Dân Việt

Hợp tác xã nghề cá lần lượt chết yểu

Hùng Phiên 22/12/2015 17:09 GMT+7
Sự “giãy chết” của các hợp tác xã (HTX) nghề cá ở Phú Yên vẫn đang là câu chuyện phổ biến ở các làng biển nhiều địa phương. Mô hình này phải chăng không còn phù hợp trong phát triển kinh tế biển?

Nhiều hợp tác xã biến mất

“Ở xã này từng có 4 HTX đánh bắt xa bờ. Mỗi HTX đã hoạt động cũng được... cả năm. Các vị chủ nhiệm, giờ người đã mất, người đau yếu, chuyển đi nơi khác. Có vị bị tai biến, không nhớ rõ hồ sơ tài liệu của HTX. Thế nên, mọi người hầu như đều không biết tài sản các HTX này đang nằm ở chỗ nào” - ông Huỳnh Văn Phúc - Chủ tịch UBND xã An Hòa, huyện Tuy An (Phú Yên) nói với chúng tôi.

img

Mô hình hợp tác xã hiện không tồn tại đối với nghề đánh bắt xa bờ ở Phú Yên (chụp tại cảng cá phường 6, TP.Tuy Hòa). Ảnh: Hùng Phiên

Theo “phục dựng” mới nhất của chính quyền An Hòa, 4 HTX nghề cá của xã gồm: HTX An Hòa (lập năm 1997 với 11 thành viên), HTX Thanh Niên (lập năm 1997, 10 thành viên), HTX Hòa Phú (lập năm 1998, 5 thành viên) và HTX Hải Yên (không rõ lập năm nào, bao nhiêu thành viên). Hết thảy các HTX này đều đã “biến mất” cách đây hơn 10 năm, với các lý do: Tàu gặp nạn bị chìm, quản lý yếu kém, thua lỗ, tự tan rã...

Hiện mỗi HTX vẫn còn nợ khoảng 1 tỷ đồng của Quỹ Hỗ trợ đầu tư Phú Yên và Chi nhánh Ngân hàng NNPTNT (Agribank) tỉnh Phú Yên. UBND xã An Hòa đề nghị cấp thẩm quyền xem xét xóa nợ cho các HTX trên. Điều đáng nói, An Hòa không phải là vùng có truyền thống đánh bắt xa bờ. Thực tế, sau vài chiếc tàu xa bờ của các HTX trên “biến mất”, An Hòa hiện có 73 tàu lưới rút gần bờ hoạt động kiểu mạnh nhà ai nấy làm, và không tàu nào có công suất đến 90CV. 

Còn theo UBND phường 6, TP.Tuy Hòa, hàng chục HTX, tổ hợp tác nghề cá tại địa bàn cũng đã “trôi vào dĩ vãng”. Lão ngư Phan Thuẫn - Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường 6 (Tuy Hòa) nhận xét: “Việc vay nguồn tín dụng ưu đãi đánh bắt xa bờ những năm 1997 - 1999 rất… phong trào, vô tư. Các khâu thẩm định cho vay dễ dãi đến mức có người ở miền núi chưa hề biết nước biển mặn hay nhạt cũng được vay vốn đóng tàu, rồi thuê tài công chạy ra biển “biểu diễn” vài chuyến, sau chuyển tàu bán đi đâu không biết!?”.      

Làng biển không “chung chạ”   

  Theo Liên minh Các HTX Phú Yên, tất cả 28 HTX nghề cá (trong đó có 1 HTX nuôi hải sản) ở Phú Yên hiện đã ngừng hoạt động và không có khả năng trả nợ. Các HTX này còn nợ ngân hàng với số tiền gốc hơn 20 tỷ đồng. Số phận của các khoản nợ và tương lai mô hình HTX nghề cá ở địa phương đang được trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.  

Cũng theo ông Phan Thuẫn, thực tế nghề đánh bắt xa bờ ở Nam Trung Bộ, chỉ có hình thức liên kết gia tộc là tỏ ra bền vững nhất. “Lâu nay, góp vốn nghề biển đã có kiểu chia lợi nhuận khá minh bạch, theo từng chuyến biển. Ở Tuy Hòa, có tàu vẫn còn ghi dòng chữ “Tổ hợp tác” nhưng thực chất cũng là tài sản chỉ một gia đình. Tất cả các tàu đánh bắt xa bờ lúc này, nếu không của một cặp vợ chồng, thì cũng là hùn vốn của cha - con, anh - em dòng họ. Việc hùn hạp dừng lại trong gia tộc thôi, chứ hầu như không có chuyện “chung chạ” với người khác họ”- ông Thuẫn cho hay.

Ông Hồ Ngợi - Trưởng Ban nghi lễ lạch Phú Câu (Tuy Hòa) phân tích thêm: “Dân biển vốn ăn sóng, nói gió nên rất khó tham gia vào các mô hình HTX, nhất là khi đụng vào các thứ sổ sách, kế toán thì họ lại càng... e ngại. Người trong dòng tộc thì còn nể nhau, chứ chung đụng vốn liếng với người ngoài thì khi gặp khúc mắc, rất dễ nảy sinh mâu thuẫn”.

Theo một cán bộ UBND phường 6 (Tuy Hòa), bộ máy điều hành các HTX nghề cá thời gian qua ở địa phương, cũng đều là người trong dòng họ, với tài sản là 1 - 2 con tàu hình thành chủ yếu bằng vốn vay. Ví như, cha làm chủ nhiệm, con trai phó chủ nhiệm, con gái kế toán, con dâu trưởng ban kiểm soát, mẹ làm thủ quỹ, các xã viên là con cháu hoặc... bạn nhậu. “Nguyên nhân tan rã các HTX nghề cá vừa qua, cái gốc là mô hình không thuyết phục, nguồn vốn vay quá dễ dãi. Bên cạnh đó, hầu như bộ máy quản lý đều “liệu liệu làm đại”, HTX không tan rã mới lạ. Thế nhưng nếu nhà nước xóa nợ vay kiểu “cho không” đối với các HTX này thì sẽ bị nhiều ngư dân khác phản ứng” - vị cán bộ này nhận xét.

Phó Giám đốc Sở NNPTNT Phú Yên Nguyễn Tri Phương cho hay, sau phong trào lập và tham gia HTX nghề cá, phương tiện đánh bắt hải sản ở tỉnh lúc này đều là sở hữu hộ gia đình hoặc liên kết giữa những người thân quen. Đây cũng là tình trạng chung trong hoạt động nghề cá ở miền Trung. Riêng mô hình Tổ đội tàu đoàn kết khai thác hải sản, chỉ là hoạt động tương trợ cứu hộ trên biển, không liên quan đến kinh tế. Đối tượng vay vốn theo Nghị định 67 hiện cũng chủ yếu là hộ gia đình ngư dân. Gần 200 HTX của tỉnh còn đang hoạt động đều ở các mảng kinh tế không liên quan đến biển.