Thời gian gần đây, Báo Gia đình & Xã hội nhận được một số đơn thư, cuộc gọi của các giáo viên, tân cử nhân mới ra trường là thí sinh của kỳ thi tuyển công chức ngành giáo dục Hà Nội (do Sở Nội vụ Hà Nội tổ chức và thông báo kết quả vào tháng 11 vừa qua).
Thí sinh Vũ Phương Nhi (bên phải) cảm thấy thất vọng khi bị trượt trong kỳ thi công chức. Ảnh: Quang Huy
Trong đó có chị N.T.P.Liên (Thạch Thất, Hà Nội) cho rằng cách tính điểm vô lý khiến chị tốt nghiệp đại học chuyên ngành sư phạm hệ chính quy mà thua điểm cả với các thí sinh có bằng tại chức, cao đẳng dẫn đến bị trượt; Thí sinh N.T.Sang (huyện Ba Vì) phản ánh, cách tính điểm nhầm lẫn dẫn đến không cộng điểm tốt nghiệp và trượt viên chức năm 2015…
Tiêu biểu là trường hợp của thí sinh Vũ Phương Nhi (SN 1993, trú tại Hoàn Kiếm, Hà Nội) tốt nghiệp loại Giỏi của ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), điểm Khóa luận tốt nghiệp đạt 9,4 thi tuyển vào Trường THCS Láng Hạ (quận Đống Đa) bị trượt và xếp sau thí sinh tốt nghiệp bằng Khá.
Theo Nhi, việc Hội đồng Tuyển dụng viên chức giáo dục của quận Đống Đa liên tục ra văn bản để điều chỉnh, bổ sung khiến cho chị mất quyền lợi là lấy điểm Khóa luận (quy hệ số 100), thay đó là lấy điểm trung bình học tập.
Bảng thông báo điểm cho thấy thí sinh Vũ Phương Nhi bằng đỏ nhưng vẫn xếp sau thí sinh khác có bằng khá.
Về vấn đề liên quan đến cách lấy điểm, ông Hồ Vĩnh Thanh - Phó phòng Đào tạo, Bồi dưỡng, Tuyển dụng (Sở Nội vụ Hà Nội) khẳng định không có chuyện công văn bổ sung có những nội dung trái quy định.
Công văn mới chỉ nhắc lại một số nội dung quan trọng mà các địa phương dễ làm sai chứ tất cả các nội dung trong đó đã từng được phản ánh trong nhiều công văn trước mà Sở gửi các Hội đồng tuyển dụng. Có nhiều đơn vị đã làm sai đã phải làm lại.
Lý giải việc các Hội đồng tuyển dụng không lấy điểm tốt nghiệp của thí sinh do trường ĐH cung cấp mà áp dụng một cách chấm điểm khác, ông Thanh cho rằng, trường ĐH không to bằng Bộ GD&ĐT được. Việc thi tuyển viên chức của ngành giáo dục có luật riêng theo quy định.
Mùa tuyển dụng nào cũng lỗi tính điểm vì giáo dục thiếu quản lý, tùy tiện. Với những người học Tín chỉ (không được tính môn tốt nghiệp riêng) được làm khóa luận nhưng hệ Tín chỉ học thoáng và thoải mái hơn.
Lý lẽ mà Sở Nội vụ Hà Nội đưa ra đã cho thấy có sự vênh giữa quá trình đào tạo đại học lẫn các quy định tuyển dụng chính là nguyên nhân khiến cho sự việc càng rắc rối, đến nay chưa có hồi kết trong những năm gần đây.
Sinh viên thì chỉ biết học và làm sao có điểm cao, trong khi đi tuyển dụng vẫn bị trượt vì những quy định “trong mơ chưa thấy” bao giờ.
Đã đến lúc cần có một quy định riêng, thống nhất trong xét tuyển viên chức, chứ không thể vận dụng một cách “linh hoạt” hay máy móc, khiến nhiều thí sinh ấm ức, thiếu tin tưởng vào các kỳ thi.