Tình bạn câm lặng
"Điếc" tên thật là Hồ Văn Lệnh, bằng tuổi Vinh hoặc hơn chút xíu. Cũng chẳng ai biết chính xác, vì ở cái làng Thuận Nghĩa, người ta coi sự có mặt của "Điếc" như một... lẽ tự nhiên.
Công Vinh và những đồng đội-đồng hương khi còn khoác áo Hà Nội.T&T. |
"Điếc" lớn lên như cây lúa dại cùng đám trẻ trong làng. Nó có gia đình hẳn hoi, bố mẹ đàng hoàng. Anh chị em những bốn người, hệt như nhà Công Vinh. Nhưng nó hơn Vinh là có 1 người anh trai tên là Hồ Văn Mệnh, sức khỏe bình thường.
Một vài người trong làng Thuận Nghĩa nói vui, "Điếc" không thể giao tiếp bình thường nên bố mẹ hắn "bổ sung chất thép" khi đặt tên hai anh em hắn để cân bằng với tự nhiên. Ít ra, nghe hai từ "Mệnh Lệnh" cũng oai và gây sự chú ý hơn những cái tên khác.
"Điếc" chẳng làm được việc gì (nói đúng hơn là chẳng ai dám thuê nó làm), vì ngoài cái tai không nghe thấy gì, nó còn câm nữa. Suốt ngày chỉ lang thang hết chỗ này đến chỗ kia. Ngó nghiêng chán rồi lại về nhà nằm.
"Nó khổ rứa đó, từng này tuổi cứ lang thang đầu làng cuối ngõ, chẳng ai dám thuê làm việc chi mô. Người ta sợ hắn chẳng nghe, chẳng nói được thì... nhỡ hết việc"- bà ngoại Công Vinh chép miệng.
Bà con trong làng thương tình thi thoảng thấy "Điếc" chơi ở đâu thường cho cái nọ cái kia. Nó có nhỡ làm sai điều gì họ cũng coi đó là chuyện bình thường.
Lê Công Vinh và tình bạn bóng bưởi thời niên thiếu như chuyện cổ tích |
Vì từ nhỏ, "Điếc" chẳng được đi học. Nó rất hiền, không tự ái, không va chạm với ai, hiếm khi khiến người khác "điên tiết", dù giao tiếp đặc trưng kiểu khoa chân múa tay của hắn có khi nói hôm nay, ngày mai người ta mới hiểu.
Ngày bé, "Điếc" cũng thích bóng đá lắm. Hồi hai đứa khoảng 8-9 tuổi, nó và Vinh là một cặp, Vinh thích ghi bàn, "Điếc" lại thích bắt gôn. Hai đứa thường chiếm một góc sân kho, xếp gạch làm cầu môn. Vinh "hung hăng" sút, "Điếc" nhoài người cản phá chẳng ai nhường ai, cứ như thể cả hai đang đối đầu khốc liệt trong một trận chung kết vậy.
Đôi khi, vài người vui tính ở làng Thuận Nghĩa còn ví von: "Thằng Vinh nó là tay súng, thằng "Điếc" thì không có "khái niệm"... sợ súng nên bắt gôn là hợp rồi". Người cậu Công Vinh bảo, "Điếc" có vẻ cũng có năng khiếu bóng đá "Tiếc là ông Trời không muốn thương nó sao ý. Chứ mà bình thường chắc đời nó khác!".
"Điếc" bình thường không phải đi học. Nó cứ chăm chăm chờ Vinh về để cả hai cùng đá bóng. Nếu tụ tập được bọn trẻ trâu trong làng, kiểu gì Vinh và "Điếc" cũng nằm cùng một đội. Đứa thủ môn, đứa tiền đạo.
"Điếc" nổi tiếng ở cái làng Thuận Nghĩa vì tính liều. Cũng chẳng biết có phải nó chẳng nghe thấy gì hay không mà chẳng biết sợ nữa. Nó sẵn sàng nhẩy bổ vào chân đối phương mà bắt bóng. Vinh hồi đó cũng ra dáng thủ lĩnh rồi, nhưng "võ tủ" của cậu là chờ bóng đến, lao lên tranh chấp, qua 1, 2 thằng là sút.
Rất nhiều lần, "Điếc" ở dưới bắt được bóng, phát mạnh lên trên, Vinh lao đến, vượt qua vài đứa... là đội có bàn thắng. Đơn giản lắm. Đội chỉ có 2 tuyến. Các "vây cánh" khác trong đội chỉ làm đúng nhiệm vụ cản phá và gây nhiễu đối phương, còn chuyền bóng - ghi bàn là công việc của bộ đôi Vinh - "Điếc".
Người cậu của Vinh còn bảo, bây giờ hỏi Vinh hồi nhỏ đá bóng thế nào ở cái làng Thuận Nghĩa này thì ai cũng nhớ. Một thằng bé loắt choắt, đầu húi cua, chân tay mảnh khảnh nhưng chạy nhanh thì chẳng ai bì.
Có lần, trẻ trâu trong làng đá đấu với xã bên. Cả làng ra xem, cậu của Vinh cũng ghé vào đó. "Tui chẳng ngờ hắn chạy nhanh thế mô. Vọt qua vài đứa to hơn nó cả cái đầu cứ như bỡn. Ở nhà hắn hiền lành, nhẹ nhàng mà ra sân hắn mạnh dữ.
Mà anh hầy, hắn lỳ lắm. Ngã cái là dậy liền, cấm có kêu nửa câu. Trên sân lúc đó hắn bé nhất nhưng nói chẳng quân nào dám cãi. Còn thằng Điếc, hắn giữ gôn mà bay như chim. Hai thằng có năng khiếu lắm, hầy"- cậu của Vinh nhớ lại.
"Tao nhớ mi quá, Vinh ơi"
"Điếc" lên đến nhà bà Tuệ ở Hoàng Mai thì cũng cuối chiều của cái hôm chỉ cách Tết Nhâm Thìn vài ngày. Nó dắt chiếc xe đạp xiêu vẹo dựng vào tường, hai tay quẹt cái mũi đỏ hoe vì gió, mưa và rét. Xoa xoa hai bàn tay đang đỏ lên vì cước, nó tiếp tục gạt những giọt nước còn bám ở quần áo rồi nhoẻn miệng cười khi thấy Vinh từ trong nhà đi ra. Cả hai cùng mừng rỡ.
"Điếc" chẳng nói được câu nào, nó cũng chẳng nghe được. Nhưng chỉ cần nhìn Vinh mấp máy cái miệng, nó hiểu hết. Vinh cũng vậy, thằng bạn bất hạnh từ thời "cởi truồng tắm mưa" chỉ cần khoa chân múa tay là Vinh biết nó muốn nói gì.
Ngày bé, người hiểu "Điếc" nhất là Vinh. Hai đứa trò chuyện bằng tay chân và chỉ cần nhìn vào mắt nhau là hiểu. Nhiều khi, người nhà "Điếc" còn phải chạy sang bảo "hắn nói chi mà chẳng ai hiểu", và nhờ Vinh sang "dịch" hộ.
"Điếc" từ Quỳnh Lâm lên thăm Vinh. Vinh bảo Vinh cũng sẽ về đó thăm bà và các cậu mợ, lên làm chi cho khổ. "Điếc" chỉ cười trừ, hai bàn chân nó cũng tê cóng, rúm ró trong đôi dép tổ ong màu trắng đã ngả vàng.
"Điếc bảo", nó không muốn mất cơ hội nhìn thấy đứa bạn thân nhất cuống quýt về rồi nhà rồi lại hối hả ra đi. Nó đạp xe lên đây thì có thêm thời gian chơi với Vinh hơn, còn chờ ở nhà thì... ít quá. Đấy cũng chẳng phải là lần duy nhất "Điếc" lên nhà mẹ Vinh (bà Hồ Thị Tuệ).
Thi thoảng buồn buồn, nhớ Vinh hoặc chỉ muốn hỏi thăm tin tức của Vinh, "Điếc" lại đi nhờ xe từ Quỳnh Lâm đến Hoàng Mai hỏi thông tin thằng bạn thân, rồi bà Tuệ lại dấm dúi cho quà bánh và tiền về lại Quỳnh Lâm. Bà Tuệ cũng thương nó như con.
Bóng đá cho Vinh nhiều thứ, giúp Vinh nổi tiếng. Nhưng nó cũng bòn rút của anh thời gian quý giá với người thân, thi thoảng mới được sống lại ký ức tuổi thơ, ít nhất là với "Điếc".
Cuối năm Vinh về nhà Tết cha mẹ, ông bà, thắp hương tổ tiên. "Điếc" luôn "rình" sẵn. Nó muốn sờ vào người Vinh, đấm đấm, đá đá, trêu đùa nhau như khi hai đứa còn vác quả bóng bưởi chạy khắp sân kho ở cái làng Thuận Nghĩa.
Bây giờ, mỗi khi có trận đấu của tuyển Việt Nam hoặc cuối tuần đá V.League, "Điếc" lúc nào cũng chọn một chỗ tuyến đầu bên nhà bà ngoại Công Vinh, dán mắt vào tivi. "Điếc" bặm môi, đỏ mặt, mắt trừng trừng, miệng rú lên ú ớ khi Vinh bị "đốn" hoặc bỏ lỡ cơ hội. Nó cũng nhảy cẫng lên sung sướng khi thằng bạn thân ghi bàn.
Hôm Công Vinh gặp chấn thương trong trận giao hữu với Indonesia (16/10), "Điếc" buồn tê tái. Nó đi ra đi vào, hết về lại sang nhà bà ngoại Vinh nghe ngóng xem có tin tức gì không. Bà bảo, Vinh không đá được VFF Cup vì chấn thương, "Điếc" bực lắm, vùng vằng ý bảo "chẳng thèm xem tuyển đó đá nữa".
Nói là làm, cả 3 trận của Tuyển, người làng Thuận Nghĩa ai cũng xem, nhà bà Công Vinh người ngồi cổ vũ đông như thường lệ, nhưng "Điếc" vắng mặt. Nó nằm bệt ở nhà vì buồn, thi thoảng lại nhổm dậy ú ớ như muốn trình bày điều gì đó.
Tiếc là chẳng ai để ý đến ngôn ngữ của nó. "Điếc" cảm thấy cô đơn. Nếu nói được, chắc hẳn nó đã điện thoại cho Vinh rồi... Trong ký ức của "Điếc", Vinh là nhất. Một thằng bạn hiền lành, dám chơi với nó mà không khinh miệt, sẵn sàng nhường những gì tốt nhất cho nó.
Khi Vinh ấu thơ, "Điếc" ở bên cạnh. Khi Vinh đã trở thành cầu thủ nổi tiếng nhất Việt Nam, Vinh cũng chẳng bao giờ quên "Điếc". Vinh mà về quê là mua cho "Điếc" đủ thứ. Quần áo, giày dép, quà bánh. Nhiều khi, "Điếc" còn nằm dài trên chiếc xế hộp cùng Vinh "đánh" về Quỳnh Lâm thăm bà và các cậu, mợ.
"Điếc" quý Vinh là thế, nhớ Vinh là thế. Nó sẵn sàng nhận quà bánh, quần áo của Vinh nhưng hiếm khi Vinh cho tiền mà nó lấy. Theo như người nhà của Vinh thì "Điếc" vẫn sợ thằng bạn khổ. Nó lấy quần áo, quà bánh vì nghĩ Vinh được cho không dùng đến. Còn tiền thì để Vinh dùng.
Hình ảnh cầu thủ nổi tiếng Lê Công Vinh sáng láng đi bên cạnh chàng "Điếc" giản dị, luôn thường trực trên đầu chiếc mũ lưỡi trai cụp che nửa mặt (có lẽ vì "Điếc" không tự tin), ăn mặc phong phanh, mũi đỏ hoe vì rét dạo khắp cái làng Thuận Nghĩa hỏi han mọi người, khiến ai cũng phải trầm trồ. Họ đùa nghịch không có khoảng cách, thân mật vui vẻ. Một tình bạn như trong chuyện cổ tích.
Bây giờ, ghé lại trường THCS Quỳnh Lâm 1, các thầy cô giáo gần như không ai còn nhớ Vinh hồi nhỏ như thế nào, nhưng ai cũng tự hào vì trường này từng có ngôi sao Lê Công Vinh từng học.
Cậu của Vinh cũng nói rằng, những thầy cô của Vinh hồi cấp 1 phần lớn đã nghỉ hưu từ lâu hoặc chuyển nhà đi chỗ khác, nên những ký ức về Vinh ở ngôi trường này bị gián đoạn.
"Cơ mà tui cũng chẳng nhớ ai mô mà chỉ cho anh. Tui chỉ nhớ thằng Vinh hồi đó học hành bình thường, năm nào cũng lên lớp nhưng chẳng nổi bật môn chi cả. Chỉ có điều, hắn là cái thằng mê bóng đá nhất Quỳnh Lâm".