Dân Việt

Lao động di cư: Dính “bẫy” nghèo đa chiều

Minh Nguyệt 15/12/2015 06:20 GMT+7
Không chỉ lao động di cư tự do, hàng triệu lao động di cư có hợp đồng lao động làm việc trong các khu công nghiệp cũng gặp không ít khó khăn. Đa phần trong số họ đang đối mặt với nguy cơ dính “bẫy” nghèo đa chiều.

Bài 1: Lao động di cư: Nghèo từ làng ra phố

Nhà ở tạm bợ

Vợ chồng anh Sơn Mon và chị Nguyễn Thị Mơ (huyện Hòa Bình, Bạc Liêu) lên Đồng Nai làm công nhân đã được 9 năm. Hiện tại, cả nhà anh Mon đã lên đây lập nghiệp. Anh chị thuê 3 phòng trọ cạnh Khu công nghiệp Tam Phước (TP.Biên Hòa, Đồng Nai) cho vợ chồng, con cháu ở để đi làm. Các căn phòng cũ nát, tường ẩm mốc được dán giấy chằng chịt, rộng chưa đầy 10m2 là chỗ ở của vợ chồng anh, bao gồm cả chỗ ngủ, bếp, nhà vệ sinh.

img

Bữa ăn đạm bạc ngày cuối tuần tại xóm trọ của các lao động đang làm việc tại Khu công nghiệp Tam Phước (Biên Hòa, Đồng Nai). Ảnh: Minh Nguyệt

“Thu nhập của vợ chồng tui so với ở quê thì cao lắm. Tháng nào tăng ca hai vợ chồng cũng được 15-16 triệu đồng. Mỗi tội đi làm vất vả, ngày làm 13-14 tiếng, về nhà lại chật chội, ăn uống, sinh hoạt kham khổ” - anh Sơn Mon nói.

Nỗi lo lắng lớn nhất của anh Mon và chị Mơ lúc này chính là nhà ở. Mới đây con gái út (12 tuổi) của anh từ quê ra ở cùng anh chị thì nhà trọ lại càng chật chội hơn. “Xa con thì nhớ mà cho cháu ra đây học thì không biết có xin học được không. Nhà không có, chỗ ở chật chội, không khí ẩm mốc thế này tôi lo cháu cũng phát ốm mất thôi” - chị Mơ lo lắng.

Một nghiên cứu mới đây của Oxfam tại 4 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Bắc Ninh, TP.HCM, Đồng Nai) cho thấy đa phần lao động di cư là người nghèo, 60% trong số đó là lao động nữ. Thu nhập cơ bản trung bình của lao động di cư là 4,2 triệu đồng/người/tháng. Trong đó 76% thu nhập dành chi cho các chi phí cá nhân và cuộc sống ở mức tối thiểu, 24% gửi về quê.

Bà Nguyễn Thu Hương - Giám đốc cấp cao Chương trình quản trị nhà nước của Oxfam chỉ rõ: “Hầu hết lao động di cư không được tiếp cận với các dịch vụ an sinh xã hội cơ bản như nhà ở, nước sạch, điện, giáo dục, y tế; và việc tiếp cận các thông tin gặp nhiều khó khăn, ở mức thấp, chất lượng cực kém. Đây chính là nhóm nghèo đa chiều ở đô thị dù cho họ không phải là nhóm nghèo về thu nhập theo chuẩn nghèo quốc gia”.

Cũng theo bà Hương, mức chuẩn nghèo đa chiều mà Bộ LĐTBXH vừa công bố còn quá thấp và chưa phản ánh thực tiễn nghèo đô thị.

Nghiên cứu của Oxfam cũng chỉ ra, 96% người lao động di cư được điều tra phải trả tiền điện, nước cao gấp nhiều lần so với dân địa phương. Chỉ có 7% số trẻ di cư được đi học ở nhà trẻ công, 12% được đi học trường mẫu giáo công và có tới 21% trẻ di cư trong độ tuổi từ 6-14 tuổi không được đi học.

Hộ khẩu - rào cản của người di cư

"Bộ LĐTBXH cần rà soát và loại bỏ các quy định cho đến nay vẫn còn gắn các chính sách an sinh xã hội với hộ khẩu vì đây là một trong những rào cản lớn nhất đối với việc tiếp cận an sinh xã hội của lao động di cư. Cần tách bạch vấn đề hộ khẩu với quyền sở hữu đất đai, nhà ở, việc làm, học tập, giảm nghèo, tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe... Lao động di cư có quyền tiếp cận một cách công bằng các chính sách an sinh xã hội ở bất cứ nơi nào họ chọn để sinh sống”.

Bà Nguyễn Thu Hương - Giám đốc cấp cao Chương trình quản trị nhà nước của Oxfam

Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Bích - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, tư vấn công tác xã hội và phát triển cộng đồng cho rằng: Một trong những nguyên nhân khiến lao động di cư khó tiếp cận với các dịch vụ an sinh xã hội là bởi các chính sách xã hội của Việt Nam đang tiếp cận dưới góc độ hộ khẩu.

Hiện nay, việc phân bổ kinh phí cho các đối tượng thụ hưởng các chính sách bảo trợ của Việt Nam chủ yếu dựa vào hộ khẩu thường trú, nên 99,86% người lao động di cư và gia đình của họ không nhận được bất cứ sự bảo trợ xã hội nào từ nơi đến, mặc dù họ nghèo và gặp khó khăn. 99% người lao động di cư phi chính thức không tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH). Nguyên nhân là do một bộ phận lớn không có thông tin và một phần cũng do BHXH tự nguyện không hấp dẫn với họ.

Dẫn chứng từ nghiên cứu, bà Nguyễn Thu Hương cho biết chỉ có hơn 23% lao động di cư phi chính thức có bảo hiểm y tế (BHYT), trong đó 12% tham gia BHYT tự nguyện, số còn lại tham gia theo diện hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng chính sách. 60% nữ lao động di cư cho biết, họ không có tiền để mua BHYT.

“Nguồn ngân sách hiện nay vẫn tính theo số dân có hộ khẩu thường trú tại địa phương, không tính đúng, tính đủ nhu cầu của người lao động di cư ngày càng tăng cao” - bà Hương nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Vũ Ngọc Hà - Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai) cho biết, theo điều tra của Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai, đa phần người lao động di cư không tiếp cận được với các thông tin về an sinh xã hội. 67,2% người lao động di cư không biết nơi cung cấp thông tin, tư vấn về Luật Lao động và BHXH. Gần 75% người lao động di cư không tham gia các hoạt động cộng đồng tại nơi tạm trú và thường cảm giác là mình đứng bên lề cuộc sống địa phương nơi đến. 

Rào cản KT3

Nguyên nhân sâu xa khiến lao động di cư khó tiếp cận dịch vụ an sinh xã hội là do họ gặp rào cản trong việc đăng ký tạm trú dài hạn (KT3). Vì không có sổ KT3 nên họ không thể tiếp cận nhà ở giá rẻ, không được vay vốn làm ăn, con cái không được học trường công, không thể mua BHYT tại nơi đến...

Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Bích – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, tư vấn công tác xã hội và phát triển cộng đồng

Ít để ý đến nhà ở y tế

 Mặc dù Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai đã có nhiều chính sách hỗ trợ lao động trong việc tiếp cận thông tin, trợ giúp pháp lý... nhưng nhiều lao động không quan tâm. Họ chỉ quan tâm tới tiền lương chứ mấy khoản nhà ở, y tế, hay giáo dục cho con cũng ít chú ý lắm. May ra, chỉ khi nào có gia đình, con phải tới trường họ mới quan tâm.

Ông Vũ Ngọc Hà - Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai)

Khó tiếp cận an sinh xã hội

Lao động di cư tới khu công nghiệp hơn lao động di cư tự do ở khoản họ được mua BHYT, đóng BHXH, thế nhưng họ vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận với các dịch vụ an sinh xã hội cơ bản khác. Ví dụ như nhà ở giá rẻ, điện nước, sinh hoạt, hay việc tiếp cận thông tin…

Anh Đỗ Văn Hùng - tình nguyện viên cho lao động di cư nòng cốt tại Khu công nghiệp Tam Phước (Biên Hòa, Đồng Nai)

Tạ Nguyệt (ghi)