Dân Việt

Bật đèn xe máy ban ngày giúp giảm 600 người tử vong/năm

Nguyễn Đức 14/12/2015 00:05 GMT+7
Đèn pha xe máy bật sáng khi xe hoạt động sẽ giúp người lái xe nhận biết được xe máy ở các hướng khác đang di chuyển tới và tránh được các vụ va chạm có thể xảy ra.

Mới đây, tại Hà Nội, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã tổ chức Hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế về đảm bảo ATGT cho người đi môtô, xe máy và khả năng áp dụng tại Việt Nam”. Tại đây, các chuyên gia nêu ra giải pháp bật đèn pha xe máy vào ban ngày để giảm số người tử vong vì tai nạn giao thông.

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Trần Hữu Minh, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia về nội dung trên.

Bật đèn xe máy ban ngày tránh tai nạn giao thông

Tiến sĩ Minh cho biết, đèn chiếu sáng phía trước xe máy bật sáng khi khởi động xe sẽ giúp người lái xe nhận biết được xe máy ở các hướng khác đang di chuyển tới, giảm thiểu được nguy cơ xảy ra va chạm, tai nạn giao thông.

img

Đèn pha xe máy bật sáng khi xe khởi động sẽ giúp người lái xe nhận biết được xe máy ở các hướng khác đang di chuyển tới và tránh được các vụ va chạm có thể xảy ra (Ảnh minh họa)

Giải pháp này được nhiều nước trên thế giới áp dụng thành công và đã giảm được 20% số vụ tai nạn giao thông. Hiện nay, khu vực Đông Nam Á cũng có 7/10 nước, trong đó có Thái Lan, Indonessia, Malaysia... đã có quy định bắt buộc xe máy đều phải có đèn pha chiếu sáng phía trước,

“Đây là một giải pháp tốt, vì chi phí thực hiện rất nhỏ. Bởi vậy, tôi cho rằng nếu giảm được khoảng 10% các vụ tai nạn giao thông (khoảng 500-600 người thiệt mạng do TNGT mỗi năm) sẽ là con số cực kỳ ấn tượng. Và con số này hoàn toàn khả thi nếu thực hiện”, ông Minh chia sẻ.

Theo ông Minh, với khoảng 43 triệu xe máy (chiếm khoảng 90% lưu lượng dòng giao thông trên đường), bất cứ một giải pháp nào nâng cao an toàn giao thông cho xe máy cũng góp phần cải thiện tai nạn giao thông ở Việt Nam. Vì vậy, các cơ quan chức năng đang xem xét, bàn với nhà sản xuất xe xem thời điểm nào áp dụng cho hợp lý.

Ông Minh nói thêm: “Chúng ta đã có những nghiên cứu, bài học tổng kết của các nước đi trước về giải pháp này. Do vậy, giải pháp này hoàn toàn có thể làm ngay và áp dụng trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, để thực hiện thành công phải cần một lộ trình hợp lý và kết hợp với các tổ chức có liên quan để thấy được lợi ích của giải pháp này”.

Bật đèn pha xe máy có rọi thằng vào xe đi ngược chiều?

Nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam có mật độ giao thông đông, nhất là vào mùa hè, nhiệt độ cao, nếu như người dân ra đường đồng loạt bật đèn, nhiệt độ môi trường có thể tăng mạnh.

Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng, nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia... có điều kiện khí hậu tương tự như Việt Nam đều đã áp dụng giải pháp này.

Trước khi áp dụng giải pháp này, các nước cũng có những mối lo ngại tương tự như Việt Nam, nhưng khi tính toán nghiên cứu cụ thể thì thấy tác động về môi trường, tăng nhiệt là không đáng kể (nếu như cộng thêm 1 độ C ở một số khu vực có lưu lượng phương tiện cao). Các nước thực hiện giải pháp này đều đã thành công, giảm thiểu được số người tử vong vì tai nạn giao thông.

Một số ý kiến khác cũng lo ngại, việc bật đèn chiếu sáng ban ngày sẽ rọi thẳng vào các phương tiện đi ngược chiều. Như vậy tai nạn giao thông không giảm mà có thể tăng lên.

Tiến sĩ Trần Hữu Minh cho hay, đây không phải đèn pha (chiếu xa) mà là đèn chiếu sáng LED để thông báo vị trí của xe máy. Do vậy, khi bật đèn này không ảnh hưởng đến các phương tiện đi ngược chiều.

Tại Việt Nam, hiện nay các dòng xe ô tô nhập khẩu cao cấp đều có đèn LED chiếu sáng trước và sau. Nhiều dòng xe bình dân thế hệ mới cũng đã được trang bị đèn chiếu sáng tự động phía trước và sau. Với xe máy, nhiều dòng xe nhập cao cấp được trang bị loại đèn chiếu sáng phía trước và sau.

Loại đèn chiếu sáng phía trước/sau xe máy là loại đèn Position light (hay gọi là đèn đờ mi). Đèn khi được bật sáng có tác dụng báo vị trí xe, có thể dùng trong lúc dừng xe, trong điều kiện chiếu sáng không tốt, dùng trong cả thời gian ban ngày.