Ngày 11.12, ông Võ Văn Hải - Phó Chánh án TAND thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa - cho biết tòa này đang yêu cầu các bên bổ sung tài liệu vụ các con ông Huỳnh Chiếm Phái (Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa) kiện VKSND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu bồi thường oan cho cha mình.
“Cha tôi đến chết vẫn bị oan”
Cùng ngày, Thẩm phán Nguyễn Khánh Toàn, người được TAND thị xã Ninh Hòa phân công giải quyết vụ kiện trên, có buổi làm việc với ông Huỳnh Chiếm Hoạnh (con ông Huỳnh Chiếm Phái), người được các con ông Phái đồng ủy quyền khởi kiện về việc án oan "treo" 30 năm.
Trao đổi với Pháp luật TP.HCM sau buổi làm việc, ông Hoạnh cho biết: “TAND thị xã Ninh Hòa đề nghị gia đình tôi thống kê lại cụ thể các khoản yêu cầu bồi thường kèm theo chứng cứ. Thẩm phán Toàn cho biết VKSND tỉnh Khánh Hòa không đồng ý bồi thường vì cho rằng vụ việc đã quá lâu, nay không còn thời hiệu. Tòa hỏi ý kiến gia đình tôi thế nào. Tôi trả lời dứt khoát là phải kiện, vì cha tôi bị oan đã treo cổ chết trong phẫn uất. Mãi đến năm 2009, khi gia đình tôi yêu cầu VKS mới đưa ra quyết định đình chỉ điều tra nên không thể nói hết thời hiệu bồi thường oan. Gia đình tôi yêu cầu trước mắt VKSND tỉnh phải đến địa phương xin lỗi công khai để linh hồn cha tôi đỡ uất ức, sau đó phải bồi thường hơn 2 tỷ đồng. Tòa ghi nhận bằng biên bản và cho biết đang tiến hành giải quyết”.
Đình chỉ năm 1984, tới 2009 mới giao quyết định
Vụ kiện trên là hậu quả của một vụ án oan xảy ra cách đây 34 năm. Tối 18.10.1981, trên đường về nhà sau khi họp về sản xuất nông nghiệp tại nhà ông Huỳnh Chiếm Phái (sinh năm 1931, đội trưởng đội sản xuất), ông Phạm Ngựu, Chủ tịch UBND xã Ninh Giang, bất ngờ bị bắn chết. Ngày 18.12.1981, Công an tỉnh Phú Khánh (nay là Khánh Hòa và Phú Yên) bắt giam ông Phái cùng với ba người khác để điều tra tội giết người. Sau hơn 13 tháng tạm giam, ngày 2.2.1983, VKSND tỉnh ra lệnh tạm tha đối với ông Phái với lý do “xét thấy bị can tuổi già, sức khỏe bị sút kém nên không cần thiết phải giam giữ tiếp”.
Ông Huỳnh Chiếm Lạc, con ông Huỳnh Chiếm Phái, quyết đòi lại danh dự cho cha. Ảnh: Tấn Lộc
Khi vào trại tạm giam thăm cha, các con ông Phái mới biết cha mình đã được “tạm tha”. Bấy giờ, người thân phải dùng võng khiêng ông về nhà vì từ một người khỏe mạnh, ông Phái đã trở thành tàn phế. Từ đó, ông Phái liên tục kêu oan, yêu cầu trả lại danh dự nhưng tất cả đều rơi vào im lặng.
Năm 2009, các con ông Phái làm đơn gửi cơ quan điều tra đề nghị cho biết vụ án giết người mà ông Phái là bị can đã làm rõ thế nào, ông Phái có phạm tội không…
Ngày 10.12.2009, VKSND tỉnh Khánh Hòa mời ông Phái cùng các con ông đến và giao một bản sao “Quyết định đình chỉ điều tra” số 337/ĐCĐT do VKSND tỉnh Phú Khánh ký ngày 25.9.1984 (tức một năm bảy tháng sau khi ông Phái được trả tự do). Quyết định nêu rõ: “Xét thấy không đủ bằng chứng để buộc tội Huỳnh Chiếm Phái phạm tội giết người”.
Tiếp đó, ngày 24.12.2009, VKSND tỉnh làm việc với chính quyền địa phương, gia đình ông Phái, thông báo ông Phái đã có quyết định đình chỉ điều tra, đồng thời yêu cầu chính quyền tạo điều kiện, khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp cho ông.
Viện Tối cao yêu cầu bồi thường
Liên tiếp nhiều năm sau đó, ông Phái ủy quyền cho con trai là Huỳnh Chiếm Hoạnh gửi đơn yêu cầu bồi thường oan nhưng không cơ quan nào giải quyết. Ông Hoạnh khởi kiện ra TAND thị xã Ninh Hòa yêu cầu VKSND tỉnh Khánh Hòa bồi thường nhưng tòa bảo để VKS giải quyết hành chính.
Trong hai năm 2011-2012, VKSND Tối cao có ba văn bản yêu cầu VKSND tỉnh Khánh Hòa xem xét, tiến hành các thủ tục để bồi thường cho ông Phái theo quy định pháp luật. Thế nhưng VKSND tỉnh Khánh Hòa vẫn không thực hiện. Mãi đến ngày 6.1.2014, TAND thị xã Ninh Hòa mới có thông báo thụ lý vụ kiện.
Sau khi ông Phái qua đời vào tháng 3.2015, TAND thị xã Ninh Hòa hướng dẫn các con ông làm thủ tục đồng thừa kế tố tụng. Trước đây, trả lời câu hỏi vì sao đến nay tòa vẫn chưa giải quyết, lãnh đạo TAND thị xã Ninh Hòa giải thích: “Do vụ kiện phức tạp, VKS nói để họ xin ý kiến VKSND Tối cao nên phải kéo dài như vậy”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Minh, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Khánh Hòa, thanh minh: “Vụ này rất phức tạp, có nhiều cái khó giải quyết như về thời hiệu. Khi giải quyết, có nhiều quan điểm khác nhau chứ nếu thống nhất thì chúng tôi đã giải quyết cho người dân từ lâu rồi. Vừa qua chúng tôi đã xin ý kiến VKSND Tối cao để giải quyết vụ này”.
PV đã nhiều lần đăng ký làm việc với ông Nguyễn Văn Kháng, Viện trưởng VKSND tỉnh Khánh Hòa, nhưng ông Kháng luôn từ chối.
Áp dụng pháp luật phải vì dân Ông Phái đã vì uất ức quá mà phải treo cổ tự tử, cả gia đình ông lâm vào cảnh điêu đứng, con cháu không thể đi học, đi làm trong các cơ quan nhà nước hoặc phải nghỉ việc; bị chính quyền địa phương kỳ thị, cuộc sống gia đình lâm vào bế tắc. Căn cứ vào quyết định đình chỉ điều tra của VKSND tỉnh Phú Khánh (cũ) thì trường hợp của ông Phái được hiểu là bị oan do cơ quan tiến hành tố tụng hình sự gây ra. Việc áp dụng pháp luật để giải quyết cũng phải mềm dẻo và có tính nhân văn, mà mục đích là vì dân chứ không nên máy móc. Vụ việc đã được VKSND Tối cao có công văn yêu cầu VKSND tỉnh Khánh Hòa sớm chỉ đạo giải quyết thì không có lý do gì mà trì hoãn hơn nữa. TAND thị xã Ninh Hòa nên sớm đưa vụ kiện ra xét xử để phần nào giảm bớt nỗi uất ức của người thân ông Phái, lấy lại lòng tin của người dân. Đinh Văn Quế, nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND tối cao Nỗi oan truyền đời Theo người thân ông Phái, từ khi ra khỏi trại giam, ông Phái luôn sống trong nỗi đớn đau, cùng quẫn của một người bị oan nhưng không được trả lại danh dự. Ông đã không ít lần tự tìm đến cái chết. “Chúng tôi phải dẹp bỏ mọi thứ xung quanh mà cha tôi có thể dùng để tự tử. Vậy mà cuối cùng ông vẫn treo cổ chết cách đây hơn tám tháng. Cha tôi chết để lại nỗi oan truyền đời. Hơn 13 tháng cha tôi bị giam đã để lại nỗi đau kéo dài hàng chục năm qua. Cha tôi chỉ cần một lời xin lỗi công khai để trả lại danh dự cho ông nhưng họ vẫn vô cảm trước yêu cầu ấy. Dù thế nào, chúng tôi cũng đòi lại danh dự cho cha tôi” - ông Huỳnh Chiếm Hoạnh kể. |