700 hộ làm kinh tế vườn đồi hiệu quả
Bà Nguyễn Thị Lạc – Chủ tịch UBND xã Đại Hồng cho biết, là xã miền núi nên phần lớn diện tích tự nhiên của Đại Hồng là đồi núi. Đất nông nghiệp ở đây chưa đến 500ha, trong đó đất lúa chỉ 52,34ha, còn lại là đất sản xuất hoa màu và đất đồi núi.
Cây dứa đang phủ xanh đồi núi và mang lại cuộc sống no ấm cho người dân xã Đại Hồng. Ảnh: Đại Nghĩa
“Trong bối cảnh như thế, địa phương chúng tôi xác định cây dứa (thơm), cây keo và hoa màu là các cây chủ lực để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Những năm qua, xã đã tập trung chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, khuyến khích bà con phát triển kinh tế gia trại, kinh tế vườn, nhờ đó nhiều đất hoang hóa, đất đồi gò trở thành vườn đồi tươi tốt.
Những mảnh đất đồi núi dọc Quốc lộ 14B từ xã Đại Hồng đến thị trấn Thạnh Mỹ (Nam Giang), giờ đây đâu đâu cũng phủ màu xanh của cây dứa, cây keo, mang lại thu nhập kinh tế cao cho người dân địa phương...” – bà Lạc chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Lê Phương (48 tuổi, xã Đại Hồng) cho biết, dứa là loại cây trồng rất thích hợp với đất đồi núi nên cho năng suất cao. Đa phần nông dân Đại Hồng đều trồng dứa trên đất đồi. “Từ chỗ khó khăn, vợ chồng tôi miệt mài với 4ha cây dứa mà đi lên khá giả. Mỗi năm trừ các chi phí thuê nhân công, phân bón…, gia đình tôi lãi hơn 120 triệu đồng. Nhờ vậy mà có tiền trang trải cuộc sống và nuôi 3 đứa con ăn học” – bà Phương nói.
Ông Nguyễn Bá Hiến – Chủ tịch Hội Nông dân xã Đại Hồng cho hay, hiện nay toàn xã có 700 hộ làm kinh tế vườn đồi trồng dứa và keo, nhờ thế hơn 1.000ha đất đồi gò dọc Quốc lộ 14B từ Đại Hồng đi qua Đại Sơn, rồi lên tới thị trấn Thạnh Mỹ (Nam Giang) được phủ bởi một màu xanh mơn mởn.
Không “ngủ quên”trên thành tích
" Năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã trên 22%, thu nhập bình quân đầu người chỉ hơn chục triệu đồng/người/năm. Sau gần 5 năm xây dựng NTM, tỷ lệ hộ nghèo của Đại Hồng giảm còn 2,72%, thu nhập bình quân đầu người gần 23,5 triệu đồng/người/năm”. |
Theo ông Hiến, dân Đại Hồng không những phát triển kinh tế vườn đồi hiệu quả mà còn mở rộng ra địa phương khác. Nhiều hộ đã lên xã Đại Sơn (Đại Lộc), thị trấn Thạnh Mỹ (Nam Giang) thuê đất lập những rừng dứa hàng trăm ha. Ngoài dứa, người dân Đại Hồng còn trồng keo. “Mỗi gia đình có 2-3ha dứa hoặc keo, thì mỗi năm cầm chắc lãi ròng 40-45 triệu đồng” – ông Hiến nói.
Theo bà Nguyễn Thị Lạc, cuộc sống được như hôm nay là nhờ phong trào xây dựng NTM, vừa phát triển sản xuất vừa mang lại cơ sở hạ tầng khang trang. Các trường học đạt chuẩn quốc gia, trạm y tế đầu tư xây dựng mới, đường giao thông nông thôn sạch đẹp... Bà Lạc chia sẻ: Đại Hồng là xã NTM, là niềm tự hào của hệ thống chính trị và người dân. Tuy nhiên, chúng tôi không ngủ quên trong chiến thắng. Chính quyền cùng người dân sẽ tiếp tục phát triển kinh tế, đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm nâng cao các tiêu chí đã đạt được để mang lại cuộc sống ấm no, phồn thịnh cho người dân.
Ông Trần Văn Mai - Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho rằng, NTM đã mang lại sự thay đổi tốt đẹp cho người dân Đại Hồng. “Đến nay Đại Lộc đã có 6 xã đạt chuẩn NTM. Chúng tôi phấn đấu đến năm 2020 sẽ đạt huyện NTM và lấy các điểm sáng như Đại Hiệp, Đại Hồng, Đại An... để khuyến khích và nhân rộng cho các xã còn lại, qua đó đẩy nhanh quá trình thực hiện NTM trên toàn huyện” – ông Mai cho biết.