Bà Lý (Trung Quốc) uống sữa đậu nành liên tục trong gần 3 năm, kết quả kiểm tra sức khỏe mới đây phát hiện bị ung thư vú với mức estrogen cao gấp mấy lần người bình thường.
Bác sĩ Tôn Nhất Hồng, Chủ nhiệm khoa Xét nghiệm đặc biệt, Bệnh viện thành phố Ninh Ba, Trung Quốc, cảnh báo trên Health rằng uống sữa đậu nành tự xay tại nhà theo phương pháp thực dưỡng đang được đông đảo phụ nữ áp dụng, song tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ có hại. Đậu nành rất giàu estrogen thực vật. Đối với phụ nữ có lượng estrogen thấp, uống sữa đậu nành với một lượng vừa phải sẽ rất tốt cho cơ thể, nhưng ở chị em có lượng estrogen tương đối cao, nếu uống liên tục sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, thậm chí gây ung thư.
Bà Lý 45 tuổi, là bệnh nhân của bác sĩ Hồng. Người phụ nữ này rất quan tâm đến phương pháp thực dưỡng nên tự chế biến sữa đậu nành và uống liên tục trong gần 3 năm. Khi thấy trong người có nhiều biểu hiện lạ, bà đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe phát hiện bị ung thư vú. Kết quả đo estrogen của bà cao gấp mấy lần so với người bình thường.
Bác sĩ Hồng nhìn nhận, con người hiện đại rất chú trọng ăn uống dưỡng sinh, mọi người đều biết ăn thực vật nguyên sinh là một trong những phương pháp thực dưỡng hiệu quả. Đặc biệt sữa đậu nành có chứa nhiều chất estrogen, rất tốt cho dưỡng sinh và tăng hấp thụ tiêu hóa. Trong những ngày đông giá lạnh, uống một ly sữa đậu nành nóng vào buổi sáng sẽ giúp cơ thể cảm thấy sảng khoái. Thế nhưng thứ nước uống ngon mát, bổ dưỡng này cũng cũng như các thực phẩm khác, dùng nhiều sẽ vô cùng nguy hiểm, như Khổng Tử nói “Vật cực tất phản”, tức là bất cứ thứ gì lạm dụng cũng gây ra tác dụng ngược lại.
Bác sĩ Hồng nhắc nhở chị em rằng bệnh ung thư vú ngày càng tăng cao có liên quan mật thiết đến thói quen bồi bổ cơ thể một cách mù quáng. Với kinh nghiệm 30 năm hành nghề, khi thăm khám cho các bệnh nhân nghi ngờ mắc bệnh ung thư vú, bác sĩ luôn hỏi kỹ về chế độ ăn uống của họ. Ngoài sữa đậu nành, bác sĩ còn phát hiện 5 thực phẩm chức năng tưởng là "thần dược" như sữa ong chúa, gelatin, thiết bì phong đẩu, sâm Tây Dương, bột đạm đều không thích hợp cho tất cả phụ nữ. "Bồi bổ cơ thể không hợp lý sẽ đem đến nhiều phiền phức, thậm chí còn gây ra hậu quả nghiêm trọng", bác sĩ nói.
Bác sĩ kể một bệnh nhân nữ 40 tuổi, nửa năm trước kiểm tra sức khỏe bị tăng sinh tuyến vú nhẹ. Công việc bận rộn và lo cho con trong mùa thi cử, chị luôn cảm thấy áp lực trong cuộc sống và công việc nên toàn thân đau nhức. Nghe nói sữa ong chúa có thể bổ sung estrogen, giúp cơ thể ngày càng trẻ đẹp, khỏe mạnh, chị uống mỗi ngày 2 lần vào buổi sáng và buổi tối, liên tục trong 3 tháng. Một hôm trong lúc tắm, người phụ nữ phát hiện ngực phải có một khối u khá cứng. Chị đến bệnh viện làm xét nghiệm mới biết bị khối u ác tính, phải phẫu thuật.
Bác sĩ Tôn cho biết, theo lý luận Trung y, có 4 cách bồi bổ cơ thể: bổ âm, bổ dương, bổ huyết, bổ khí. Bồi bổ như thế nào tốt cho cơ thể còn tùy thuộc vào thể trạng mỗi người. Tốt nhất nên tìm bác sĩ ở bệnh viện uy tín để kiểm tra thể chất trước khi quyết định lựa chọn cách thức nào. Những người sợ lạnh, thiếu máu, kinh nguyệt ít, lưỡi nhạt, mạch đập yếu, thích hợp bồi bổ bằng gelatin. Người khỏe mạnh, mạch đập nhanh, lưỡi đỏ, ngực bị sưng đau, vú có u xơ, nếu bồi bổ bằng gelatin sẽ bị phản tác dụng. Nhìn chung gelatin không thích hợp cho hầu hết nữ giới.
Các bác sĩ khuyến cáo không phải ai cũng có thể sử dụng thực phẩm chức năng và đồ bổ. Tốt nhất nên kiểm tra sức khỏe tổng thể trước khi áp dụng. Việc bồi bổ cơ thể cũng phải tuân theo chỉ định, thông thường các bác sĩ sẽ kê toa theo tình trạng sức khỏe và bệnh lý của từng người. Riêng sữa đậu nành, "chống chỉ định" với những trường hợp sau:
- Người có dạ dày không tốt không nên uống sữa đậu nành vì dễ bị đau bụng tiêu chảy, đầy bụng, khó tiêu.
- Người bị bệnh gout không nên uống vì trong đậu có một chất không thích hợp cho người mắc bệnh này.
-Người thiếu kẽm không nên uống. Trong đậu nành có chứa một số chất có hại như lectins, uống vào sẽ khiến cho nguyên tố vi lượng bị mất đi. Đặc biệt các chuyên gia khuyến cáo không nên uống sữa đậu nành trong thời gian dài.
- Người vừa phẫu thuật xong không nên uống. Sau phẫu thuật, cơ thể vẫn còn rất yếu, chức năng dạ dày không tốt, uống sữa đậu nành dễ gây cảm giác khó chịu toàn thân.