Dân Việt

Đọc "Harry Potter" khiến con người sống nhân ái hơn

Nha Đam 12/12/2015 09:36 GMT+7
Khoa học vừa chứng minh những đứa trẻ đọc và say mê bộ truyện Harry Potter sẽ trở nên tốt đẹp hơn, bởi bộ truyện truyền tải lòng nhân ái và tinh thần nhân văn, bình đẳng qua những câu chuyện như thể ngụ ngôn.

Đó là nghiên cứu của tờ báo chuyên về tâm lý Journal Of Applied Psychology. Theo đó, khía cạnh “tốt đẹp hơn”được chứng minh qua các tiêu chí cụ thể: người đọc Harry Potter gia tăng nhận thức về các nhóm thiểu số như người nhập cư, người đồng tính và người tị nạn, giúp họ có năng lực thấu cảm cao hơn và cách hành xử nhân văn hơn.

Nói một cách ngắn gọn, bộ sách giúp người đọc thoát khỏi những định kiến có sẵn trong xã hội và hướng đến tinh thần bình đẳng, nhân văn.

Máu bùn, máu lai và máu trong

img

rong "Harry Potter" ẩn chứa nhiều bài học cảm động

Đó là 3 nghiên cứu được thực hiện trên 3 nhóm học sinh từ lớp 5, trung học đến cao đẳng ở Italy và Anh. Mỗi nghiên cứu cho thấy kết quả là sau khi đọc Harry Potter, các nhóm học sinh đã có những thay đổi đáng chú ý trong nhận thức và thái độ đối với người nhập cư, cộng đồng LGBT (đồng tính, song tính và chuyển giới) và người tị nạn.

Đó đều là thay đổi theo hướng tích cực, chấp nhận và thấu hiểu, có liên quan mật thiết đến nhận thức của người đọc về số phận các nhân vật trong bộ truyện.Với những người yêu thích bộ truyện, thông tin này không có gì bất ngờ bởi Harry Potter cũng được coi như một bộ truyện ngụ ngôn đồ sộ của thời hiện đại chứ không chỉ là văn giải trí.

Đầu tiên, cần nhắc đến “máu bùn” (Mudblood) – từ có sắc thái miệt thị dùng để chỉ những phù thủy không thuần chủng trong bộ truyện. Đó là những người không có bố mẹ là phù thủy, nhưng lại theo học để trở thành phù thủy như nhân vật Hermione, bạn thân của Harry. Trong truyện, từ này được hiểu là đậm tính xúc phạm và định kiến tương đương “mọi đen” hay “pê đê” trong đời thực.

Mỗi lần từ “máu bùn” được nhắc đến trong sách, các nhân vật chính diện đều tỏ thái độ ghê tởm đối với nhân vật phát ngôn. Điều này giúp độc giả, đặc biệt là các độc giả nhỏ tuổi, hiểu rằng nói các từ ngữ mang nội dung thù ghét là hành vi đê hèn và sai trái.

Ngoài đời, phát xít Đức từng coi người Aryan là chủng tộc ưu tú hơn mọi chủng tộc khác trên trái đất, và đặc biệt bài trừ người Do Thái. Vì vậy, phát xít Đức từng dùng từ kỳ thị “Mischling” (tiếng Đức, nghĩa là “máu pha trộn”) đối với những người con lai giữa người Do Thái và người Aryan.

Trong Harry Potter, J.K. Rowling đã sáng tạo ra một từ tương tự là “máu lai” (half-blood), như chính Harry hay nhân vật giáo sư Snape. Từ này cũng mang sắc thái xúc phạm.

Nếu như phát xít Đức từng diệt chủng 6 triệu người Do Thái, thì trong Harry Potter, Rowling cũng lập ra một thế giới, nơi Bộ Pháp thuật bị các phù thủy cực đoan "đánh chiếm" và chúng lập chiến dịch thanh lọc các phù thủy “máu lai” hoặc “máu bùn”. Cả hai chiến dịch ở ngoài đời và trong bộ truyện đều cực kỳ tàn nhẫn.

Giấc mơ về thế giới của sự đa dạng

Trong sách, một trong những phù thủy được kính trọng nhất là giáo sư Albus Dumbledore đã cất tiếng nói chống lại Bộ trưởng Bộ Pháp thuật: “Các người đặt quá nhiều giá trị vào cái gọi là “máu trong”. Các người luôn làm thế. Các người không chịu hiểu rằng thứ quan trọng không phải là gốc gác người ta sinh ra, mà là con người họ trở thành”.

Câu nói này rất giống một tuyên ngôn nổi tiếng của nhà hoạt động nhân quyền vĩ đại Martin Luther King, Jr. trong bài diễn thuyết lịch sử I Have A Dream (Tôi có một giấc mơ). Đó là: “Tôi có một giấc mơ cho những đứa bé 4 tuổi của tôi, một ngày nào đó, sẽ được sống trong một đất nước, nơi chúng không bị phán xét vì màu da mà vì phẩm chất của mình”.

Người đọc Harry Potter không ai không nhận ra giấc mơ đó hiển hiện trong nhiều hình hài khác nhau. Đó là khi Harry và những người bạn của cậu dành cả tuổi trẻ để đấu tranh cho những phù thùy ở mọi dòng máu và địa vị được chung sống trong hòa bình. Đó là khi Hermione một mình vận động cho quyền lợi của gia tinh – các nô lệ trong thế giới phù thủy.

Đó là khi những nhân vật anh hùng, thông thái, trung thành, sống tình nghĩa nhất trong truyện đều thuộc những nhóm người đa dạng: phù thủy thuần chủng hoặc không thuần chủng, người da trắng, người da màu, người sói, người nghèo, người giàu, tù nhân, gia tinh, người tưởng như vô cùng kém cỏi...

Một bộ sách nhân văn thực sự khi những nhân vật tưởng như kém cỏi nhất cũng phát huy được giá trị của mình. Một bộ sách “trẻ con” có giá trị giáo dục thấm thía mà ngay cả người lớn, đôi khi cũng chưa hiểu hết.

J.K. Rowling, tác giả của Harry Potter, cũng được biết đến như một nhân vật thường xuyên lên tiếng chống lại bất công, kỳ thị và định kiến trong xã hội. Gần đây nhất, bà được truyền thông thế giới nể phục khi phát ngôn “Donald Trump còn tệ hơn Chúa tể Voldemort”, khi nói về việc ứng cử viên tổng thống Mỹ đề xuất cấm người Hồi giáo nhập cư vào Mỹ.Voldemort, nhân vật phản diện chính của Harry Potter, cũng là người có tư tưởng kỳ thị những phù thủy không thuần chủng.