Dân Việt

7 bất lợi của nông dân Việt khi tham gia TPP

Ngọc Lê 12/12/2015 17:30 GMT+7
Một nghiên cứu của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Ipsard) vừa công bố cho thấy, nông dân Việt Nam có tới 7 điểm bất lợi trước khi nước ta tham gia vào Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Xóa bỏ trợ cấp nông sản

TS Trần Công Thắng- Phó Viện trưởng Ipsard, tác giả của bản báo cáo “Nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập và chính sách hỗ trợ nông dân” cho biết: “TPP là hiệp định lớn nhất thế giới với 12 thành viên của 3 châu lục, bao quát toàn bộ khu vực vành đai Thái Bình Dương và chiếm khoảng 41% kinh tế toàn cầu, cũng như 1/4 thương mại thế giới. Hiệp định thương mại tự do có cam kết sâu nhất tới 95-100% dòng hàng hóa vào lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu (dài hạn); 70-95% dòng thuế được xóa bỏ thuế quan ngay khi hiệp định có hiệu lực; còn lại được xóa bỏ theo lộ trình cơ bản là 3-10 năm, một số hàng hóa nhạy cảm xóa bỏ với lộ trình 11-15/16 năm”.

img

Nông dân thu hoạch cà rốt trên cánh đồng huyện Gia Bình, (Bắc Ninh). Ảnh: Trần Quang

Theo TS Thắng, hiệp định thương mại tự do có cam kết toàn diện nhất: Xóa bỏ về cơ bản hàng rào thuế nhập khẩu đối với nông lâm thủy sản. Thiết lập lại một phần công bằng trong thương mại nông sản khu vực TPP thông qua cam kết xóa bỏ trợ cấp xuất khẩu nông sản trong khu vực. “Về đầu tư, các nước cam kết không phân biệt đối xử, xóa bỏ hạn chế, rào cản và điều kiện đầu tư không phù hợp với thông lệ quốc tế. Tạo thuận lợi hơn cho đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp, thông thoáng, minh bạch hơn và có thể dự báo…”- TS Thắng nói.

Theo bản báo cáo này, khi gia nhập TPP, Việt Nam sẽ có cơ hội thay đổi cơ cấu sản xuất, phát huy lợi thế so sánh của các ngành hàng; Tăng cường thu hút hợp tác đầu tư trong nông nghiệp; Thay đổi tư duy và hệ thống quản lý bằng cách mở cửa thị trường và chấp nhận cạnh tranh; Thay đổi hệ thống luật pháp, tiêu chuẩn chất lượng…

Tuy nhiên, theo bản báo cáo này, quá trình nghiên cứu cho thấy, người nông dân Việt Nam có tới 7 điểm bất lợi trước khi tham gia TPP, đó là: Sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; Chịu rủi ro cao; Khả năng chống đỡ cú sốc kém; Tiếp cận thông tin yếu; Tỷ lệ thương mại thấp; Chưa liên kết vào chuỗi giá trị; Chưa bắt kịp tiến trình hội nhập cả về tiêu chuẩn và chất lượng.

Các nước làm gì để hỗ trợ nông dân?

  Đến nay, Việt Nam đã tham gia ký kết 15 Hiệp định thương mại tự do và đang đàm phán ký kết 4 Hiệp định. Trong đó, lớn nhất là Hiệp định TPP và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). 

TS Thắng cho biết, trên thế giới các nước đều có chính sách hỗ trợ nông dân của riêng mình bằng các chính sách khác nhau. Chẳng hạn như ở Mỹ và châu Âu (EU), các nước này áp dụng chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nông dân bằng tiền tính trên đơn vị sản xuất (hecta), nhưng chủ yếu các nước phát triển mới có điều kiện để hỗ trợ theo hình thức này.

Hàn Quốc cũng có 11 hình thức hỗ trợ trực tiếp tiền cho nông dân như chi lương hưu cho nông dân cao tuổi, hỗ trợ sản xuất sạch, thân thiện môi trường, hỗ trợ vùng sản xuất có điều kiện không thuận lợi, hỗ trợ bảo tồn cảnh quan nông nghiệp, ổn định thu nhập người trồng lúa, hỗ trợ bù đắp thiên tai,  bảo hiểm nông nghiệp…

Trong khi đó, ở Trung Quốc và Việt Nam chủ yếu hỗ trợ về sản xuất như sản xuất theo tiêu chuẩn (GAP, xanh), riêng tại EU, hộ nông dân nhận được 30% giá cao hơn nếu áp dụng sản xuất xanh.

Về thương mại, các nước châu Á, trong đó có Việt Nam và Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia Việt Nam lại áp dụng nhiều cho giá lương thực. Tại Indonesia, nước này trợ giá nông sản (quy định giá sàn thu mua) đối với các mặt hàng đậu nành, đường, gạo, ngô…; còn ở Thái Lan, Việt Nam thì áp dụng chính sách thu mua tạm trữ.

Một số chính sách như hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, nâng cao trình độ, đào tạo nông dân phát triển cơ sở hạ tầng… cũng được nhiều nước áp dụng. Đặc biệt, Hàn Quốc đã áp dụng Chương trình Chuyên nghiệp hóa nông dân. Theo đó, hàng năm nước này tuyển chọn, cho vay và đào tạo 1.000 nông dân mới (dưới 35 tuổi), cho vay tối đa 270.000 USD/người để khởi nghiệp nông nghiệp, trả trong vòng 15 năm. Tới năm 2005, nước này cũng có chính sách áp dụng mới là, hỗ trợ nông dân giỏi, có kinh nghiệm và các chuyên gia tiền hướng dẫn, đào tạo các nông dân khác.

TS Thắng cho biết, trong bối cảnh chúng ta đang thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp như hiện nay, việc hỗ trợ sẽ giúp hộ nông dân chủ động tham gia vào quá trình hội nhập. Tuy nhiên, nên tránh hỗ trợ trực tiếp, mà cần tạo điều kiện nâng cao khả năng cạnh tranh, tiếp cận, áp dụng khoa học - công nghệ, sản xuất theo tiêu chuẩn, xúc tiến thương mại, đầu tư... cho nông dân.