Rủ nhau rời làng
Đã ngoài 80 tuổi, sức khoẻ rất yếu nhưng ông Chau Em vẫn phải sống lẻ loi trong căn nhà lá tồi tàn ở cuối ấp Srây Skốth, xã Văn Giáo. Hàng ngày, ông phải nhờ người dân cùng xóm sang nhà nấu cơm giúp. “Vì cuộc sống, con cháu tôi đã đi Bình Dương làm thuê hết rồi, mỗi năm chỉ về vào dịp Tết Nguyên đán rồi vội vã ra đi. Nhiều lúc nhớ con, nhớ cháu đến phát khóc” - ông Chau Em buồn rầu kể.
Ông Chau Sal có đến 6 người con đi làm ăn xa. Ảnh: Nguyễn Lan
Cùng hoàn cảnh như ông Chau Em, ông Chau Sal (ngụ cùng ấp) có đến 6 người con nhưng tất cả đều đi làm thuê tại Đồng Nai. Hằng ngày, ngoài việc ra ruộng chăm sóc 1.000m2 lúa, ông chỉ có niềm vui duy nhất là lo cho đứa cháu mà con ông gửi lại. Ông Chau Sal nói: “Phải chịu thôi, nếu các con tôi ở nhà thì không có việc gì làm, không nuôi nổi bản thân, lấy tiền đâu mà lo cho gia đình, lo cho cháu tôi đi học”.
Theo phóng viên tìm hiểu, có đến 200/500 hộ ở ấp Srây Skốth có người thân, con cái phải rời khỏi địa phương để kiếm sống tại các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An... “Trong 200 hộ này, phần lớn là hộ nghèo, không đất sản xuất. Số người đi làm ăn xa sẽ ngày càng tăng” - ông Chau Phinh - Trưởng ấp cho biết.
“Đói” vốn sản xuất
" Bà con muốn chăn nuôi bò thì chỉ được vay 10 triệu đồng/hộ, trong khi 1 con bò giống giá lên tới 30 – 40 triệu đồng”. |
Không chỉ ấp Srây Skốth mà các ấp khác như Văn Râu, Mằng Gò thuộc xã Văn Giáo có số lao động rời bỏ địa phương chiếm trên 45% dân số. Văn Giáo là xã đặc biệt khó khăn với 75% dân số là đồng bào dân tộc Khmer.
Ông Trịnh Tấn Lực - Chủ tịch UBND xã cho hay: “Bà con chủ yếu trồng lúa, đậu phộng, chăn nuôi bò nhưng mấy năm gần đây giá cả lại bấp bênh làm cuộc sống người dân càng thêm khó. Vì vậy, người dân, nhất là thanh niên trẻ buộc phải đi nơi khác kiếm sống. Hơn nữa, trên địa bàn xã lại không có doanh nghiệp nào”.
Cũng theo ông Lực, thời gian qua, xã Văn Giáo được ưu tiên đầu tư từ các chương trình, dự án của Chính phủ dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, theo đó việc đi lại của bà con đã trở nên thuận lợi. Tuy nhiên, vấn đề giúp bà con thoát nghèo (tỷ lệ hộ nghèo trên 30%) thì vô cùng khó khăn, bởi mức vay từ các chương trình còn thấp, bà con lại không có đất sản xuất, các lớp dạy nghề cũng không phát huy hiệu quả.