Hà Nội vào một ngày đẹp trời, ngang qua một góc vườn hoa Lý Thái Tổ, công viên Lê Nin, Hồ Tây, Hồ Gươm, cổng một trường học hay quán cafe, sẽ dễ dàng bắt gặp một đám đông bỏ mặc những ồn ào phố sá, mê đắm quan sát những chiếc đồng xu, sợi dây hay lá bài được trình diễn nghệ thuật hư hư, ảo ảo thoắt biến mất trên những đôi tay “phù thủy”, tỉnh ra nó đã nằm gọn trong túi quần một ai…
Đó chính là ảo thuật đường phố (street magic).
Nếu những ảo thuật gia sân khấu biểu diễn vì mưu sinh, nuôi lửa nghề thì ảo thuật đường phố đơn giản để… chơi, với tinh thần “nụ cười của khán giả là cát xê nặng đô nhất.”
Tối giản những nghi thức cần có, không veston, không âm thanh, đèn màu sân khấu, người ảo thuật đường phố chỉ lộ mặt khi tham gia diễn ngoài trời. Trong giới, những cái tên đình đám được gọi bằng những nghệ danh nghe cũng vô cùng... huyền bí như Long Kaito, Lee Adrian, J - Joker Boy, Nam Nie, KT Magic…
Một thành viên của nhóm Minishock biểu diễn ảo thuật đường phố |
Không riêng đại gia… chơi
Ảo thuật được xem là bộ môn khoa học nghệ thuật có sự khéo léo trên mười ngón tay khiến rất nhiều người phải “mê mẩn”. Sự thú vị và huyền bí của ảo thuật chính là đạo cụ-mà thường là rất đắt, do đó trước đây là trò chỉ dành riêng cho giới quý tộc, đại gia.
Để thú chơi này đến gần hơn với giới trẻ và đông đảo công chúng, các ảo thuật gia sân khấu dần đem chúng ra biểu diễn trên các hè phố, công viên, chốn công cộng... Từ đó, "street magic" trở thành một thứ nghệ thuật biểu diễn của hè phố.
"Street magic" du nhập vào Việt Nam gần mười năm trở lại đây thông qua các lưu học sinh du học ở nước ngoài và nó trở nên phát triển khi internet phổ biến.
Không cần nhiều dụng cụ và sự chuẩn bị kĩ lưỡng như trên sân khấu, ảo thuật đường phố chỉ dùng đến kĩ thuật của đôi tay và những đạo cụ nhỏ để chinh phục khán giả.
Trên những góc phố, bờ hồ, chỉ cần một bộ bài Tây, mấy đồng xu, sợi dây, điếu thuốc... ảo thuật đường phố có thể thu phục đám đông, đưa họ đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.
Duy Anh (admin của website vietmagician.com, chủ shop ảo thuật Ellusionist) một ảo thuật tài ba biểu diễn "close up magic" (một loại hình biểu diễn cận thân với khán giả trong bàn tiệc, khách sạn) được xem là “cây đa cây đề” ảo thuật đường phố, chia sẻ: “ở Hà Nội hiện nay không thiếu những nhóm bạn biểu diễn ảo thuật tại bờ hồ, vườn hoa, công viên, chợ đêm, đơn thuần chỉ là muốn chứng tỏ khả năng và mang niềm vui lại cho mọi người.
Nhưng họ gặp nhiều khó khăn lắm vì định kiến đây là bộ môn dành riêng giới thượng lưu. Khán giả của mình tuy hiếu kỳ nhưng thiếu sự nhiệt tình và quá đa nghi. Thấy biểu diễn ảo thuật đường phố thì e dè vì tưởng... trò lừa bịp hoặc xem xong sợ bị... đòi tiền.”
Theo Duy Anh, trong cộng đồng "street magician" ở Việt Nam, có đến 95% là người trẻ. Họ đến với ảo thuật thực sự bằng niềm đam mê lớn, với đạo cụ là bộ bài, sợi dây, đồng xu... Người nghệ sỹ không sống bằng nghề, chỉ để chơi, ngẫu hứng với người xem. Trao niềm vui nhận lại nụ cười chính là tinh thần “đại gia” của bộ môn này.
Xôm nhưng thiếu… “chất”
Theo thống kê của Câu lạc bộ ảo thuật phía bắc hiện nay Hà Nội có bốn câu lạc bộ và hàng chục nhóm ảo thuật đường phố, quy tụ hàng trăm thành viên như L.E.A.D, Fun, Code, Bum, Wind…
Hiện nay, diễn đàn Vietmagician “ngôi nhà” chung lớn nhất của cộng đồng ảo thuật đường phố Việt quy tụ của rất nhiều tín đồ yêu ảo thuật. Có người chỉ hiếu kỳ, đam mê khám phá, nhưng cũng có những thành viên đã dày dạn kinh nghiệm và từng đi biểu diễn rất nhiều lần.
Dưới con mắt người thường, khi xem màn biểu diễn của cộng đồng ảo thuật đường phố đó như bữa tiệc đa sắc, sinh động; trong đó biểu diễn tú, đồng xu, hoa, dây, lửa… “hút” người xem nhất.
Chỉ “hô biến”, các “phù thủy” đường phố có thể làm sáng bóng đèn bằng tay, xuất hiện đốm lửa cháy bập bùng, thậm chí là lấy bánh hamburger từ tấm áp phích quảng cáo, xuyên tay qua kính, thay quần áo trong tích tắc hay... ngắt đầu ra khỏi cơ thể chẳng thua kém ảo thuật gia trên sân khấu.
Nhưng với người trong nghề, gắn bó với ảo thuật đường phố Hà Nội như bậc tiền bối ảo thuật gia Bảo Linh hay Hà Khánh, nổi danh là một “phù thủy” thế hệ trẻ, hội viên Hội ảo Thuật IBM Mỹ thì năm năm trở lại đây ảo thuật đường phố Việt phát triển thụt lùi, xôm tụ hơn nhưng lại thiếu lửa và ít… “chất”.
Hà Khánh tâm sự: “Shop ảo thuật hiện nay mọc như nấm sau mưa, đạo cụ được nhập từ Trung Quốc chỉ vài chục, đến hơn trăm nghìn đã bán rẻ bộ môn này. Mua một bộ tú bất cứ ai cũng có thể biểu diễn ảo thuật và vỗ ngực tự xưng mình là ảo thuật gia.
Chính vì thế, không chỉ giá trị ba chữ 'ảo thuật gia' đang bị bóp béo, ngay cả đạo đức của những người làm nghề cũng đang lợi dụng bộ môn này để trục lợi, bỏ tiền vào túi. Ảo thuật đường phố bản chất của nó là sự phóng khoáng, chơi với khán giả không phải vì mục đích thương mại.”
Từ khi xuất hiện, giá trị và lực hấp dẫn của ảo thuật chính bởi sự huyền bí. Trước đây, đó còn là bộ môn bí truyền của sân khấu. Người nghệ sỹ sống nhờ vào đạo cụ, đạo cụ hiếm và đắt đỏ nên anh em nghệ sỹ tự chế cũng chỉ "tự mình mình biết" bí mật của nghề.
"Nhưng thời nay, ai nhiều tiền, sắm đạo cụ xịn thì người đó thành sao ảo thuật. Trong khi đó, có những người cả cuộc đời lăn lóc với nghề nhưng họ chỉ như nốt trầm lặng lẽ. Giới trong nghề có thể biết tiếng nhưng khán giả thì không. Không biết bao giờ giới ảo thuật đường phố mới có sân chơi đúng nghĩa và tìm lại chỗ đứng đúng nghĩa của nó," ảo thuật gia Bảo Linh trăn trở.
Hay giấc mơ “phù thủy” trong lớp người trẻ như Duy Anh, trưởng nhóm societies of secrets: “Ảo thuật đường phố phát triển rất mạnh trên thế giới nhưng ở Việt Nam cho đến nay, nó giống đứa con lai tự lần mò, phát triển một cách hoang dại, thiếu nền nếp và chuyên nghiệp. Chúng tôi chưa có sân chơi đúng nghĩa, không có quá nhiều câu lạc bộ để anh em được giao lưu, trau dồi vốn nghề.
Giới ảo thuật đường phố luôn mơ một ngày khán giả nhìn nhận ảo thuật đường phố như bộ môn nghệ thuật chuyên nghiệp. Chúng tôi sẽ được những sân chơi phát hiện, nuôi dưỡng tài năng để ảo thuật Việt Nam sánh ngang với các nước và ngày càng nhiều khán giả được tiếp cận đến bộ môn này”.