấp 3) cho biết,  hiện tổ có gần 20 thành viên, mỗi người nuôi từ vài chục đến vài trăm con heo. “Các thành viên trong tổ thường xuyên liên lạc để thông tin thị trường, kỹ thuật chăn nuôi mới và chia sẻ đầu ra sản phẩm. Nhờ những hoạt động như vậy mà lợi nhuận từ chăn nuôi heo của các thành viên khá tốt” - ông Đơ nói.

Giao quyền tự quyết cho cộng đồng

"Xây dựng NTM đang được coi là cuộc cách mạng ở nông thôn Việt Nam chúng ta. Tôi nghĩ mô hình này không chỉ tồn tại đến năm 2020 mà còn có thể được áp dụng đến 2030”.
Ông Tăng Minh Lộc

Cả nước hiện có gần 10.000 xã, thị trấn nằm trong “diện” xây dựng NTM, nhưng đến thời điểm này mới có 1.300 xã NTM. Như vậy từ nay đến năm 2020, cần phải phấn đấu để 3.700 xã nữa (tương đương mỗi năm hơn 700 xã) đạt đủ 19 tiêu chí NTM.

Theo ông Tăng Minh Lộc - Chánh Văn phòng điều phối T.Ư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, mục tiêu đến năm 2020 có đạt 50% số xã về đích hay không còn phải phụ thuộc vào nguồn lực và quan điểm đầu tư. Nếu ưu tiên đầu tư cho nhóm cận trên, tức những xã đạt nhiều tiêu chí hoặc ưu tiên hơn cho những xã ở cận dưới, xã khó khăn thì cùng nguồn lực nhưng kết quả sẽ khác nhau. Ông Lộc nhấn mạnh: “Quan điểm của chúng tôi là giai đoạn tới cũng cần ưu tiên hơn cho những xã cận dưới để giảm bớt sự cách biệt quá xa giữa các vùng miền và mục tiêu của chúng ta là phải xóa những xã dưới 5 tiêu chí”.

Cũng theo ông Lộc, về nguồn lực, 5 năm tới chúng ta cũng chỉ nên đặt huy động trực tiếp của người dân khoảng 10%; thứ hai huy động của doanh nghiệp, tư nhân kể cả việc cố gắng nâng cao tỷ lệ xã hội hóa, khả năng cũng chỉ đạt khoảng 10%; tín dụng nỗ lực huy động khoảng 50%, tương đương với giai đoạn 5 năm vừa qua. 

Về định hướng xây dựng NTM giai đoạn tới, ông Lộc cho rằng cần tuân thủ một số nguyên tắc: Về địa bàn tổ chức, cần lấy xã làm đơn vị tổ chức thực hiện; việc xây dựng quy hoạch đề án, xét các tiêu chí cũng trên phạm vi xã. Mặt khác, quy hoạch là nội dung tiên quyết, trong đó bộ tiêu chí chính là cái cụ thể hóa, định lượng hóa đặc trưng của NTM một cách toàn diện và đồng bộ cho các xã. Cuối cùng, cần giao quyền tự quyết cho cộng đồng, Nhà nước chỉ định hướng bằng tiêu chí, bằng quy chuẩn và chính sách. Nguồn lực NTM thì dựa vào nội lực của cộng đồng là chính, Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần.