Dân Việt

Thành công vì biết đặt niềm tin vào nhân dân

Lương Kết (thực hiện) 19/12/2015 06:30 GMT+7
“Từ ngày độc lập cho đến ngày Tổng tuyển cử, chúng ta chỉ có 4 tháng chuẩn bị. Việc tổ chức thành công cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên trong bối cảnh khó khăn như vậy là chưa từng có trong lịch sử thế giới” - PGS-TS Bùi Đình Phong, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, phân tích.

Thưa ông, sau khi nước nhà giành được độc lập, Hồ Chủ tịch và Chính phủ đã có quan tâm đặc biệt thế nào để tổ chức cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên trong lịch sử?

- Sau khi giành được độc lập, đất nước ta bộn bề công việc, với những khó khăn, thù trong giặc ngoài có thể nói là ở thế "ngàn cân treo sợi tóc". Nhưng một vấn đề nổi lên là lúc đó: Chúng ta phải khẳng định Việt Nam là một đất nước có độc lập, có chủ quyền. Như vậy mới có tư cách người làm chủ, để đón quân Đồng minh vào.

Chỉ một ngày sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập (2.9.1945), trong cuộc họp của Hội đồng Chính phủ, Bác đã nói 6 nhiệm vụ cấp bách, trong đó có nhiệm vụ tổ chức Tổng tuyển cử càng sớm càng tốt. Lý do tổ chức Tổng tuyển cử là nước ta dưới chế độ phong kiến hàng nghìn năm, dưới ách thực dân gần trăm năm không có dân chủ. Cần có cuộc Tổng tuyển cử để phổ thông đầu phiếu bầu ra Quốc hội.

img

Nông dân tham gia bỏ phiếu trong ngày Tổng tuyển cử 6.1.1946.  Ảnh:  T.L

Có thể nói, sau ngày 2.9.1945, ngoài việc giải quyết tất cả công việc nội trị, ngoại giao, Bác tập trung để có cuộc Tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội, có Quốc hội thì chúng ta mới có Chính phủ chính thức để điều hành những công việc đối nội, đối ngoại.

Vào bối cảnh đất nước gặp vô vàn khó khăn như vậy, Hồ Chủ tịch và Chính phủ đã có những giải pháp gì để tổ chức thành công cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên?

- Ở đây phải nhấn mạnh tới công tác tuyên truyền vận động,  nhân dân của Chính phủ và người đứng đầu là Hồ Chủ tịch. Từ một chế độ chưa có dân chủ bước sang chế độ mới, nhiều chuyện người dân còn rất ngỡ ngàng.

Trong một số bài viết, Bác đã nói làm sao để người dân biết đi bỏ phiếu, biết cầm lá phiếu thế nào, biết ghi vào lá phiếu thế nào? Lúc đó chúng ta gần 90% người dân mù chữ, nhưng khi tổng tuyển cử thì có hơn 90% người dân đi bỏ phiếu, đó là nhờ công tác vận động, tuyên tuyền rất tốt.

Tại sao người dân hồ hởi, phấn khởi đi bỏ phiếu như vậy? Đó là vì khi chúng ta giành được chính quyền, toàn bộ hoạt động của chính quyền thể hiện là vì dân. Trong các bài phát biểu, bài viết của Bác, đặc biệt là các hoạt động của chính Người đều thể hiện rõ chính quyền mới  khác hẳn về bản chất so với chính quyền cũ. Chính quyền mới mang lại

img

"Ngày bầu cử, hơn 90% người dân đi đã đi bỏ phiếu, đó là một thành quả hết sức giá trị. Từ ngày Độc lập đến ngày Tổng tuyển cử chỉ có khoảng 4 tháng chuẩn bị. Có thể nói việc tổ chức thành công cuộc tổng tuyển như vậy là chưa từng có trong lịch sử thế giới”.

PGS-TS Bùi Đình Phong

lợi ích thiết thực cho người dân, biết giáo dục cho toàn bộ cán bộ, công chức đặt lợi ích của người dân lên trên hết.

Về công tác chuẩn bị: Từ ngày 3.9.1945 đến trước ngày Tổng tuyển cử 6.1.1946, trong tuyên truyền, Bác luôn luôn nêu cao tinh thần tự do bầu cử. Người nhấn mạnh, nước ta là nước dân chủ, người dân có quyền lựa chọn tìm ra những đại biểu thay mặt cho mình quản lý đất nước và những người đó đem lại hiệu quả thiết thực cho dân. Không có chuyện mua bán quyền chức.

Từ góc độ nghiên cứu, ông thấy cuộc Tổng tuyển cử năm 1946 đã để lại những bài học lớn gì về công tác tổ chức khi đất nước đứng trước những thách thức lớn?

- Tôi cho là một trong những bài học quan trọng đầu tiên là phải tin vào dân, tuyệt đối tin vào dân. Như đã nói ở trên, khi có chính quyền mới người dân còn rất ngỡ ngàng, chưa hiểu được đầy đủ nhưng Chính phủ vẫn tuyệt đối tin tưởng vào dân. Từ đó, trong những lời kêu gọi của Chính phủ đều hướng tới việc giác ngộ lòng yêu nước của dân với chế độ. Bài học này còn nguyên giá trị. Trong mọi công tác điều hành, quản lý đất nước thì vấn đề số một vẫn phải đặt niềm tin vào người dân.

Tôi nhớ cách đây ít ngày, tại một cuộc hội thảo quốc tế, người ta có đặt câu hỏi Việt Nam lấy  nguồn lực ở đâu để đạt được mức tăng trưởng kinh tế đầy tham vọng trong 5 năm tới (từ 6,5 -7%). Người đứng đầu Chính phủ - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trả lời: Nguồn lực thứ nhất là dựa vào sự ủng hộ của hơn 90 triệu dân, thứ hai là hơn 4 triệu người Việt Nam đang sống ở nước ngoài, thứ ba là sự ủng hộ quốc tế. Câu trả lời của Thủ tướng chính là dựa vào bài học từ thời kỳ khó khăn 70 năm trước.

Bài học thứ hai là giáo dục đội ngũ cán bộ, nếu chúng ta đọc các bài viết của Bác trước ngày Tổng tuyển cử sẽ thấy điều quan trọng mà Bác đề cập là: Cán bộ, công chức nhà nước luôn phải đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết từ lời nói đến hành động để nhân dân tin, dân theo.

Bài học thứ ba là tấm gương người đứng đầu. Biểu hiện rõ nhất thời kỳ đó chính là Bác Hồ. Với tư cách là người chèo lái con thuyền cách mạng, Bác nói là làm, từ việc nhỏ nhất đến việc lớn nhất người dân đều thấy Bác đặt lợi ích của nhân dân, của Tổ quốc lên trên hết.

Xin cảm ơn ông.