Đây là cuốn tiểu thuyết có số phận đặc biệt, ra đời bằng tiếng Anh trước tiếng Việt. PV NTNN đã có cuộc trò chuyện với nhà văn Vĩnh Quyền.
Chúc mừng tiểu thuyết “Mảnh vỡ của mảnh vỡ” đoạt giải cao. Được biết bản Anh ngữ anh viết trực tiếp đã được xuất bản tại Mỹ và Anh, trong khi bản tiếng Việt vẫn chưa ra mắt tại Việt Nam, vì sao vậy?
Bìa cuốn sách “Mảnh vỡ của mảnh vỡ”. Ảnh: I.T
- Tôi thích viết văn bằng tiếng Anh. Là thích vậy thôi. Còn mục đích làm “văn chương đối ngoại” đến sau một “sự cố”. Trong thời gian nhà văn David Bergen (Canada) sang Việt Nam tìm tư liệu và cảm hứng viết tiểu thuyết “The Time in Between” (Giữa lưng chừng thời gian), anh ấy thường nghe tôi kể chuyện Việt Nam. Một lần nhờ tôi viết lại chuyện bị quên, David bảo tôi có khả năng viết văn tiếng Anh, với điều kiện học thêm văn phạm và đọc ít nhất 50 tác phẩm văn học Anh-Mỹ. Khi cuốn sách của David đoạt giải danh giá Giller, tôi chợt nghĩ: Sao mình không kể trực tiếp cho thế giới về Việt Nam bằng một tiểu thuyết tiếng Anh?
Tác phẩm đề cập đến vấn đề rất lớn của chiến tranh và thời hậu chiến. Vậy hiện thực trong tác phẩm là chất liệu đời thực hay là một tác phẩm hư cấu thuần túy?
- Thời bắt đầu viết văn, tôi thường tìm cách nói với bạn đọc rằng truyện tôi viết “có thật đấy”. Giờ tôi xấu hổ vì chuyện ấy. Nghệ thuật hư cấu là lý do tồn tại của tiểu thuyết. Tôi đã dành một trang cho 2 câu chủ đề tiểu thuyết: “Sống sót thời chiến tranh là một chuyện/Sống hạnh phúc thời hậu chiến là chuyện khác”. “Câu chuyện khác” ấy càng phức tạp với trí thức miền Nam sau năm 1975 trên đường tìm kiếm tương lai trong cuộc sống mới. Là người viết tiểu thuyết, tôi muốn xuyên qua lớp vỏ bề ngoài để khám phá phần chuyển động ngầm bên trong con người và xã hội.
Nhiều nhà văn nói, họ nợ nhân dân và đất nước những tác phẩm viết về chiến tranh và hậu chiến. Là nhà văn, anh nghĩ gì về “món nợ” của mình?
- Nhân vật nhà văn trong “Mảnh vỡ của mảnh vỡ” đã trả lời giúp tôi: “Thăng nhấp ngụm cà phê, im lặng một lúc mới lên tiếng, nghe như nói với chính mình hơn là với người đối diện: - Bọn mình nợ lịch sử những tác phẩm thật sự. Mọi huân chương đều có hai mặt, chiến tranh cũng vậy, bên cạnh vinh quang là nỗi đau. Giờ cậu muốn viết một tiểu thuyết về mặt trái chiến tranh. Một cuốn sách trả nợ. Tuy nhiên, có vẻ hơi sớm với không khí lúc này, đúng không? Nhưng tôi tin cái nhìn toàn diện về chiến tranh rồi sẽ được chấp nhận. Vậy tại sao chúng ta không làm thử từ bây giờ?”.
Phản hồi của độc giả nước ngoài về tiểu thuyết này thế nào, thưa anh?
- Tôi chỉ có thể trích thư của nhà văn Mỹ Wayne Karlin: “Cuốn tiểu thuyết ấn tượng làm sao! Nó khiến tôi xúc động, đồng thời hiểu thêm Việt Nam. Tôi cũng rất ấn tượng khi tác giả viết bằng Anh ngữ”.
Cảm ơn anh!
"Bảo Ninh đã nói đến nỗi buồn chiến tranh “The Sorrow of War”. Còn đoạn trường hàn gắn nỗi đau buồn ấy là một câu chuyện khác trong “Debris of Debris” của Vĩnh Quyền”- NXB Austin Macaulay. |