Dân Việt

Hàng loạt chủ trang trại khó vay được vốn: Tắc ở giấy chứng nhận trang trại

Việt Tùng 21/12/2015 11:12 GMT+7
Hà Nội và nhiều tỉnh ở miền Bắc sau khi dồn điền đổi thửa (DĐĐT) đã hình thành các khu chuyển đổi chăn nuôi, trồng trọt tập trung. Tuy nhiên do thiếu hướng dẫn, tự mày mò nên nhiều nông dân đã vô tình làm sai quy định, không được cấp giấy chứng nhận trang trại nên cũng không thể vay được vốn để sản xuất.

Chỉ được xây chòi 20m2

Theo quy định của một số địa phương,  sau khi DĐĐT, tùy theo đặc điểm của địa phương mà hình thành các khu trồng trọt, chăn nuôi khác nhau. Tuy nhiên, khi triển khai lại không được hướng dẫn cụ thể, dẫn đến hầu hết các hộ đều làm trang trại sai quy định.

img

Nhiều chủ trang trại ở Hà Nội  khó tiếp cận với nguồn vốn từ NĐ 55, vì chưa được công nhận dự án, cấp giấy chứng nhận trang trại, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…   Ảnh: V.T

Tại các vùng chăn nuôi lớn của Hà Nội như Quốc Oai, Thanh Oai, Chương Mỹ… chia sẻ với phóng viên, các chủ trang trại ai nấy đều lo nơm nớp, bởi chiếu theo quy định thì trang trại nào cũng đang làm sai.

Anh Cấn Văn Mai, thôn Cấn Thượng, xã Cấn Hữu (Quốc Oai, Hà Nội) chủ trang trại 0,5ha, hiện đang nuôi 30.000 gà đẻ trứng chia sẻ, anh làm trang trại đã 12 năm nay, khi DĐĐT ngoài diện tích của gia đình, anh còn dồn thêm diện tích của anh em, để có đủ diện tích làm trang trại.

“Song chúng tôi đang gặp rất nhiều khó khăn trước quy định của Nhà nước, khi mỗi trang trại chỉ được dành 20m2 đất để làm nhà chòi trông coi. Quy định này rất không hợp lý, khó thực hiện, bởi với diện tích đó không đủ để các trang trại để máy móc, vật tư, thức ăn, phân bón… phục vụ cho chăn nuôi trồng trọt. Hơn nữa, họ đầu tư hàng tỷ đồng vào trang trại, cũng phải có cái nhà để trông coi tài sản chứ, 20m2 cũng chỉ đủ kê cái giường, nên mỗi khi có đoàn của tỉnh này, sở nọ đến thăm quan thì tiếp họ ở đâu, lấy chỗ nào uống nước…” - anh Mai phân tích.

Theo ghi nhận của PV, tại trang trại của anh Mai đã được anh xây dựng khoảng hơn 200m2 bao gồm nhà ở của cả gia đình, kho để thức ăn, vật tư, máy móc. Như vậy, nếu chiếu theo quy định anh Mai đang làm trái với quy định tới hơn 10 lần, song vẫn không bị xử lý, nên suy cho cùng việc quy định trên là không khả thi, không sát với thực tế.

Cách trang trại anh Mai không xa là trang trại của anh Nguyễn Văn Lâm, anh Lâm hiện nuôi 20.000 gà đẻ trứng và 200 lợn thịt và nái. Chung tình cảnh như anh Mai, anh Lâm nói, nên thay đổi việc quy định diện tích xây dựng nhà trông coi trên đất trang trại. “Để có một trang trại phải bỏ ra hàng tỷ đồng, như trang trại của tôi cũng ngót chục tỷ đồng, một khối tài sản, trang trại lớn như vậy, mình tôi không thể làm nổi, mà phải cả gia đình. 20m2 chưa đủ diện tích để đựng cám bã, chứ nói gì đến chỗ người ở trông coi”- anh Lâm nói.

Cản trở việc vay vốn vì thiếu hướng dẫn

Ông Nguyễn Hồng Lâm – Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai thừa nhận, cả chính quyền và nhân dân đang rất lúng túng trong việc quy hoạch, chuyển đổi, xây dựng trang trại sao cho đúng, hiệu quả.

Ông Lâm nói: “Trước đây chúng tôi đã quy hoạch vùng chăn nuôi, tuy nhiên sau khi DĐĐT đã thay đổi rất nhiều. Cái khó cho địa phương là chưa có hướng dẫn cụ thể của thành phố trong việc cho phép người dân chuyển đổi thế nào. Chẳng hạn, đã là trang trại VAC, thì phải đào ao, mà đào ao sẽ phá vỡ hiện trạng đất, hay để trồng cây cũng phải vượt đất lên, đều thay đổi hiện trạng đất. Chúng tôi đang rất lúng túng chưa biết hướng dẫn người dân như thế nào”.

Ông Lâm cho biết thêm, về vấn đề này huyện đã nhiều lần đề nghị lên thành phố ra văn bản hướng dẫn, nhưng đến nay vẫn chưa được trả lời. Cũng vì chưa có hướng dẫn, nên mỗi trang trại làm một phách, người thì đào ao, người thì vượt đất lên thành bãi, vườn để trồng cây. Người thì làm nhà cấp bốn to, rộng ngay trên đất nông nghiệp… song cũng có người vừa làm vừa ngóng. Bởi nhỡ làm trái với hướng dẫn của thành phố công trình bị phá bỏ, chỉnh sửa sẽ rất tốn kém.

Tương tự, tại huyện Thanh Oai, Chương Mỹ, Hoài Đức… chính quyền cũng đang tỏ ra lúng túng, khi vận động người dân DĐĐT, vận động các hộ nhận những khu ruộng xấu để phát triển kinh tế trang trại. Song khi họ nhận lại không có hướng dẫn cách làm như thế nào. Anh Đào Quang Cà, xã Liên Châu (huyện Thanh Oai, Hà Nội) cho biết, sau khi DĐĐT anh nhận thầu thêm các hộ để có diện tích 2,3ha để làm trang trại đa canh. Theo đó, anh quy hoạch thành 2 ao thả cả thịt và 2 ao cá giống, còn lại anh xây chuồng trại nuôi lợn, vượt đất lên trồng nhãn. “Nói là thành phố “đem con bỏ chợ” cũng phải, vì sau khi DĐĐT họ có hướng dẫn gì đâu, chứ chưa nói đến việc tạo điều kiện cho các hộ chuyển đổi vay vốn sản xuất. Nên mỗi hộ một ý tưởng, nghĩ sao thì làm vậy, chứ không có mô hình điểm nào đâu để học hỏi” – anh Cà nhấn mạnh.

Cần quy 1 đầu mối

Trao đổi với NTNN, ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội thừa nhận, hiện thành phố đang “mắc” trong việc hướng dẫn người dân chuyển đổi trang trại sau DĐĐT. Tuy nhiên, ông Mỹ cũng cho rằng: “Sở chỉ có thể quy hoạch vùng sản xuất, hướng dẫn người dân nuôi con gì, trồng cây gì còn việc sử dụng đất, đào ao, xây nhà, hay cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải là Sở TNMT. Sở TNMT phải có trách nhiệm quản lý, hướng dẫn người dân sử dụng đất sao cho đúng mục đích, hiệu quả, chứ không riêng gì Sở NNPTNT”.

Chính vì những lý do trên, nên dù đã hình thành trang trại, song rất nhiều chủ trang trại đã lâm vào cảnh, không có dự án (vì tự làm, nên cấp có thẩm quyền không phê duyệt dự án), chưa được cấp giấy chứng nhận trang trại. Và đây cũng chính là lý do họ không đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng.

Ông Nguyễn Văn Thắm - quyền Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai (Hà Nội) thừa nhận: “Việc quy hoạch sản xuất là do ngành nông nghiệp, song chuyển đổi, quản lý việc sử dụng đất lại là ngành TNMT. Do đó, hiện đa số các khu chăn nuôi của huyện đều mới chỉ quy hoạch được vùng, chứ chưa được phê duyệt dự án và cấp giấy chứng nhận chuyển đổi trang trại, điều nay gây khó khăn không nhỏ cho các hộ khi vay vốn”.

   Việc cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại thuộc thầm quyền của UBND cấp huyện. Để các chủ hộ sớm được cấp giấy chứng nhận trang trại đòi hỏi phải có sự quan tâm hơn nữa của UBND các huyện, thị xã, góp phần thúc đẩy chăn nuôi phát triển hiệu quả, bền vững. 

TS Lê Đức Thịnh – Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ NNPTNT): Muốn trang trại lớn lên phải cấp giấy sử dụng đất

Theo Thông tư 69 về tiêu chí trang trại trước đây, có tới 135.000- 150.000 hộ đạt tiêu chí trang trại, còn Thông tư 27 của Bộ NNPTNT, chỉ còn 29.500 hộ đạt tiêu chuẩn sản xuất kinh tế trang trại (KTTT). Để các trang trại này lớn lên, chúng ta cần phải cấp giấy chứng nhận cho họ, nếu không cầm trong tay giấy chứng nhận thì chủ trang trại sẽ không thể chứng minh được đất đó là của họ, nên không thể thế chấp để vay được vốn ngân hàng mở rộng sản xuất. Một quy định nữa là đối với các trang trại chỉ được làm tối đa nhà trông coi 20m2 đã không còn phù hợp. Bởi ở trang trại cũng cần có nơi cất giữ vật tư như phân bón, thức ăn chăn nuôi… và cũng làm chỗ ngủ, có khi cả sinh hoạt của người dân ở đó. Do đó, quy định này cũng cần phải sửa đổi.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn- Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội: Cần sự vào cuộc đồng bộ

Việc tổ chức triển khai cấp giấy chứng nhận (GCN) trang trại cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, nhất là ngành nông nghiệp trong đó giải pháp quan trọng là tuyên truyền để các hộ dân phát triển chăn nuôi đúng quy hoạch, giảm nhanh phương thức chăn nuôi tự phát. Chỉ có chăn nuôi đúng quy hoạch, các hộ mới được cấp GCN kinh tế trang trại để được hưởng các quyền lợi phát triển sản xuất như chính sách hỗ trợ của thành phố về giống, ứng dụng công nghệ cao, đào tạo, tập huấn và vay vốn sản xuất.

Phương Vy- Văn Tú