Tại Nhật Bản, HLV Miura đã từng dẫn dắt các CLB Omiya Ardija, Consadole Sapporo, Wessel Kobe và Ventforet Kofu. Trong đó, thành tích đáng kể nhất là đưa 2 CLB thăng hạng J.League. Sau đó, HLV Miura cũng là người mở đường cho các HLV Nhật ra nước ngoài làm việc và các quốc gia ở Đông Nam Á là chìa khóa cho chiến lược phát triển tại châu Á của J.League. Từng là một chuyên gia, một bình luận viên nên chiến lược gia sinh năm 1963 tỏ ra khá am hiểu về kinh tế và bóng đá khu vực khi được đặt câu hỏi.
HLV Miura chia sẻ về chiến lược của bóng đá Nhật Bản tại khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng.
Phóng viên: Theo ông, cầu thủ Đông Nam Á có thể chơi ở giải J.League?
HLV Toshiya Miura: Nói thật lòng, xét về tổng thể tôi cho rằng cả ở Việt nam, Indonesia hay Malaysia đều có những điểm khó khắc phục để thực hiện được điều này. Nói về trường hợp cụ thể, Nguyễn Công Phượng (CLB HAGL, tuyển thủ QG) mới được chuyển nhượng cho CLB Mito Holly Hook ở J.League 2. Bóng đá Việt Nam có nhiều cầu thủ ưu tú nhưng vẫn cần thời gian để thay đổi. Ngoài Việt Nam, Thái Lan cũng có nhiều cầu thủ giỏi. Tuy nhiên, tôi nghĩ rất khó để họ được trao cơ hội đá chính tại J.League. Hơn nữa, tôi nghe nói các cầu thủ hàng đầu của Thái Lan đều có thu nhập cao. Các CLB ở J.League 2 sẽ tốn khá nhiều tiền để có được sự phục vụ của họ.
Việc người hâm mộ mong được nhìn thấy các cầu thủ nước mình chơi tại Nhật Bản trên TV, thậm chí tới tận sân là một điểm quan trọng trong chiến lược của J.League. Các cầu thủ ở Đông Nam Á còn thiếu điều gì để chơi ở J.League?
Tôi đã hỏi một vài người có liên quan và họ đều trả lời: “Họ yếu thế khi va chạm thể lực, dễ bị ngã. Vậy nên không thể đưa họ đấu trong J.League được. Còn nữa, ở Nhật Bản, thậm chí Diego Forlan cũng khó có thể đá chính. Giải đấu J.League không chỉ có tài năng mà các cầu thủ còn phải chạy nhiều. Cầu thủ cần phải chơi bóng đá toàn diện, từ phòng thủ đến tấn công. Tôi cảm thấy các cầu thủ Đông Nam Á hiện nay còn thiếu điều này.
Một điều nữa, lối chơi không bóng là khả năng chạy chỗ của cầu thủ khi không có bóng. Khi tôi là HLV của ĐT Việt Nam, điều này thay đổi khá nhiều. Khi mất bóng, có những cầu thủ không làm gì nữa. Họ khó có thể chơi với các đội từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc hay châu Âu được nếu không thay đổi.
Theo ông, các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư sang Việt Nam sẽ thuận lợi?
Tôi nghĩ là thuận lợi. Doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư ngày càng nhiều, và người Nhật cũng tới đây nhiều hơn. Lý do là bởi vật giá và giá nhân công Trung Quốc giờ đã tăng cao, các doanh nghiệp đều chuyển hướng sang Việt Nam. Sau này, có thể dòng chảy này sẽ tiếp tục đến Myanmar, Lào và Campuchia.
Ông thấy mối quan hệ giữa người Nhật và người Việt Nam thế nào?
Tôi cảm nhận ở đây mọi người quý mến và tôn trọng người Nhật. Tôi nhận ra những thế hệ người Nhật trước đây đã cố gắng và làm việc nghiêm túc đến thế nào. Tôi nghĩ điều này thật sự quý giá.
J.League có nổi tiếng ở Đông Nam Á không?
Nhiều cường quốc bóng đá trên thế giới rất nổi tiếng ở ASEAN, mức độ nổi tiếng còn lớn hơn ở Nhật. Họ rất quan tâm và yêu thích bóng đá. Nhưng hầu hết người hâm mộ đều thích xem Premier League. Các giải đấu châu Âu gần đây cũng có những chiến lược hướng tới Châu Á, một vài trận khai màn đã được điều chỉnh để hợp với múi giờ châu Á. Giải J.League cũng đang cố gắng để chiếm lĩnh một phần quyền phát sóng mà hiện giờ hầu hết đang thuộc về giải Premier League.
Có một giai đoạn, J.League được phát sóng ở Việt Nam. Lúc đó là khoảng thời gian 1 tháng sau khi World Cup ở Brazil kết thúc và trước khi các giải quốc gia ở châu Âu khai mạc. Khi các giải châu Âu bắt đầu, thời gian phát sóng mất đi dần. Tôi còn nhớ thời gian đó số lượng người xem cũng khá đông, vậy nên có lẽ tương lai sẽ đáng mong đợi hơn.
Chuyển sang kinh tế, GDP của ASEAN được dự đoán sẽ vượt Nhật Bản vào năm 2025. Lúc đó, bóng đá Nhật và J.League nên điều chỉnh thế nào cho phù hợp?
Ông Kozo Tashima - phó chủ tịch hiệp hội bóng đá Nhật Bản từng nói: “Không dễ để Nhật Bản duy trì vị trí độc tôn tại châu Á”. Điều này đúng. Chúng ta cách châu Âu khá xa. Nếu sức cạnh tranh từ châu Á không mạnh thì Nhật cũng không thể mạnh. Chính lẽ đó, Hiệp hội bóng đá Nhật đang cử các HLV người Nhật sang các nước để có những cống hiến mang tính quốc tế và cũng là để hoàn thành chiến lược châu Á. Khi khoảng cách trong trận đấu vòng loại World Cup là 10-0 thì cả 2 bên đều không thể mạnh lên được. Nếu là châu Âu thì gần đây cũng có thể thấy, một đội mạnh như Hà Lan đã bị loại ngay từ vòng loại của giải EURO.
ASEAN, Trung Đông và Trung Quốc đều đang mạnh lên để cạnh tranh với Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia. Sự cạnh tranh, cọ xát này là điều tốt. Tôi cho rằng việc một HLV người Nhật có được chỗ đứng trong nghề được hay không phụ thuộc khá nhiều vào điều này.
Xin cảm ơn ông Toshiya Miura!