Dân Việt

Chuyện về Việt kiều Mỹ dọn vệ sinh không lương ở Bệnh viện K

Ph. Thúy 13/12/2015 09:30 GMT+7
Mỗi tuần ba buổi ông Lai Tư lại bắt xe buýt từ Xuân Diệu, Tây Hồ, Hà Nội để đến phòng đọc sách, đồ chơi của khoa Nhi, Bệnh viện K trung ương cơ sở 3 để dọn vệ sinh. Ông hi vọng với việc nhỏ bé của mình có thể phần nào giúp ích cho các bé.

img

Ông Lai Tư cần mẫn soạn riêng từng loại sách, truyện của thư viện khoa Nhi

Xin vào làm việc dù bị bảo vệ đuổi

Ông Lai Tư - một Việt kiều Mỹ - về Hà Nội ở cùng con gái được 6 tháng nay. Dù đã 72 tuổi, mái tóc điểm bạc, thân hình nhỏ bé, nhưng tay chân ông không ngừng nghỉ. Ông lần dở từng trang truyện, lật dở từng cuốn sách để vào ngăn sách cho các con.

Ông Tư vừa thoăn thoắt làm vừa tâm sự, hàng tuần vào thứ 2 thứ 4, thứ 6 ông lại đến khu vui chơi của khoa Nhi tự dọn dẹp ngăn sách, truyện của các bé, coi như việc thiện mà mình có thể giúp các bé. 

Ông kể ngày mới về nước ở với con gái, cháu đi học, ông buồn không biết làm gì. Ông chỉ biết Hà Nội có bệnh viện K là nơi điều trị cho bệnh nhân ung thư. Nói tới bệnh nhân ung thư ai cũng biết họ khổ như thế nào. Vì thế, ông Lai Tư nghĩ ngay đến việc tìm đến bệnh viện để xin làm việc gì đó có thể giúp được người bệnh.

Không biết đường, ông mua bản đồ và đi dò bằng xe buýt đến Bệnh viện K ở Quán Sứ, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ông tìm vào gặp lãnh đạo của Bệnh viện "xin việc". Ông chỉ mong có việc gì làm đỡ đần bệnh nhân vì ông bảo "tiền thì mình chẳng có nhiều nhưng muốn dùng chút lao động của mình để giúp đỡ ai đó". Ông được người của bệnh viện giới thiệu xuống cơ sở 3. Đến đây, ông liên hệ với điều dưỡng của khoa Nhi với hi vọng có thể tìm được một công việc nào đó giúp đỡ các bệnh nhân ở đây.

Thật may, khoa Nhi lại có phòng chơi, phòng đọc sách của các bé nên ông Lai Tư thấy nó hợp với sức khỏe của mình. Công việc cũng nhàn mà ông cảm thấy có ý nghĩa. Ông đã xin điều dưỡng cho vào dọn dẹp phòng đọc, kê lại tập sách, tập vở cho các cháu.

Những ngày đầu vào đây, ông Tư còn bị bảo vệ đuổi không cho lên. Sau đó, ông phải nhờ điều dưỡng để họ xem giấy tờ tùy thân của mình. Những ngày đầu phải đứng dưới chờ đến giờ vào thăm bệnh nhân mới được lên phòng vui chơi của khoa dọn dẹp. Đến nay, đi lại nhiều, ông được "bảo lãnh" để có thể dọn dẹp thường xuyên.

Mỗi buổi sáng sau khi cho cháu đi học, ông lại đi bộ từ nhà ra Nghi Tàm đi xe buýt số 55 đến điểm trung chuyển Long Biên, ông đi xe 22 đến Hà Đông và bắt thêm tuyến 39  mới đến được bệnh viện. Để đến được viện K 3, ông Tư kể, mỗi ngày ông đi mất hơn tiếng, về mất hơn một tiếng. 

Ông Lai Tư bảo "Các cháu đọc xong thường để lộn xộn, sách truyện, sách giáo khoa, sách dạy nấu ăn, sách dạy kỹ năng, truyện tranh các cháu để không đúng chỗ, tôi sẽ sắp xếp lại để ngăn nắp từng ngăn riêng. Ví dụ sách của Nguyễn Nhật Ánh sẽ được chuyển gọn vào một ngăn, truyện đoremon xếp vào một ngăn. Công việc chỉ làm chừng hơn 1 tiếng đồng hồ là xong". Với ông Tư, lúc nào ông cũng mong muốn có thật nhiều việc để làm được.

Muốn làm thêm nhiều việc nữa

Ông Tư kể, hai người con của ông đều ở Mỹ. Gần đây con gái và cháu ngoại về Việt Nam làm việc vài năm nên ông đã về đây ở với con. Ông thấy mình rất nhàn rỗi. Ông còn đến cả hội người cao tuổi ở khu mình sống để “xin việc”. Ông chỉ muốn dành chút sức của mình giúp đỡ ai được thì giúp đỡ. Đếm đầu ngón tay, ông bảo tôi còn nhiều thời gian rảnh lắm. Tính ra, mỗi tuần đến đây có 3 ngày lại về nhà. Nếu có việc làm nhiều nữa thì tốt quá.

Nói rồi, ông khoe “tôi đã liên hệ được với một trung tâm chăm sóc người già. Họ bảo xin ý kiến giám đốc của trung tâm, nếu họ đồng ý tôi sẽ đến đó giúp đỡ những người già neo đơn, có hoàn cảnh khó khăn. Tiền tôi không có nhiều nhưng tôi sẽ cố gắng làm thật tốt”.

Ông lão ở tuổi 72 này chỉ mong có thể tìm được một công việc tương tự như ở bệnh viện K để ông có thể làm được. Thời gian tới, nếu không giúp được trung tâm chăm sóc người già, ông sẽ liên hệ tới bệnh viện nào đó để có việc gì dù là dọn dẹp cũng được để giúp người khác.