“Với Sơn La, cây cà phê đang cần doanh nghiệp chung tay vào hành trình từ đầu tư sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Chúng tôi đang tham mưu cho tỉnh ban hành những chính sách đặc thù với loại nông sản này” – ông Hoàng Văn Tởn – Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NNPTNT tỉnh Sơn La) chia sẻ.
Nhiều bản làng giàu lên từ cây cà phê
Trong các tỉnh Tây Bắc, Sơn La hiện là tỉnh dẫn đầu về diện tích và sản lượng cà phê. Theo ông Hà Quyết Nghị - Giám đốc Sở NNPTNT, diện tích cà phê của Sơn La đến cuối năm 2015 là 11.706ha, tăng 3,6% so với năm 2014 và trở thành cây công nghiệp có diện tích lớn nhất tỉnh, với sản lượng cà phê nhân đạt tới 13.500 tấn, tương đương gần 70.000 tấn quả tươi mỗi năm. Diện tích và sản lượng cà phê của Sơn La vẫn đang tăng lên hàng năm. Nhờ cây cà phê, đã có hàng ngàn hộ nông dân thoát khỏi đói nghèo và vươn lên thành hộ khá giả.
Gia đình ông Lèo Văn Toan - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hua La (TP.Sơn La) mỗi năm có nguồn thu ít nhất 50 triệu đồng từ 1ha cà phê. Ảnh: Kiều Thiện
Đến với bản Trăm Viên của đồng bào Thái thuộc xã Chiềng Ve, huyện Mai Sơn, chúng tôi gặp anh Lò Văn Tiến đang thu hoạch cà phê. Anh bảo: “Cây cà phê đã giúp cả bản này thoát nghèo. So với canh tác lúa nương, ngô, sắn, chúng tôi có thu nhập tăng 3-6 lần nhờ trồng cây cà phê. Như ở thời điểm hiện nay, với giá 6.000 đồng/kg quả tươi thì 1ha cà phê cũng thu về gần 80 triệu đồng. Những hộ làm tốt thì đạt hơn 100 triệu đồng/ha. Cũng có những năm cà phê quả tươi lên tới 12.000-15.000 đồng/kg thì dân trồng cà phê coi như hốt bạc. Từ khi cả bản này khá lên nhờ cây cà phê thì diện tích ngô, sắn trong xã thu hẹp nhanh chóng và cây cà phê mở rộng rất nhanh.
Không chỉ ở Trăm Viên mà nhiều bản làng khác ở Sơn La như tại xã Chiềng Ban, Chiềng Mai, Chiềng Mung, Hát Lót (huyện Mai Sơn); Hua La, Chiềng Sinh, Chiềng Ngần, Chiềng Đen, Chiềng Cọ (TP. Sơn La); Bon Phặng, Tông Lạnh, Phỏng Lái (Thuận Châu)... đã hình thành vùng nguyên liệu chủ lực về cây cà phê với những cánh đồng rộng từ vài trăm tới cả ngàn ha; rất thuận lợi cho việc chăm sóc, thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm. T
ại xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, nơi đang có hơn 70% số hộ trồng cà phê và là một trong 3 xã đầu tiên của Sơn La được công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới, ông Lèo Văn Hặc (dân bản Nong Nưa) cho biết: Chiềng Ban là vùng đất khô cằn bởi không có nước để làm ruộng. Người Chiềng Ban ngày trước hầu hết đói nghèo quanh năm.
Nhưng từ năm 1996 trở lại đây, khi người dân tham gia trồng cà phê thì cuộc sống đã khác rất nhiều. Nhà tôi cũng đã thành một hộ chuyên sản xuất cà phê, từ 1ha ban đầu, đến nay tôi đã có 4ha, sản lượng quả hàng năm khoảng 50-60 tấn. Năm ngoái được giá quả tươi, gia đình tôi thu lãi gần nửa tỷ đồng. Hàng ngàn hộ khác ở xã này, hộ nào ít cũng có nửa ha, hộ nhiều tới 7-8ha nên đời sống bà con thay đổi nhanh lắm; có không ít hộ chỉ sau một mùa cà phê là thành tỷ phú rồi.
Phát triển cà phê thành “nông sản xương sống”
Chúng tôi sẵn sàng giải đáp những thắc mắc cũng như bắt tay chào đón, tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động này. Mời các doanh nghiệp liên lạc với tôi theo số điện thoại: 0912146299 hoặc email: hoangtonsnn@gmail.com. Hy vọng chúng tôi sẽ là những cầu nối tốt cho họ trong hoạt động đầu tư sản xuất cũng như kinh doanh nông sản trên địa bàn Sơn La”. |
Mặc dù đang thiếu những doanh nghiệp có đủ thế và lực tham gia phát triển cây cà phê ở Sơn La, nhưng theo ông Phùng Như Đoán - nguyên Phó Giám đốc Công ty Cà phê- Cây ăn quả Sơn La, từ đầu thập kỷ 90, Sơn La đã đầu tư phát triển cây cà phê cho người dân và hướng để cà phê trở thành cây công nghiệp chủ lực.
Trong sự phát triển ấy, Sơn La quan tâm hình thành những vườn ươm giống để đồng bộ loại giống cà phê chè-catimo có chất lượng ngon nhất. Hàng trăm cán bộ kỹ thuật của công ty đã tỏa xuống các huyện, xã - những nơi có lợi thế về khí hậu và đất đai để phát triển cà phê, tập huấn khuyến nông, cầm tay chỉ việc…
Vì thế, dù hơn 10 năm nay, Công ty Cà phê - Cây ăn quả Sơn La không còn hoạt động nhưng những kiến thức, kỹ thuật ấy đã “nằm lòng” trong nhiều người dân, tác động tích cực tới việc phát triển vùng nguyên liệu cũng như xây dựng thương hiệu cà phê sau này của Sơn La.
Ông Hoàng Văn Tởn thông tin thêm: “Cây cà phê ở Sơn La vẫn còn tiếp tục tăng trưởng mạnh cả về diện tích, sản lượng cũng như chất lượng sản phẩm. Hiện ngành chúng tôi là đơn vị tham mưu cho tỉnh về việc xây dựng những cơ chế thu hút đầu tư đặc thù sao cho vùng nguyên liệu cà phê thật sự trở thành “thỏi nam châm” thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư tất cả các khâu: Sản xuất, chăm sóc, thu mua, sơ chế và tiêu thụ nguyên liệu. Năng suất cà phê ở Sơn La hiện mới đạt ở mức trung bình nên nếu được thâm canh tốt, sản lượng còn tăng lên hơn rất nhiều và chất lượng quả nhờ đó cũng được nâng lên”.
Đến xã Chiềng Cọ, chúng tôi gặp bà Tòng Thị Bó - Bí thư Đảng ủy xã, được bà cho biết: Vừa qua, với sự chỉ đạo trực tiếp của ông Hoàng Văn Chất - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nên Chiềng Cọ đã được đầu tư một dây chuyền tưới ẩm theo công nghệ sản xuất cà phê sạch của Israel và đang thử nghiệm trên 10ha. Qua vụ đầu tiên cho thấy, sản lượng cà phê tăng lên hơn 15% và chất lượng quả cũng tăng lên rất nhiều. Đây là công nghệ tiền tỷ mà tỉnh đầu tư cho chúng tôi, qua đó thấy rõ sự quan tâm của tỉnh với nông dân trồng cà phê và mang lại nhiều hy vọng cho cây cà phê phát triển tốt hơn.
Ông Nguyễn Hữu Tăng - Chủ tịch Liên minh Các hợp tác xã tỉnh Sơn La chia sẻ thêm: Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Văn Chất đã chỉ đạo chúng tôi phải xây dựng được những mô hình hợp tác xã đủ mạnh tại các vùng nguyên liệu cà phê. Đây sẽ là lực lượng xương sống của nông dân vùng nguyên liệu trong việc điều tiết các hoạt động liên quan tới sản xuất, chăm sóc, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cà phê. Tới đây, khi các doanh nghiệp khác vào thu mua nông sản sẽ chỉ làm việc với các hợp tác xã này.
“Tỉnh rất mong muốn các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia vào lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ cà phê. Chắc chắn các doanh nghiệp sẽ được tỉnh Sơn La chào đón nồng nhiệt với những cơ chế thuận lợi” - ông Tăng nói.