Dân Việt

Thách thức bủa vây sản xuất nông sản

Huỳnh Xây 18/12/2015 15:52 GMT+7
Đó là lo ngại của nhiều đại biểu được đưa ra tại hội nghị tổng kết năm 2015, phương hướng năm 2016 của Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ (gọi tắt là Ban chỉ đạo) được tổ chức tại TP.Cần Thơ mới đây.

Quá nhiều khó khăn

Theo Ban chỉ đạo, 3 sản phẩm chủ lực của vùng là lúa gạo, cá tra và tôm đang gặp nhiều khó khăn. Các vấn đề như dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng tăng trong sản xuất. Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) tạo thuận lợi phát triển nông sản nhưng theo đánh giá của Ban chỉ đạo, TPP cũng đưa ra những thách thức lớn, đặc biệt là cạnh tranh thị trường.

img

Thu hoạch lúa ở huyện Vị Thủy, TP. Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Huỳnh Xây

Ông Lê Minh Hoan – Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Tháp cho biết, hiện nay rất nhiều nước trên thế giới sản xuất được nông sản, vậy vấn đề đặt ra là chúng ta phải tạo ra sản phẩm chất lượng với chi phí thấp nhất có thể. Để làm được điều này, người dân phải thay đổi tư duy sản xuất, nâng cao trách nhiệm trong thực hiện quy hoạch, mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật.

Ông Hoan nêu ví dụ trong khi nông sản ĐBSCL khó xuất khẩu nhưng nông sản ngoại lại có thể đổ bộ vào ĐBSCL một cách dễ dàng. “Xoài Thái Lan đang vượt hàng nghìn cây số tràn về Đồng Tháp bán với giá rẻ và được thị trường đón nhận. Đó là do chi phí sản xuất của nước bạn thấp, xoài đạt chất lượng. Nếu nông dân chúng ta cũng làm được sản phẩm như vậy thì sẽ không lo cạnh tranh” - ông Hoan nói.

Mặc dù năm 2015, tỉnh Kiên Giang sản xuất được hơn 4,64 triệu tấn lương thực, hơn 677.000 tấn thuỷ sản nhưng ông Nguyễn Thanh Nghị - Bí thư Tỉnh uỷ Kiên Giang cho biết, tình hình tiêu thụ nông sản đang gặp nhiều khó khăn, đời sống người dân chưa được cải thiện. Nguyên nhân do hạ tầng điện, thủy lợi, nước… chưa được đáp ứng, kéo theo sản xuất manh mún, không bài bản.

Về những khó khăn đang tác động đến sản xuất nông nghiệp của tỉnh, ông Trần Công Chánh – Bí thư Tỉnh uỷ Hậu Giang cho biết, các năm trước đây nước mặn xâm nhập ít, chỉ xuất hiện ở các cửa sông lớn nhưng hiện nay, mặn đã vào sâu trong nội đồng và xuất hiện sớm bất thường, có thể sẽ xảy ra tình trạng thiếu nước ngọt sử dụng trong thời gian tới.

 “Điểm nghẽn” ở cơ chế, chính sách

Bên cạnh những thách thức trên, hiện nay cơ chế thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp vùng ĐBSCL cũng kém hấp dẫn. Đây chính là lý do việc liên kết sản xuất theo chuỗi trong lĩnh vực nông nghiệp còn lỏng lẻo, kém hiệu quả. “Bộ NNPTNT và Bộ Công Thương cần sớm đưa ra dự báo thị trường, có cơ chế xuất khẩu các mặt hàng chủ lực. Bởi nếu không duy trì và phát triển các mặt hàng này thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của vùng” – ông Trần Quốc Trung – Bí thư Thành uỷ TP.Cần Thơ nói.

Nhiều ý kiến tại hội nghị cũng cho rằng, thời gian tới, lãnh đạo các bộ, ngành và Chính phủ cần tiếp tục quan tâm đầu tư hệ thống thủy lợi, có chính sách, cơ chế đặc thù cho các địa phương trước sự tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, mà cụ thể nhất là xâm nhập mặn.

“Chính phủ cần có cơ chế đặc thù giúp vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường đàm phán với các nước thượng nguồn sông Mekong về ảnh hưởng của việc xây đập thủy điện” – ông Nguyễn Phong Quang – Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo kiến nghị.

Trước những ý kiến trên, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đề nghị các bộ, ngành có liên quan rà soát, và kiến nghị sửa đổi chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Riêng Bộ NNPTNT sớm hoàn thiện trình Chính phủ nghị định về khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác, đồng thời hỗ trợ vùng Tây Nam Bộ tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Phó Thủ tướng lưu ý, quá trình hội nhập sẽ tạo ra sức ép lớn đối với cải cách sản xuất và sức cạnh tranh nông sản. Vì vậy, các địa phương cần đẩy mạnh việc tái cơ cấu sản xuất, phát triển các mô hình hợp tác hiệu quả, các sản phẩm xuất khẩu chủ lực, đảm bảo thị hiếu và tiêu chuẩn quốc tế.