Thực tế chứng minh, sau mỗi vụ việc xâm hại, trùng tu sai phạm đối với di tích -được báo chí vào cuộc - đến nay kết quả cuối cùng là đều không có những tổ chức, cá nhân bị xử phạt, xử lý một cách thích đáng.
Rằng lo thì thật là lo
Sáng 15.12, không khí trong hội trường Bảo tàng Hà Nội được hâm nóng bởi các ý kiến gay gắt, bức xúc tại hội thảo: “Đình làng xứ Đoài, những điều còn – mất” (Do Sở VHTT Hà Nội, Bảo tàng Hà Nội và các thành viên của Nhóm Đình làng Việt tổ chức).
Hình ảnh xuống cấp của đình Cổ Chế (xã Phúc Tiến, huyện Phú Xuyên, TP.Hà Nội). Ảnh: M.L
Mang theo nỗi lo về ngôi đình Hạ Hiệp (xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) đang trong tình trạng xuống cấp, ông Đỗ Kim Nhạc – Trưởng ban quản lý đình này bày tỏ: “Ngôi đình Hạ Hiệp có những bức chạm khắc cổ gần 400 năm tuổi hiện đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Khi chứng kiến tài sản chung của địa phương có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào, chúng tôi vô cùng lo lắng, nhưng chỉ biết chờ đợi sự bắt tay vào cuộc từ cơ quan chức năng có thẩm quyền. Vì đã là di tích, chúng tôi hiểu phải làm theo Luật Di sản. Tuy nhiên, nếu việc trùng tu làm xong bị sai lệch, người dân chúng tôi quyết không tán thành”.
Trước tình trạng nhiều di tích bị xâm hại do việc trùng tu sai phạm, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng- một người con của xứ Đoài đã không ít lần “kêu cứu” cho ngôi đình bằng những loạt bài viết sắc sảo trên báo chí. “Cần phải thực hiện luật thật nghiêm để ai sai về những vấn đề liên quan đến di tích phải bị xử lý.
Vì từ trước đến nay, nhiều vụ việc được các nhà báo xới xáo đến bạc cả tóc, nhưng kết quả vẫn là không ai bị xử lý cả hoặc có cũng ở mức độ cảnh cáo. Vậy chân lý nằm ở đâu? Tôi kiến nghị cơ quan chức năng nên xem xét lại cách thức quản lý đối với di tích trước khi quá muộn. Khi những ngôi đình đẹp nhất bị tàn phá, Nhà nước đầu tư, tu bổ song cuối cùng là mất tiền, mất cả lòng dân và hơn nữa là mất cả di sản” – nhà báo Đỗ Doãn Hoàng khẳng định.
Ông Trương Minh Tiến – Phó Giám đốc Sở VHTT phân tích: “Có mấy yếu tố liên quan đến việc trùng tu sai lệch, di tích bị xâm hại: Ban quản lý dự án thiếu hiểu biết; đơn vị thi công không có năng lực, không đủ chứng chỉ hành nghề do Bộ VHTTDL cấp; đơn vị tư vấn giám sát vô trách nhiệm”.
Sửa như phá
" Việc xử lý các sai phạm đến nay có điểm chung là chưa xử lý nghiêm khắc được trường hợp nào. Đây là thực tế mà cơ quan quản lý về văn hóa cần phải tính và tới đây phải xử lý nghiêm vài trường hợp để làm gương”. |
Tại hội thảo, các đại biểu còn đề cập đến nhiều ngôi đình ở Việt Nam bị xuống cấp nghiêm trọng. Hàng trăm tỷ đồng đã được rót ra để trùng tu di tích mỗi năm, nhưng đáng tiếc là di sản lại biến dạng sau mỗi lần trùng tu. Đã có rất nhiều “kế sách” được các nhà chuyên môn, nhà nghiên cứu đưa ra để cứu lấy di sản trong khi nhiều khoản tiền trùng tu tại các di tích trở thành miếng mồi béo bở đối với những người nhăm nhe trục lợi.
Họa sĩ Bùi Hoài Mai cho biết, có những trường hợp làm đình dự toán hết 3 tỷ rưỡi nhưng “tấu” lên thành 13 tỷ đồng. “Kiến thức về di sản không chỉ của người dân mà ngay cả ban quản lý di tích vẫn còn yếu kém, hạn hẹp, vai trò của những người nghiên cứu lại không được đề cao. Theo tôi, những nhà chuyên môn có kiến thức về di sản cần phải được tham gia đóng góp tích cực hơn nữa. Bên cạnh đó, nên tư nhân hóa các di sản cho các công ty lớn bảo trợ để họ có đội ngũ giám sát kịp thời để tư nhân biết xót tiền túi họ bỏ ra”- ông Mai khẳng định.
Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân nhìn nhận, Việt Nam có nhiều di sản là rất quý. Tuy nhiên, những di sản này nằm tản mát, nên việc bảo vệ rất khó. “Cần nâng tầm của những di tích lên để cộng đồng được biết đến và bảo vệ. Bộ VHTTDL và Bộ Công Thương cũng cần xây dựng một ngành công nghệ trong lĩnh vực trùng tu di tích để tránh tình trạng: Không sửa thì chết dần mà sửa rồi thì chết ngay lập tức” – ông Quân đề xuất.