Dân Việt

Đột nhập hầm vàng lậu giữa rừng cấm

Tiến Dũng 18/12/2015 10:51 GMT+7
Quặng vàng khai thác trái phép giữa rừng cấm được đóng vào bao tải để phu vàng vác bộ xuyên rừng ra đường mòn rồi chở đến nơi nghiền quặng, đãi vàng.

Một ngày tháng 12-2015, ông H., một người dân địa phương dẫn đường đã đưa chúng tôi tiếp cận khu vực đồi đá đen thuộc tiểu khu 22, đội 3 của rừng cấm ở xã Thanh Sơn, huyện Định Quán, Đồng Nai. Rừng này do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp La Ngà quản lý.

Đồi đá trắng và đồi đá đen của rừng cấm trên được xem là khu vực nóng nhất mà các nhóm khai thác vàng trái phép hoạt động trong thời gian gần đây.

Xới tung rừng cấm, đào vàng lậu

Lội bộ theo những con đường mòn nhỏ hẹp giữa đám cây rừng chằng chịt gần một giờ, cuối cùng chúng tôi leo đến được khu vực cao nhất của đồi đá đen. Đập vào mắt chúng tôi là những hầm khai thác vàng trái phép nằm nhan nhản.

Chỉ một khoảnh rừng nhỏ nhưng chúng tôi đếm được bốn hầm khai thác vàng trái phép nằm gần nhau, trong đó có một hầm đã được lấp miệng. Mỗi hầm rộng 1,5 m, dài 2 m và sâu từ 5 m đến hơn chục mét. Ông H. cho biết hầm đã bị lấp ăn sâu vào lòng núi khoảng 1 km.

Đi vào một hầm chúng tôi phát hiện các thùng nhựa, dụng cụ dùng để đào quặng vàng, còn trên hầm được che đậy bằng một tấm phên gỗ khá chắc chắn. Ông H. chỉ vào các cây nhang cháy dở nói các phu vàng đốt nhang trước khi đào để “cúng thần núi cầu may”.

Ở một miệng hầm, một số quặng vàng (loại đá trắng có ánh vàng, rất nặng) đủ kích thước xếp chồng chất. “Bình thường một viên đá nhỏ quặng cũng không sót lại. Các quặng này để lại là do gần đây chủ rừng làm gắt gao, họ không kịp chuyển đi mới bỏ lại. Thông thường phu vàng sẽ cho các quặng vào bao tải để vác bộ ra rừng rồi chất lên xe máy chở đến nơi xay đá rồi đãi lấy bột vàng” - ông H. giải thích.

img

Loại đá chứa quặng vàng các phu vàng đào lên nhưng chưa vận chuyển đi được. Ảnh: TIẾN DŨNG

img

Một hầm khai thác vàng trái phép giữa rừng cấm. Ảnh: TIẾN DŨNG

Ông H. dẫn chúng tôi đến một căn hầm khác, được che chắn cẩn thận trong lùm chuối và nói hầm này vừa được đào đêm hôm trước. Theo ông H., ở khu vực này ban đêm voi rừng thường về nhiều song các phu vàng vẫn không kiêng dè bởi thời điểm này thích hợp cho việc đào hầm, tránh né việc kiểm tra. “Trong một đêm các phu vàng có thể đào được một hầm sâu cả chục mét” - ông H. nói.

Ông H. tiếp tục dẫn chúng tôi đi sâu vào rừng cấm thêm khoảng 3 km để tiếp cận khu vực đồi đá trắng. Tại đây, các vạt đồi cũng bị đào nham nhở. Theo ông H., ở khu vực này quặng vàng nằm cạn hơn. Vì vậy các phu vàng chỉ đào sâu khoảng 0,5-1 m là có thể thu được quặng. Vì thế quả đồi này bị đào nham nhở khắp nơi. Tại khu vực này, chúng tôi đếm được hơn chục hầm, ngoài một số hầm cũ đã sập thì nhiều hầm còn khá mới.

Chém nhau, tranh giành địa bàn

Trong thời gian tiếp cận khu vực, chúng tôi thấy xuất hiện những bóng người thấp thoáng sau những đám cây rừng. Những người này có lẽ đang đeo bám, theo dõi nhất cử nhất động của chúng tôi. Ông H. cho hay họ là những phu vàng và cai đào vàng. “Các nhóm “vàng tặc” thường đi theo nhóm 15-20 người và không phải là người địa phương. Họ ở tại các chòi rẫy ven gần rừng rồi đêm đến đổ vào khai thác vàng trái phép. Những phu đào đá lấy vàng này rất hung dữ và không thích người lạ đến gần khu vực họ đào vàng” - ông H. nói.

Nhiều người dân xã Thanh Sơn cho biết thêm, từ đầu năm 2015 đến nay tình hình khai thác vàng trái phép tại tiểu khu 22a - đội 3 diễn biến rất phức tạp. Theo đó, nhiều nhóm thường xuyên tụ tập ở các chòi rẫy quanh khu vực khai thác vàng trái phép, chủ yếu vào ban đêm. Chính việc nhiều nhóm cùng xuất hiện đã dẫn đến việc đánh nhau để tranh khu vực đào vàng trái phép. “Rạng sáng 25-4, các nhóm tranh chấp vị trí các hố đào và chém nhau, làm một số phu vàng bị thương. Tuy nhiên, nơi xảy ra mâu thuẫn ở giữa rừng nên các cơ quan chức năng không biết, còn người dân không dám trình báo vì sợ bị trả thù” - một người dân địa phương nói.

Khi thấy chúng tôi tiến sát một hầm cũ để kiểm tra thì ông H. vội la lên: “Cẩn thận, khéo giẫm vào kim tiêm đấy”. Theo ông H., nhiều người trong số các phu vàng đang hoạt động tại đây nghiện ma túy nên tại những hầm thường có nhiều kim tiêm.

Lấp xong bị đào lại

Liên quan đến việc đào vàng lậu nêu trên, UBND huyện Định Quán cho biết đã yêu cầu các cơ quan chức năng tổ chức xác minh, làm rõ và có biện pháp xử lý theo quy định.

Đại diện Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp La Ngà cho biết đơn vị đã phối hợp, phát hiện nhiều nơi trong rừng cấm bị đào trái phép. Đơn cử, Công ty Lâm nghiệp La Ngà đã phối hợp với Công an xã Thanh Sơn và Trạm kiểm lâm địa bàn Thanh Sơn - Ngọc Định lấp một số hầm khai thác vàng trái phép nhưng sau đó kiểm tra lại thì các hố đã bị lấp lại được đào lên. “Việc tuần tra, truy bắt những người đào vàng trái phép gặp nhiều khó khăn” - một bảo vệ rừng giải thích.

Ông Đỗ Mạnh Thắng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp La Ngà, thừa nhận hiện tượng đào hầm lấy đất đá trái phép tại rừng tự nhiên do công ty này quản lý đã xảy ra từ lâu nhưng từ đầu năm 2015 thì diễn biến phức tạp hơn. Họ tập trung thành các nhóm, số lượng 10-15 người để vào rừng đào đất đá trái phép và đã xảy ra tình trạng đánh nhau tranh giành “địa bàn”. “Trước tình hình này, chúng tôi đã tăng cường lực lượng để bảo vệ rừng và ngăn cấm việc đào đất đá trái phép trong rừng cấm. Tuy nhiên, nhiều người thành nhóm đông đã tỏ ra liều lĩnh và manh động nên lực lượng bảo vệ rừng của công ty khó thể trấn áp được” - ông Thắng nói.

Theo ông Thắng, Công ty TNHH Lâm nghiệp La Ngà đã báo cáo sự việc và kiến nghị UBND huyện Định Quán chỉ đạo công an huyện, Hạt Kiểm lâm huyện Định Quán và UBND xã Thanh Sơn hỗ trợ kiểm tra, đưa các đối tượng cư trú bất hợp pháp ra khỏi khu vực nhằm hạn chế việc đào hầm lấy đất đá trái phép.

Từ đầu năm đến nay, xã Thanh Sơn đã phối hợp với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp La Ngà kiểm tra và phát hiện ba vụ khai thác vàng trái phép tại rừng cấm.

Cơ quan chức năng đã tịch thu một số dụng cụ của những người khai thác vàng trái phép nhưng chưa xử lý được đối tượng nào khai thác vàng trái phép cả. Bởi những đối tượng này đều từ các địa phương khác và không có giấy tờ tùy thân, thậm chí có một số người còn ở tuổi vị thành niên.

Ông Ngô Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn