Đánh bom nhà giám đốc công an
Vào rạng sáng một ngày tháng 8.2012, khu phố Lương Ngọc Quyến, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên bất ngờ rung chuyển với tiếng nổ lớn. Căn nhà bị ốp mìn rồi nổ lớn chính là nhà riêng của Giám đốc Công an tỉnh Thái Nguyên. Vụ nổ mạnh tới mức làm tung cửa sắt, làm sập trần tầng một và đè nát ôtô cùng nhiều tài sản khác để ở đây. Toàn bộ cửa kính, cửa cuốn, bảng biển quảng cáo của hàng chục nhà dân gần đó đều đổ xiêu vẹo, nằm ngổn ngang.
Vụ án này đã được lực lượng công tích cực truy tìm thủ phạm, sau đó Bộ Công an có xác nhận đã bắt được các đối tượng gây án, nhưng không thông tin rộng rãi.
Dư luận mong đợi cơ quan công an sớm tìm ra hung thủ vụ nổ súng vào nhà Trưởng Công an thành phố Phủ Lý. Ảnh: D.V
Trước đó vào 6 giờ 30 ngày 30.7.2012, nhà của Giám đốc Công an tỉnh Khánh Hòa ở phường Vạn Thạch, thành phố Nha Trang cũng xảy ra vụ nổ lớn khiến những người trong ngôi nhà và những hộ dân xung quanh bị một phen kinh hoàng. Sau 26 giờ, thủ phạm đặt mìn, gây nổ trước nhà Giám đốc Công an tỉnh Khánh Hòa được xác định là Nguyễn Viết Trương (Giám đốc Công ty TNHH Sông Mã).
Tại cơ quan công an, đối tượng Trương khai tự chế tạo quả nổ có tầm sát thương cao để sát hại người đứng đầu Công an tỉnh Khánh Hòa nhằm làm tê liệt hoạt động chỉ đạo điều tra quyết liệt gần đây của cơ quan công an về một số sai phạm của Công ty TNHH Sông Mã. Với hành vi gây ra Nguyễn Việt Trương bị TAND tỉnh Khánh Hòa tuyên phạt 23 năm tù về 2 tội - giết người và tàng trữ, sử dụng mua bán trái phép vật liệu nổ.
Mới đây nhất, sáng 14.12 trung tá Lê Đức Tùng - Trưởng Công an thành phố Phủ Lý, Hà Nam đã bị một đối tượng nổ súng bắn vào nhà khiến ông Trung bị thương nhẹ. Lãnh đạo Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cho biết, đã cử lực lượng tham gia điều tra cùng Công an tỉnh Hà Nam. Hiện cơ quan công an đã kiểm tra toàn bộ camera nhà dân trong khu vực, bước đầu nghi có 2 đối tượng liên quan đến vụ việc trung tá Lê Đức Tùng bị bắn.
Quá manh động, liều lĩnh
Nhìn nhận về hành vi của đối tượng nổ súng bắn ông Lê Đức Tùng, Luật sư (LS) Bùi Sinh Quyền (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, đó là hành vi giết người. Việc nạn nhân thoát chết là nằm ngoài ý muốn chủ quan của đối tượng gây án. Là người có đến 40 công tác trong ngành công an, LS Quyền cho biết, thời gian trước đây cũng xảy ra những vụ cán bộ, chiến sĩ công an bị trả thù theo kiểu manh động, liều lĩnh như trên, nhưng các đối tượng gây án sau đó đều bị bắt và xử lý nghiêm trước pháp luật.
"Trường hợp với nạn nhân là người dân bình thường khi họ bị dùng chất nổ ốp vào nhà hay các hành vi kiểu khủng bố để đe dọa, trả thù, cơ quan công an vào cuộc dễ sàng lọc, phân loại truy bắt hung thủ hơn so với nạn nhân là chính công an. Bởi lực lượng công an trong quá trình đấu tranh, trấn áp, truy bắt tội phạm đối diện với nhiều thành phần như tội phạm ma túy, tội phạm về trật tự xã hội, tội phạm kinh tế... nên những đối tượng muốn trả thù ở diện rộng" - LS Quyền cho biết.
Còn ông Phạm Văn Chương - Phó Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam, người từng có thời gian sống, công tác và làm việc tại nhiều nước cho hay: “Tại các nước châu Âu, hành vi đe dọa, tấn công lực lượng thực thi pháp luật bị xử lý rất nặng. Với các tội danh thông thường như gây rối trật tự công cộng, gây thương tích… gần như có thể bảo lãnh được nhưng tấn công lực lượng cảnh sát, công an, luật sư, nhà báo… thì rất khó. Hành vi này thường xuất phát từ nhiều nguyên nhân- trả thù, động chạm lợi ích…. Thực tế, nước ta, tinh thần thượng tôn, chấp hành pháp luật chưa cao. Do vậy, chế tài xử lý nghiêm các hành vi manh động này là một trong những giải pháp hữu hiệu”.
Đại tá Trần Văn Chín - nguyên Phó phòng Công tác Chính trị Công an tỉnh Thái Nguyên thì cho biết: Trong ngành công an, từ trinh sát cho tới lãnh đạo công an tỉnh là những người trực tiếp điều tra, đeo bám các đối tượng phạm tội thế nhưng tất cả đều phải tự bảo vệ mình cũng như người thân. Nhiều kẻ rất manh động có thể trực tiếp hoặc gián tiếp bỏ tiền thuê các đối tượng khác tấn công, trả thù gia đình, người thân của công an mà không cần ra mặt. Nếu có một cơ chế bảo vệ thân nhân của lực lượng thực thi pháp luật thì rất tốt.
Theo một điều tra viên của Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), trong quá trình làm nhiệm vụ, việc cán bộ, chiến sĩ công an bị đe dọa, trả thù cũng xảy ra khá nhiều, với các mức độ khác nhau. Trước những tình huống như thế, các cán bộ, chiến sĩ chỉ biết cẩn trọng hơn, quyết tâm hơn để sớm đưa những kẻ phạm tội ra trước pháp luật. |