Dân Việt

Tâm thư nông dân xuất sắc: Trang trại 18 tỷ chỉ vay được 200 triệu

Việt Tùng - Ngọc Lê 18/12/2015 13:30 GMT+7
Ngày 17.12, Dân Việt đã đăng tâm thư của ông Đinh Văn Thiểm - Nông dân xuất sắc 2015 ở xã Nghĩa Thái, huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) gửi Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Nguyễn Quốc Cường trình bày việc có trang trại trị giá tới 18 tỷ đồng, nhưng vẫn không vay được vốn để đầu tư mở rộng sản xuất. Vì sao lại có sự bất cập này?

Ngay sau bức thư này,  phóng viên Dân Việt đã tìm hiểu rõ hơn về tình hình sản xuất của ông Thiểm, đồng thời trao đổi với các bên liên quan về câu chuyện của ông Thiểm.

Mô hình làm ăn hiệu quả

Ông Thiểm năm nay 59 tuổi, đã bắt tay vào xây dựng trang trại nuôi lợn từ cách đây 22 năm. Sau nhiều lần thất bại với các giống lợn nội, ông đã tìm hiểu vào chuyển sang nuôi các giống lợn của Mỹ, Đan Mạch, Canada, Đức. Theo ông, lợn ngoại rất tốt, vì giống lợn này khỏe, to, tỷ lệ nạc cao, đặc biệt giá bán thường cao hơn lợn nội từ 4 – 5 giá (4.000-5.000 đồng/kg).

img

Trang trại nuôi lợn ngoại của ông Thiểm được đầu tư với rất nhiều công nghệ chăn nuôi hiện đại.   V.T

Để bớt phụ thuộc vào con giống, ban đầu ông đã quyết định đầu tư mua 20 con lợn mẹ giống Đan Mạch, Nga, Đức và bố là giống Mỹ, Canada để tạo ra con lai giống ngoại. Lấy chính lợn giống này nuôi vài lứa, thấy hiệu quả tốt, bởi lợn khỏe, ít bệnh tật, tiêu hao thức ăn ít (hơn 2kg cám/kg lợn hơi, các giống lợn khác trung bình 3kg cám/kg lợn hơi), nên ông đã quyết định mở rộng đàn lợn.

Hội Nông dân tỉnh vào cuộc

 "Việc ông Đinh Văn Thiểm bị đánh, Hội Nông dân tỉnh Nam Định có biết và ngay sau khi sự việc xảy ra chúng tôi đã cử cán bộ về thăm hỏi, đồng thời hướng dẫn ông Thiểm làm đơn lên các cấp chính quyền để giải quyết.

Song do lúc đầu ông Thiểm bảo xem ông Tứ (ông Phan Văn Tứ- người cung cấp cám cho ông Thiểm-PV) có xin lỗi không, nếu xin lỗi thì bỏ qua. Chỉ đến khi phát hiện bị tụ máu não, phải đi Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) mổ, ông Thiểm mới gửi đơn lên chính quyền, Hội và các đơn vị trực thuộc”.

Bà Bùi Thị Thơm

Hiện ông có 200 con lợn nái và hơn 10 con lợn đực giống, mỗi năm xuất khoảng 3.000 – 3.500 con lợn giống, trung bình 1,4 – 1,8 triệu đồng/con. Bên cạnh đó, ông cũng có khoảng 60 tấn lợn hơi, 10 tấn cá giống, hàng tấn vải, nhãn, với doanh thu gần chục tỷ đồng, trừ chi phí lãi từ 1,6 – 1,8 tỷ đồng/năm. Tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động, với thu nhập 4 – 5 triệu đồng/người/tháng.

Đánh giá về mô hình trang trại của ông Thiểm, bà Bùi Thị Thơm- Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nam Định nhận xét: “Phải khẳng định, trang trại của ông Thiểm là một trang trại làm ăn rất hiệu quả. Việc ông Thiểm có ý kiến khi không tiếp cận được với nguồn vốn ngân hàng, chúng tôi đã có tìm hiểu và nhận thấy, mảnh đất ông Thiểm thuê làm trang trại của xã chỉ có thời hạn 5 năm.

Do đó, khi ông Thiểm gửi đơn xin vay vốn lên Ngân hàng NNPTNT (Agribank) huyện Nghĩa Hưng và Agribank tỉnh Nam Định đã bị từ chối, vì điều kiện này chưa đủ căn cứ để ngân hàng cho vay”.

Bà Thơm cũng cho biết, về vấn đề này, vừa qua Hội Nông dân tỉnh đã làm việc với lãnh đạo Agribank tỉnh Nam Định, song theo quy định của ngân hàng, khách hàng ở địa phương nào thì ngân hàng ở đó giải quyết, nên đã giao về cho Agribank chi nhánh Nghĩa Hưng xem xét. “Ông Thiểm có sơ suất là không kiến nghị qua cơ sở hội, ngân hàng địa phương, nên cơ sở không nắm được nhu cầu của ông, mà ông thường đề nghị thẳng lên tỉnh. Trách nhiệm của Hội là hướng dẫn người dân làm các thủ tục, còn việc cho vay vốn hay không thuộc về các quy định từ phía ngân hàng, chúng tôi chỉ có thể tác động thôi”- bà Thơm nói.

Về nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, bà Thơm cho biết, nguồn vốn này rất hạn chế, số tiền mỗi hộ vay không đáng là bao, chỉ phù hợp cho các hộ khó khăn, chăn nuôi nhỏ, còn chăn nuôi lớn như ông Thiểm thì không thể đáp ứng được.

Đủ thủ tục, sẵn sàng cho vay

Trong chiều qua (17.12), Dân Việt đã trao đổi với ông Phan Huy Cận- Giám đốc Agribank tỉnh Nam Định về trường hợp của ông Thiểm. Ông Cận cho biết, trong sáng 17.12, chúng tôi có nhận được thư của ông Thiểm do Agribank Việt Nam chuyển cho. Ngay sau đó, chúng tôi đã cử anh em xuống phối hợp với Agribank chi nhánh Nghĩa Hưng để làm việc với ông Thiểm.

Ông Cận khẳng định: “Quan điểm của chúng tôi là sẽ đầu tư cho các chủ trang trại làm ăn quy mô lớn, song việc có cho vay vốn hay không còn phụ thuộc vào dự án của ông Thiểm, cũng như hoạt động đầu vào đầu ra”. Theo ông Cận, ông Thiểm chưa có đề xuất cụ thể, mà chỉ đề nghị được vay từ 2-3 tỷ đồng, nên chúng tôi phải cử cán bộ xuống kiểm tra xem thế nào.

Trả lời câu hỏi về việc, vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị định 55 (thay thế Nghị định 41) về chính sách tín dụng nông nghiệp, nông thôn theo hướng chủ trang trại có thể được vay đến 10 tỷ đồng mà không cần tài sản thế chấp, ông Cận cho biết: “Đối với ngân hàng, chúng tôi vẫn cho vay tín chấp đối với những khách hàng có uy tín, có tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, thực tế, nếu khách hàng vay tín chấp mà không có bìa đỏ, thì chúng tôi không thể cho vay được. Do đó, chúng tôi đề nghị chính quyền địa phương nhanh chóng cấp bìa đỏ cho người dân để đảm bảo đủ thủ tục vay vốn”.

Theo ông Cận, ngoài sổ đỏ, những tài sản hình thành trên đất như nhà xưởng, thiết bị… cũng được xem là tài sản đảm bảo, riêng về các thiết bị chăn nuôi yêu cầu chủ trang trại phải có hóa đơn chứng từ chứng minh giá trị tài sản đó, thì ngân hàng sẵn sàng cho vay. “Riêng về đàn lợn hay đàn gà, ao cá, thì chúng tôi không thể coi là tài sản đảm bảo được”- ông Cận nói.

Ông Cận cũng cho biết, nếu bà con có nhu cầu vay vốn, có thể tìm đến tất cả các điểm giao dịch của Agribank để được tư vấn hay đến xã, thậm chí có thể gặp các thôn trưởng, xóm trưởng là những người giữa vai trò tổ trưởng tổ vay vốn của Agribank để được tư vấn về việc vay vốn.

Hội NDVN gửi thư chia sẻ với ông Đinh Văn Thiểm

Sau khi nhận được bức thư của ông Thiểm, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường, ông Phạm Xuân Hồng- Phó Chánh văn phòng T.Ư Hội Nông dân Việt Nam đã có thư trả lời và chia sẻ với ông Đinh Văn Thiểm.

Theo ông Hồng, hiện ông Thiểm là một nông dân sản xuất giỏi với mô hình kinh tế trang trại nuôi lợn nái ngoại kết hợp nuôi cá thịt và cá giống quy mô lớn, hàng năm đã tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Ông đã được Hội Nông dân các cấp bình xét, lựa chọn là đại biểu đi dự Lễ tôn vinh Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2015.

Về đề nghị vay vốn của ông Thiểm, ông Hồng cho biết: Căn cứ Điều lệ Tổ chức và hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân ban hành kèm theo Quyết định số 908 ngày 15.11.2015 của Ban Thường vụ T.Ư Hội Nông dân Việt Nam và Hướng dẫn số 82 ngày 22.12.2014 của Ban Điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân T.Ư về nghiệp vụ cho vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, hiện tại Quỹ Hỗ trợ nông dân đang triển khai cho vay đối tượng là hộ gia đình (hội viên nông dân) tự nguyện tham gia dự án Nhóm hộ, mức vay tối đa là 50 triệu đồng/hộ. Trường hợp gia đình ông Thiểm đang sản xuất với loại hình trang trại là đối tượng không thuộc diện Quỹ Hỗ trợ nông dân cho vay vốn theo quy định hiện hành.

Tuy nhiên, theo ông Hồng, ông Thiểm có thể vay của các tổ chức tín dụng khác hoặc vay theo quy định của Nghị định số 55 ngày 9.6.2015 của Chính phủ về tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nếu có đủ các điều kiện về vay vốn tín dụng theo quy định của pháp luật.

Phương Đông