Cụ thể, ông Nguyễn Hồng Minh nói: “Tôi chưa nghe lãnh đạo nào của ngành TDTT nói về chỉ tiêu giành 15-20 suất chính thức dự Olympic 2016. Mọi thông tin đều qua báo chí, và giả như chỉ tiêu này có thật, thì theo tôi không thể đạt được đâu”.
Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh là niềm hy vọng huy chương hiếm hoi của thể thao Việt Nam tại Olympic 2016. Ảnh: Zing.
Lý giải về quan điểm của mình, ông Minh cho hay: “Các kỳ Olympic trước, số vận động viên (VĐV) đăng ký tham dự Thế vận hội còn chưa nhiều. Nhiều nước đang phát triển trong đó có Việt Nam còn được suất đặc cách, đến Olympic với mục đích chính là hòa nhập, học tập, cọ xát, tích lũy kinh nghiệm. Nhưng càng về sau, cụ thể là trên hành trình hướng tới Olympic 2016, số lượng VĐV tham dự quá đông, trình độ lại cao nên dẫn đến việc phải cạnh tranh khốc liệt ngay tại vòng loại. Những môn như thể dục dụng cụ, điền kinh, có VĐV của ta đã đủ chuẩn, đủ điểm dự Olympic trên lý thuyết. Nhưng thực tế, số VĐV đạt chuẩn đó lại quá đông nên Ban tổ chức phải xét từ trên xuống và VĐV Việt Nam bị “bung” ra”.
Vấn đề đặt ra là trong lịch sử tham dự các kỳ Olympic, thể thao Việt Nam (TTVN) mới chỉ giành được vỏn vẹn 2 HCB của nữ võ sĩ taekwondo Trần Hiếu Ngân (năm 2000) và lực sĩ cử tạ Hoàng Anh Tuấn (năm 2008). Gạt sang bên chuyện có hay không hoàn thành chỉ tiêu “vé” dự Olympic, NTNN đặt câu hỏi tại Olympic 2016, TTVN có thể có huy chương hay không?
Ông Minh đáp: “Tôi đồng ý với quan điểm đừng nói chuyện có bao nhiêu suất dự Olympic nữa. Ví dụ, chúng ta có 18 suất hay 20 suất dự Olympic nhưng trắng tay thì có giải quyết được gì không? Nếu chúng ta chỉ có 10-12 suất nhưng lại có huy chương thì đó mới là thành công. Khả năng giành huy chương Olympic 2016 của TTVN là cực kỳ khó khăn. Nhưng bản thân tôi vẫn tin một ngày đẹp trời, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh có thể làm nên kỳ tích tại Brazil. Dù gì, trình độ của cậu ta cũng đạt đẳng cấp thế giới rồi. Với Thạch Kim Tuấn, nếu kịp bình phục chấn thương thì cũng có thể cạnh tranh huy chương Olympic”.