Sau khi NTNN đưa tin về việc UBND tỉnh Quảng Nam ra văn bản về việc thi tuyển công chức của tỉnh, trong đó không chấp nhận đối tượng có bằng đại học tại chức, phóng viên NTNN đã trao đổi với TS Lê Hồng Sơn - Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) về vấn đề này.
Thưa ông, vấn đề của Quảng Nam cũng giống như vấn đề trước đây tỉnh Nam Định cũng đã từng làm! Ông nghĩ sao trước hiện tượng này?
- Đây là văn bản áp dụng, không phải văn bản quy phạm pháp luật nên không thuộc thẩm quyền của chúng tôi. Tuy nhiên, cũng giống như trường hợp của Nam Định hay một số địa phương khác trước đó cũng chung vấn đề thi tuyển công chức, tôi được biết Bộ Nội vụ đã có công văn yêu cầu Nam Định và các địa phương phải rút kinh nghiệm trong chuyện này và thực hiện đúng theo quy định của Luật Giáo dục.
Tại một buổi thi tuyển công chức tại TP. Hồ Chí Minh. |
Thời gian gần đây, nhiều bộ, ngành địa phương ra văn bản trái thẩm quyền, theo ông nguyên nhân sâu xa do đâu?
- Tôi có thể nói ngay là do trình độ, nhận thức của công chức chưa tốt. Kể cả việc tham mưu tư vấn cũng có vấn đề, cho ra những sản phẩm lỗi.
Nhưng thưa ông, trên thực tế có thể có những văn bản sai về mặt nguyên tắc, luật pháp nhưng lại phù hợp với thực tiễn cuộc sống?
- Cái đó nhiều chứ, khi chúng tôi kiểm tra văn bản, thấy có thể nó sai với nghị định, luật hay pháp lệnh, nhưng khi xem lại thực tế thì thấy đúng là luật, pháp lệnh đó có bất cập, cái chuẩn không còn đúng nữa. Ví dụ như trường hợp Đà Nẵng ra Nghị quyết hạn chế nhập cư cơ học chẳng hạn. Về mặt tinh thần, tôi rất ủng hộ Đà Nẵng vì những đô thị lớn bao giờ cũng có sức hút lớn với dân cư. Nếu không có giải pháp hạn chế thì đương nhiên sẽ quá tải.
Nhưng vấn đề quan trọng là địa phương phải kiến nghị, đấu tranh trước Quốc hội, trước các cơ quan có thẩm quyền ban hành cái chuẩn đó, để họ sửa lại cho phù hợp với thực tiễn. Chúng ta phải tuân thủ luật pháp, nếu thấy bất cập thì phải đề nghị lên cơ quan có thẩm quyền để sửa đổi, điều chỉnh.
Nếu chấp nhận cho Đà Nẵng "lách luật" trong trường hợp này thì liệu ai dám chắc, với những luật khác Đà Nẵng không tiếp tục "lách"? Rồi còn 62 tỉnh, thành khác, thấy Đà Nẵng làm được thì tại sao họ không làm chứ? Vậy thì sẽ chẳng còn luật pháp, kỷ cương nữa!
Với những người ra văn bản trái luật, trái thẩm quyền (như việc không tuyển người có bằng ĐH tại chức) thì ngoài việc phải thu hồi văn bản đó, người đó phải chịu xử lý thế nào, thưa ông?
- Theo tôi, trước hết họ phải chịu trách nhiệm của một công chức không hoàn thành nhiệm vụ theo Luật Công chức. Nếu gây ra hậu quả thì phải khắc phục hậu quả. Có thể không cho hưởng thi đua khen thưởng, và nếu hành vi đó gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, có dấu hiệu trục lợi thì phải truy tố với tội danh "Lạm dụng chức vụ quyền hạn" hay "Cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng". Về mặt nguyên tắc thì có thể áp dụng những điều này, nhưng hiện còn khó lắm.
TS Lê Hồng Sơn
Thế còn việc xem xét bồi thường với những đối tượng chịu ảnh hưởng, tác động từ những văn bản sai đó thì thế nào, thưa ông?
- Vấn đề bồi thường Nhà nước thì không thể đặt ra vì đó là việc không thể. Đợt trước, chúng tôi có đi xử lý hơn 30 tỉnh, thành phố về việc ban hành văn bản xử phạt vi phạm hành chính trái thẩm quyền. Mình ngồi trong xử lý, nhưng bên ngoài đường, công an vẫn cứ áp dụng văn bản của địa phương để xử phạt người dân với mức xử phạt gấp mấy lần Nghị định của Chính phủ.
Về nguyên tắc, người bị phạt có thể cầm quyết định xử phạt đó kiện cơ quan xử phạt ra Tòa Hành chính vì đã dựa vào căn cứ pháp lý sai. Tòa Hành chính sẽ hủy quyết định phạt đó và bắt phải trả lại tiền phạt cho người dân, thậm chí phải bồi thường nữa. Cái này tôi đã trao đổi và Tòa Hành chính cũng đã tán thành. Nhưng thực tế, người dân mình vẫn ngại chuyện "đáo tụng đình" nên không làm được!
Xin cám ơn ông!
Hải Phong (thực hiện)