Trong cuộc tọa đàm do Báo Thời Nay tổ chức, đại diện các nhóm dân sự đánh giá cao các chính sách đổi mới mà Bộ GD-ĐT đưa ra gần đây như đổi mới thi và tuyển sinh ĐH, CĐ, thay chấm điểm thường xuyên bằng nhận xét ở tiểu học (Thông tư 30), mô hình trường học mới VNEN…
Năm học 2015-2016, Hà Tĩnh là một trong các địa phương đầu tiên của cả nước thực hiện nhân rộng mô hình trường học mới ở bậc THCS. (Ảnh: Văn Chung)
Các chuyên gia cũng lý giải tại sao những chính sách dù được cho là tích cực những đều bị phản ứng ngược.
Bộ khéo khi chọn “kéo”, nhưng…
Ông Nguyễn Thế Trung, Tổng giám đốc Công ty cổ phần công nghệ DTT, cho rằng Bộ GD-ĐT đã thể hiện sự khéo léo để đổi mới, khi tác động vào thực trạng bằng phương thức “kéo” thay vì “đẩy”.
Điều đó có nghĩa là “Bộ đặt ra một mục tiêu để buộc cả hệ thống phải vận hành hướng tới mục tiêu đó. Bắt đầu đổi mới từ thi, từ đó thay đổi cách dạy - học. Thay đổi chương trình sẽ thay đổi giáo viên. Thay đổi quản lý chất lượng thì sẽ thay đổi phương thức quản lý”.
Ông Trung nhận xét mặc dù khôn ngoan và can đảm khi lựa chọn phương thức “kéo”, nhưng Bộ thực hiện việc thay đổi trong thời gian ngắn và nguồn lực còn quá yếu.
“Điều Bộ GD-ĐT lường được nhưng chưa làm được là khi kéo như vậy sẽ tạo ra một lực rất mạnh. Và khi không có bộ đệm đủ tốt sẽ tạo nên xô xát và đổ vỡ” – ông Trung bình luận.
“Bộ đệm mà chúng tôi nhận thấy ở đây là Bộ GD-ĐT không làm cho cả xã hội chung tay vào việc này.
Mỗi sự thay đổi của Bộ về thi cử, chấm điểm hay chương trình mới tác động tới hàng triệu con người, nhưng Bộ chưa chuẩn bị đủ cho sự thay đổi, chưa có cái phanh cần thiết. Bản thân xã hội, giáo viên và phụ huynh cũng chưa hiểu nên xảy ra “xô xát” là bình thường”.
Từ thực tế làm việc với Ban soạn thảo chương trình phổ thông mới từ 4 năm nay, ông Trung cho rằng “Họ rất vất vả, nhưng luôn ám ảnh rằng làm thế nào để một triệu giáo viên kia có thể làm được chương trình mới.
Chúng ta hiểu rằng xây được cái nhà trên đám đất sạch rất dễ, nhưng xây trên một đầm lầy rất là mệt. Bộ GD-ĐT luôn nghĩ đến việc họ phải tự làm nhiều quá. Đáng lẽ, họ làm bước chuẩn bị này khéo léo về truyền thông và xã hội mạnh hơn nữa, thì còn có thể làm mạnh hơn về chương trình. Bởi vì chương trình này có khả năng chưa cập nhật tốt nhất trên các khía cạnh”.
Bên cạnh đó, theo ông Trung, cả lực lượng giáo dục và xã hội đều chưa có thói quen chuẩn bị cho tốt, nên việc “xô xát” như vừa rồi xảy ra rất bình thường.
TS Giáp Văn Dương, sáng lập Cổng giáo dục trực tuyến GiapSchool, lý giải rằng “Việc chuẩn bị để đưa các chính sách được thực thi còn cập rập. Ngay từ những thuật ngữ chủ chốt, Bộ cũng đã không thống nhất được cách hiểu. Ví dụ, dạy học tích hợp là gì, mỗi người đưa ra một cách hiểu, ông nói gà bà nói vịt, từ đó gây ra sự phản ứng dữ dội”.
TS Chu Cẩm Thơ, Chủ tịch Hội đồng khoa học Alpha School thì nhận xét “Trong tâm lý của giáo viên và chính những người tham gia thực hiện giáo dục, thì từ trước đến nay chính sách là cái gì mang tính dài hạn. Vì thế trong thời gian qua, những cái gì có tính mới, thời sự thì mọi người có xu hướng chống lại nó hơn là tiếp cận nó”.
Những hình ảnh thí sinh tập trung rút - nộp hồ sơ ĐKXT những ngày cuối đợt xét tuyển ĐH, CĐ đầu tiên năm 2015 đã khiến dư luận dậy sóng
Làm thử trước khi “ném đá”
“Trẻ con trước đây là “nạn nhân” của Bộ Giáo dục, và bây giờ là nạn nhân của bố mẹ. Chỉ cần bố mẹ thay đổi thôi là cứu được chúng nó rồi” – ông Nguyễn Tuấn Hải, nhà sáng lập Eton Grammar School chỉ ra điểm mấu chốt. “Và cách đó lại làm dễ hơn so với thay đổi một người giáo viên. Đối với Thông tư 30, đối tượng phản đối nhiều nhất là giáo viên, vì không tương thích được. Nếu Bộ tiếp tục là những việc đổi mới như tuyển sinh năm vừa rồi thì đó là trở lực rất lớn”.
Không được xã hội cộng hưởng, chính sách kiểu gì cũng sẽ chết. Với cách nhìn này, TS Giáp Văn Dương chỉ rõ “Muốn cộng hưởng phải thay đổi một loạt các quan niệm như mở rộng không gian giáo dục để cho nhiều thành phần cùng tham gia. Nhà trường không phải là nơi truyền đạt kiến thức dơn thuần nữa mà là một không gian làm việc chung của cả giáo viên và học sinh, phụ huynh và các đơn vị cung cấp giáo dục”.
Còn TS Chu Cẩm Thơ cho rằng điều quan trọng nhất là xã hội không bị động trước các chính sách. “Phải đứng ở cả hai phương diện, là mình chịu tác động của chính sách đó nhưng mình hoàn toàn làm chủ việc đó. Một giáo viên không bị bắt buộc dạy bài này vì ai mà chỉ vì việc là tôi thấy cần dạy bài học đó cho học sinh. Một học sinh đi học cũng không phải vì ai khác mà chỉ vì mình cần học”.
Theo TS Thơ, tư duy không bị động trước chính sách là tư duy quan trọng đối với tri thức và những người hành động. “Khi mình đón nhận chính sách một cách thụ động, mình sẽ cảm thấy bức bối. Nếu mình không bị động sẽ thay đổi trạng thái tiếp nhận và thay đổi cả công thức để mình thực hiện công việc vốn dĩ phụ thuộc vào sứ mệnh của mình”.
“Xã hội đang coi chuyện giáo dục là ai đó sẽ làm cho con mình chứ không phải là chính mình” - ông Nguyễn Thế Trung nhìn nhận.
Để không còn tình trạng “xô xát” như thời gian qua, theo ông Trung, “Những người phản biện giáo dục trước khi phản biện nên thực hành đã. Và một mong đợi nữa của tôi là mỗi khi phụ huynh nghe thấy một vấn đề gì của giáo dục, hãy vào lớp của con tìm hiểu xem việc người ta nói có đúng không, gặp cô giáo xem có đúng không... ".