Dân Việt

Kiến vẫn leo cây

10/07/2011 11:16 GMT+7
(Dân Việt) - Năm nào đến mùa vải thiều cũng có “khủng hoảng”. Năm nay vải Lục Ngạn đầu mùa đã rớt giá, thương lái mua tại vườn chỉ trả 1.200 - 1.500 đồng/kg.

- Đến vải Thanh Hà, “thiều xịn” cũng chỉ được 2.000 đồng/kg.

- Hôm nay, giá vải ở chợ Hà Nội đã tăng từ 8.000 lên 15.000 - 20.000 đồng/kg, có nơi còn cao hơn nữa, nông dân trồng vải dễ thở hơn.

- Chết cái lúc chín rộ, nay mùa đã vãn, còn ít, nói làm gì. Mà cứ gì vải, nông dân mình hai sương một nắng, làm lụng quanh năm, đến mùa thu hoạch vẫn méo mặt vì đủ thứ “tội nợ”. Không có ai đảm bảo giá cả đủ để bù đắp tiền của công sức. Thương lái quyết tất.

- Hôm vừa rồi tôi vào Tây Nguyên thăm bà con, nghe họ kể trong ấy nhiều đất, cà phê được giá nhưng cũng không ăn thua bằng nuôi chồn.

- Nuôi làm gì?

- Con chồn hương cho ăn cà phê chín, ị ra hạt cà phê chồn. Một ly cà phê chồn giá 200.000 đồng, đắt nhất thế giới. Con nào tiêu hóa kém, coi như thải, bán cho thương lái từ Sài Gòn làm món đặc sản cao cấp 1,5 triệu đồng/kg. Mấy người nuôi chồn thành tỷ phú. Còn người trồng cà phê đâu có giàu.

- Nghe nói thương lái TQ sang mua vét, chỉ cần trả nhích hơn thương lái ta 1% là bà con bán luôn. Hồ tiêu người Trung Quốc mua nhiều nhất, đang đua nhau trồng tiêu.

- Nông sản gì họ cũng mua. Nước họ tỷ hai dân, có vét hết nông sản của mình cũng chỉ đủ cho vài huyện của họ xài.

- Còn mình thì bị “nẫng tay trên”, mất nguồn xuất khẩu. Ấy là chưa nói chuyện họ mua hàng xịn của ta, lại xuất hàng không an toàn cho ta ăn. Tệ thế!

-Hãy “tiên trách kỷ hậu trách nhân”. Kinh tế của mình, nông dân của mình, thế mà để lái Trung Quốc sang ta vét hàng vô tư như đi chợ miền núi. Bộ máy quản lý của ta ở đâu nhỉ?

- Thôi xin các bác, người ta mua giá cao, dù chỉ hơn 1% cũng là có lợi cho nông dân, còn mình thì đồng bào với nhau lại chơi trò ép giá, “quen lèn cho đau”!

- Nói thật với các bác, có lẽ vì thế mà bà con ta chỉ ngong ngóng chờ có dự án nào đến thu hồi đất, làm một cục tiền là ngon lành.

- Rồi lấy gì mà ăn. Đi làm công nghiệp? Ly nông, ly hương? Có thấy từ đầu năm tới giờ hơn ba chục vạn thợ bỏ việc về quê? Lúc khủng hoảng chỉ thấy các ngành các cấp lo cứu các nhà đầu tư dự án, chả thấy bác nào quan tâm đến dân cày.

- Năm nào cũng có chuyện như các bác vừa nói. Chúng ta (trừ anh nuôi chồn lấy cà phê tái sử dụng) vẫn là “con kiến mà leo cành đa/Leo phải cành cụt leo ra leo vào...”.