Ngày 23/7/2015, UBND thành phố Hà Nội phê duyệt chỉ tiêu tuyển dụng viên chức tại các quận, huyện, thị xã của thành phố Hà Nội. Ngoài ra, các Hội đồng tuyển dụng các nơi cũng đã ban hành thông báo về việc tính điểm học tập và điểm tốt nghiệp để làm căn cứ cộng điểm cho kỳ thi.
Với cách tính mới của Sở Nội vụ Hà Nội, thí sinh N.T.P.L sẽ bị tụt 21 điểm so với điểm số hiện tại.
Theo đúng kế hoạch, thì ngày 10/11 các thí sinh tham dự trên địa bàn toàn thành phố sẽ biết tổng điểm xét tuyển của mình.
Đến ngày 26/11, Sở Nội vụ Hà Nội lại ban hành công văn số 2973/SNV-ĐTBDTD về việc rà soát tính điểm tuyển dụng viên chức. Theo cách tính điểm mà công văn này nêu thì Điểm tốt nghiệp được xác định bằng trung bình cộng kết quả các môn thi tốt nghiệp hoặc điểm bảo vệ luận văn của người được xét tuyển và được quy đổi theo thang điểm 100, tính hệ số 1.
Với cách tính mới, có thí sinh bị hụt tới 29 điểm trong tổng điểm xét tuyển của mình.
Trường hợp của chị N.T.K.L, sinh năm 1987 ở huyện Ứng Hòa, tổng điểm của chị nếu tính theo quy định của Bộ GD-ĐT và theo Nghị định số 29/2012/NĐ-CP, khoản 2, điều 2 thì điểm của chị sẽ được là 310,27. Với cách tính mới toàn bộ các môn chị học chỉ tính hệ số 1 và chia cho tổng số môn chứ không hề tính cộng điểm tốt nghiệp hay điểm bảo vệ luận án của chị. Điều này khiến chị K.L tụt 21 điểm, từ đỗ thành trượt. Dù ra trường bằng giỏi, nhưng lại thua cả những thí sinh có bằng tại chức và bằng trung cấp cùng thi đợt với chị.
Tương tự, chị P.L ở huyện Thạch Thất cũng bị áp theo cách tính điểm như vậy. Với số điểm cao nhất nhì của huyện là 296,09 - những tưởng chị sẽ đỗ vào viên chức ngành giáo dục nhưng sau khi nhận công văn số 2973 bỗng dưng số điểm của chị bị đánh tụt xuống gần 30 điểm.
Ngoài ra còn có các trường hợp điển hình khác như của chị N.T.H ở huyện Mỹ Đức, chị N.T.P.L ở huyện Thạch Thất, chị V.P.N ở quận Đống Đa.
Thí sinh trao đổi với PV về những bức xúc trong cách tính điểm của Sở Nội vụ Hà Nội.
Nếu tính điểm theo công văn này, những thí sinh thuộc hệ trung cấp, CĐ hay tại chức học ít môn hơn so với các thí sinh học đại học chính quy sẽ dễ dàng có số điểm cao hơn do được tính điểm theo các môn thi điều kiện bắt buộc chứ không làm khóa luận hay lựa chọn học tín chỉ.
Toàn huyện Ứng Hòa, Hà Nội vừa qua có 54 trường hợp thi viên chức. Tuy nhiên có 6 trường hợp đã từ đỗ thành trượt với cách tính mới.
Theo các ứng viên, việc thông báo cách tính điểm mới của Sở Nội vụ Hà Nội là bất hợp lý, thi xong, có điểm rồi lại đưa ra cách tính mới khiến họ thiệt thòi, bức xúc.
Công văn cũng không nêu rõ có cho phép thí sinh quay trở lại trường mình đã học xin cấp lại bảng điểm các môn thi điều kiện hay không. Tuy nhiên Sở Nội vụ Hà Nội lại không trả lời (môn điều kiện chính là 2 môn cơ bản: Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, để xác định sinh viên nào được bảo vệ luận văn, sinh viên nào phải thi).
Tính đến nay, các thí sinh này đã gửi đơn thư kiến nghị lên Sở Nội vụ Hà Nội 3 lần nhưng chưa nhận được câu trả lời.
Trường hợp của các ứng viên tuyển dụng viên chức giáo dục 2015 tại Hà Nội bức xúc với cách tính điểm của Sở Nội vụ thành phố không phải mới. Năm 2014 là sự việc của ứng viên ở huyện Chương Mỹ. Sau đó nhiều thí sinh đã được tính lại điểm. Sở GD-ĐT Hà Nội cũng đã lên tiếng về những bất hợp lí này. Nhưng đến đầu tháng 8/2015 tiếp tục có thí sinh trượt oan ức vì cách tính này.