“Bụi Chương Mỹ” làm hai luật sư nhập viện gây căm phẫn trong xã hội bởi những kẻ đánh 2 luật sư đã ra đòn rất hiểm ác là nhằm vào mắt và mũi của nạn nhân. Sự căm phẫn của số đông dành cho những kẻ gây bạo lực đối với các luật sư là chỉ số tốt của xã hội vì nó phản ánh rằng chúng ta căm ghét bạo lực.
Thế nhưng, cũng là nạn nhân của hành động bạo lực, song tôi thấy buồn đến xót xa khi trên mạng xã hội từ ngày hôm qua, nhiều facebooker đã đưa ảnh và biểu thị sự hả hê đối với Thượng úy Nguyễn Quốc Đạt vừa bị xe tải kéo 20m tại ngã ba Sài Đồng - quốc lộ 5 (Hà Nội) vào sáng ngày 12.12. Người ta dùng những cụm từ ghê rợn như “đáng đời” “đi chết đi” “chết bớt cho dân nhờ”…dành cho người cảnh sát giao thông này.
Sự hả hê bằng những cụm từ theo kiểu “ném đá vào người dưới giếng”, với một đồng loại của mình gặp tai nạn khi đang thi hành phận sự là điều không thể có trong những con người thuộc về một xã hội văn minh.
Vì sao trong xã hội hôm nay lại có những hành vi ứng xử dã man như vậy? Cái tâm lý ưa bạo lực đến mù quáng, đến mức mất nhân tính như vậy có từ đâu? Chúng ta cần mổ xẻ để tìm ra nguyên nhân.
Việt Nam vốn là quốc gia bị chiến tranh liên miên. Kẻ thù Phương Bắc đã luôn dùng bạo lực với dân ta “nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn. Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ”, đương nhiên dân ta phải dùng bạo lực diệt bạo lực để đuổi quân xâm lược. Tuy nhiên, trong chiến thuật và chiến lược đánh địch, nhà quân sự lỗi lạc Nguyễn Trãi đã áp dụng “Lấy nhân nghĩa để thắng hung tàn. Lấy chí nhân để thay cường bạo” nhằm giảm bớt sinh mạng cho cả hai bên, và ông đã dành được nhiều thành công trong cuộc chiến chống quân Minh.
Xét về phương diện lịch sử, chiến tranh nối tiếp chiến tranh và đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc vận hành theo chu trình đó. Bạo lực đã đi vào tiềm thức người Việt rất tự nhiên bởi thế trong tâm thức cộng đồng luôn tiềm ẩn bạo lực. Yếu tố bạo lực sẽ bị châm ngòi khi các tín hiệu bạo lực được biểu lộ giữa các thành viên xã hội.
Xét về giáo dục, chúng ta đã áp dụng hình thức “người roi, voi búa” trong cả giáo dục gia đình và cả trong giáo dục nhà trường, bởi thế yếu tố bạo lực được nuôi dưỡng từ nhỏ. Thế hệ tôi, hầu như ai cũng được nếm thước của thầy cô giáo. Viết chữ xấu thì bị đánh vào tay và thậm chí là những cái tát vào mặt.
Những năm tháng học trò, tôi đã bị đánh nhiều lần và cũng đánh trả khi dùng lời lẽ không thành công. Tôi nhớ như in hình ảnh một thanh niên của xã khác bị thanh niên xã tôi đánh gục ở bãi chiếu phim, sau đó họ còn bật lửa đốt cả lông mi và mép của nạn nhân cho hả dạ. Nhiều thanh niên làng đã xem việc đánh được một thanh niên khác như là chiến tích và đám trẻ chúng tôi cũng bắt chước điều tệ hại đó.
Rồi nữa, giáo dục gia đình của chúng ta, đặc biệt là khu vực nông thôn, bạo lực hiện hữu khắp nơi. Con trẻ có lỗi, thường là đét tay vào mông. Trong hành trình đi bộ Hà Nội-Sài Gòn, quan sát ở quán ăn lẫn quán café, tôi đã thấy không dưới 50 ông bố bà mẹ đánh con khi ăn và uống. Chúng ta cứ chịu khó đến các khu chung cư ở Hà Nội, sẽ thấy những đứa trẻ bị cưỡng bức khi ăn uống và kèm theo những lời quát nạt. Những đứa trẻ lớn lên trong môi trường xã hội mà không ít người cho mình cái quyền bạo lực với chúng thì chúng cũng tiếp tục bạo lực khi lớn lên.
Bên cạnh đó, những nhân vật văn học đầy nhân ái như bác Tôm trong “Túp lều bác Tôm, những Giăng Van Giăng trong “Những người khốn khổ”, những Robinson Cruso hay những con người thực như Thomas Edison, James Watt… là những dữ liệu đầu vào hình thành độ nhạy cảm về tâm hồn, phẩm giá, khát vọng, sự cần cù, sáng tạo lại quá xa vời với giới trẻ.
Thiếu đi những hình tượng đẹp về nhân cách, đồng nghĩa với chúng ta đang kiến tạo tội ác cho hiện tại và lũy tích vô số cái ác trong tương lai. Xã hội rất có thể sẽ quay về thời kỳ hỗn mang.