Nhiều lượng, ít chất
Theo PGS.TS Lê Anh Vinh, hiện cả nước có hơn 4,2 triệu người có trình độ từ CĐ, ĐH trở lên trong đó có hơn 24 nghìn tiến sĩ; 101 nghìn thạc sĩ; số người trực tiếp làm công tác nghiên cứu và phát triển là trên 62 nghìn người. Ngoài ra, còn có hơn 100 nghìn du học sinh, 300 nghìn trí thức kiều bào ở nước ngoài. Đây là lực lượng tiềm năng được đào tạo bài bản và được rèn luyện trong môi trường nghiên cứu khoa học và công nghệ trình độ cao.
PGS.TS Lê Anh Vinh
Tuy nhiên, xét về hiệu quả, Việt Nam chưa có nhiều công trình, sản phẩm khoa học công nghệ mang tính đột phá ở tầm khu vực và trên thế giới. Cụ thể, số lượng bài báo, công trình khoa học công bố quốc tế của Việt Nam trong 5 năm 2008 – 2012 là 6.356 kém Thái Lan 4 lần; kém Singapore 7 lần, kém Nhật bản 57 lần và kém Hoa Kỳ 256 lần. Số đơn đăng ký bảo hộ của chúng ta vẫn còn khá thấp. Trong giai đoạn 2001 – 2010 số đơn đăng ký của người Việt Nam là 1.665 đơn, so với 20.057 đơn của nước ngoài, số bằng độc quyền sáng chế được cấp của người Việt chỉ đạt 257 văn bằng, kém 27 lần so với số lượng văn bằng được cấp của người nước ngoài.
Theo PGS.TS Lê Anh Vinh, nguyên nhân của hiện tượng người tài nhiều lượng, ít chất là do việc thu hút và sử dụng nhân tài chưa hiệu quả. Thự tế, hiện nay, các tổ chức khoa học công nghệ nguồn lực tài chính có hạn, cơ sở hạ tầng và trang thiết bị nghiên cứu hạn chế, môi trường làm việc giao lưu chưa năng động…
“Nhiều nhà khoa học trẻ chưa được sắp xếp, bố trí đúng vị trí công việc, chưa có chế độ làm việc thích đáng và chưa nhận được những cơ chế khuyến khích sáng tạo để họ có thể toàn tâm toàn ý cho khoa học” – PGS.TS Lê Anh Vinh chia sẻ. Cũng theo PGS Vinh, nếu đã thực sự coi các nhà khoa học trẻ là nguồn lực quan trọng, thì Nhà nước cần xem xét có những lộ trình cụ thể để triển khai các chính sách thu hút nguồn nhân lực này.
Một trong những nguyên nhân khác là do việc đầu tư ngân sách cho hoạt động nghiên cứu khoa học của chúng ta quá thấp. Trong khi Mỹ tiêu 16,8% cho mục đích nghiên cứu khoa học thông qua hệ thống giáo dục ĐH; Đức chi 17, 1%; Anh là 22,6% thì ở Việt Nam tỷ lê chi ngân sách cho lĩnh vực này chỉ là… 2%.
Hãy làm, đừng ca thán!
Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác PGS Lê Anh Vinh cho rằng chính bản thân các nhà khoa học trẻ cần phải nhìn lại bản thân mình: “Nhiều người tài đang dành quá nhiều thời gian vào việc ca thán và so sánh về điều kiện, môi trường làm việc mà chưa nhận thức được rằng, bản thân họ phải tự có trách nhiệm để làm thay đổi tích cực môi trường, xã hội xung quanh” – PGS nói.
PGS Vinh cho rằng, trong những tranh luận ồn ào trên các phương tiện thông tin đại chúng gần đây về hiện tượng chảy máu chất xám, người tài “một đi không trở lại” xây dựng đất nước, chúng ta có thể thấy rằng lợi ích về vật chất không phải là lý do cơ bản:
“Hầu hết các nhà khoa học hàng đầu chọn sang Mỹ làm việc vì ở đó họ có các đồng nghiệp, những người có cùng mối quan tâm, cùng hợp tác nghiên cứu. Ở đó họ được bao học bởi môi trường làm việc học thuật, phát huy được tối đa khả năng sáng tạo và năng lực nghiên cứu của mình” – PGS Vinh nói.
Cũng theo PGS, rất nhiều du học sinh đã bày tỏ quan điểm mong muốn về nước công tác để đóng góp nhưng lại lo lắng về môi trường làm việc không phù hợp: “Rõ ràng các nhà khoa học trẻ chúng ta không thể yêu cầu các trường ĐH, Học viện nghiên cứu phải có cơ sở vật chất hoàn hảo, kinh phí ngân sáng dồi dào thì mới làm khoa học mà chúng ta phải đóng một vai trò tích cực tạo ra một môi trường nghiên cứu phù hợp”.
PSG Vinh cho biết, hiện nay Quỹ phát triển Khoa học và công nghệ Quốc gia có tài trợ cho nghiên cứu khoa học cơ bản cả về lĩnh vực Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. Riêng lĩnh vực Khoa học tự nhiên, gần đây có xu hướng phần lớn chủ nhiệm đề tài là các tiến sĩ trẻ dưới 40 tuổi. Các nhà koa học trẻ luôn được khuyến khích và hỗ trợ kinh phí để có các đề tài nghiên cứu các cấp và được hỗ trợ khi công bố quốc tế. Các vấn đề còn lại phụ thuộc vào khả năng vận động, năng động và sáng tạo của các nhà khoa học trẻ.
Lê Anh Vinh sinh năm 1983, giành Huy chương Bạc Toán quốc tế và Huy chương Vàng Toán châu Á TBD năm lớp 12, sau đó nhận học bổng toàn phần của chính phủ Australia theo học tại trường ĐH New South Wales. Năm 2005, Lê Anh Vinh đã vượt lên sinh viên nhiều nước khác, tốt nghiệp thủ khoa ĐH chuyên ngành Toán - Tin của Australia và vinh dự trở thành Nghiên cứu sinh tại ngôi trường danh giá nhất thế giới: trường ĐH Harvard (Hoa Kỳ) từ 2006 - 2010. Tháng 5/2010, Lê Anh Vinh nhận bằng tiến sĩ của ĐH Harvard khi mới 27 tuổi, sau đó về Việt Nam công tác và được vinh danh Phó giáo sư trẻ nhất Việt Nam năm vào năm 2013. |