Là người đàn ông được phái đẹp yêu mến và ngưỡng mộ nhưng theo đạo diễn Trần Lực thì anh chỉ “đào hoa trên màn ảnh”. Nếm trải tình yêu qua những vai diễn, cộng thêm khá nhiều thăng trầm trong cuộc sống hôn nhân, Trần Lực đã phải đấu tranh rất nhiều để có được hạnh phúc ngày hôm nay.
Với chủ đề “Khi đàn ông không ghen”, anh đã có những chia sẻ thật thú vị với chúng tôi:
Đàn ông "không ghen" hay "ghen"?
- Theo anh thì có khoảng bao nhiêu phần trăm trong số đàn ông các anh không ghen?
Với suy nghĩ của tôi, thì 99% đàn ông ghen, còn lại 1% không ghen vì… không bình thường.
- Nói như quan điểm của anh thì nếu không ghen tuông, tình yêu sẽ thiếu vị hấp dẫn ư?
Đúng vậy, trong tình yêu có một chút ghen tuông (ghen có chừng có mực, vừa phải) thì người được ghen sẽ có cảm giác thích thú, thấy được yêu và chút gì đó lãng mạn. Nhưng lúc nào cũng ghen thì “xong phim”. Cả người ghen và người được ghen sẽ thấy mệt mỏi và dẫn đến chán nản, lúc ấy thì không phải là thi vị nữa mà là cực hình, áp lực và lo sợ.
- Vậy khi yêu, anh bộc lộ sự ghen tuông của mình trong những tình huống như thế nào?
Khi yêu (chưa cưới), những người đàn ông (như tôi) chỉ ghen khi nàng có hành vi "à ơi" đàn ông khác hay những người đàn ông khác "à ơi" cô nàng của mình, và nàng cũng rộng mở đáp lại (dù chỉ là hành vi mang tính xã giao), nói chung là mất lòng tin. Thế là ghen.
Khi đàn ông không ghen có thể với nhiều lý do: luôn tin tưởng vào tình yêu của hai người, rất tự tin vào bản thân, luôn chung thuỷ…
- Riêng anh thì lý do nào có vẻ được coi là hợp lý nhất?
Như tôi đã nói, 99% đàn ông là ghen và có muôn vàn lý do để người ta ghen, mỗi người một kiểu ghen chứ không thể không ghen. Việc tin tưởng, tự tin, chung thủy là những tố chất cần thiết trong tình yêu của hai người, nhưng không phải vì thế mà không có những cơn ghen.
Với tôi, những lý do trên đều hợp lý nhưng cũng chưa hợp lý. Để đàn ông "có thể" không ghen, mỗi giai đoạn lại có điểm khác nhau. Ví dụ: khi yêu thì luôn tin tưởng vào tình yêu của 2 người. Khi đã là vợ chồng: luôn chung thủy. Khi lấy vợ lần 2, lần 3…: rất tự tin vào bản thân.
- Áp dụng lý thuyết này, theo anh thì phải chăng khi đàn ông không ghen, cũng có nghĩa họ đã không còn yêu người đó?
Đúng thế, khi đã không còn yêu thì “ghen” biến đâu mất, thế mới lạ …
- Là người “truân chuyên” trong tình yêu, trải qua khá nhiều cuộc tình, đã khi nào anh không ghen?
“Ghen” chỉ dành cho những người yêu nhau mãnh liệt. Với tôi cũng thế, chỉ khi yêu mới ghen, còn yêu kiểu chỉ thích thích nhau thì…vô tư, chả có gì phải ghen tuông mệt đầu mà tốt nhất tìm người khác.
Trong cuộc sống gia đình lại khác, khi đã là vợ chồng, hai người sống với nhau không phải chỉ có yêu (nếu còn) mà sống vì trách nhiệm, với con cái và tôn trọng nhau là chính. Tuy nhiên, phái nữ cũng nên đề phòng với cơn ghen của các ông chồng. Nhiều khi không thật đâu!
Đàn ông rất giỏi tạo không khí lãng mạn trong cuộc sống vợ chồng. Đôi khi cuộc sống đang yên bình, những người đàn ông tinh tế có thể tạo ra một cơn ghen ảo để làm ấm cuộc sống gia đình, hâm nóng tình yêu, cảm xúc cũng như khuấy động lại những gì đang bắt đầu đi vào sự nhàm chán.
- Yêu và luôn tin tưởng người phụ nữ của mình để tâm được yên, đồng thời cất đi cảm giác ghen tuông khó chịu, phải chăng đó là cách anh đang áp dụng để kiến tạo hạnh phúc sau những thăng trầm hôn nhân của chính bản thân?
Hãy sống tốt với người mình yêu để luôn tự tin vào bản thân, khi đã sống tử tế thì cảm giác ghen tuông sẽ không làm cho bạn âu sầu, khổ sở.
"Ghen" trong vai diễn
- Trong nghề phim, anh đã để lại những vai diễn ấn tượng dù ở những vai diễn đó, anh cũng không ghen. Anh nghĩ sao về con người ngoài đời và trong phim rất khác biệt của mình?
Phim ảnh luôn vậy, hình ảnh người đàn ông mạnh mẽ và độ lượng luôn làm khán giả ngưỡng mộ. Họ ngưỡng mộ vì ngoài đời làm gì có những người đàn ông không ghen, lại còn rất độ lượng tha thứ cho sự phản bội của tình yêu. Phim mà… (cười)
Tôi nhớ vai Lục trong phim Chuyện tình bên dòng sông của đạo diễn Đức Hoàn. Lục là anh chàng đi bè sông nước, thô kệch và thật thà, có cô vợ xinh đẹp mê ca hát và mê chàng phụ trách văn nghệ trong vùng.
Một lần, bắt quả tang anh ả ngồi tình tự với nhau ở lò gạch, thế là Lục "thượng cẳng chân hạ cẳng tay" với anh chàng văn nghệ kia. Trong cơn ghen đó, Lục cũng dành cho vợ một trận đòn. Ghen của người đàn ông chân chất đơn giản là vậy, và vì chân chất nên Lục đã bỏ qua cho vợ những sai lầm rồi sau đó hai người tiếp tục sống hạnh phúc. Phim kết rất có hậu…
Trong vai Tuấn - phim “Trở về” của đạo diễn Đặng Nhật Minh thì khác. Tuấn (tôi đóng) là chàng sinh viên du học ở nước ngoài về, yêu và lấy Loan (cô giáo dạy cấp 3) làm vợ. Khi họ yêu nhau, Loan kể cho Tuấn nghe về mối tình với anh của cô giáo cùng trường. Cuộc tình của họ không đi đến đâu vì chàng trai kia vượt biên.
Khi biết chuyện, Tuấn đưa Loan đến ngôi nhà bên sông (nơi Loan và người đàn ông kia hạnh phúc bên nhau). Ở đó, mặc cho Loan cảm thấy đau lòng, Tuấn không quan tâm. Họ qua đêm với nhau ở đó. Sáng hôm sau, Tuấn cảm thấy khoan khoái trong lòng, sự ghen tuông đã không còn trong anh ta nữa. Họ cưới nhau và chẳng còn ghen nhau nữa, cuối cùng thì chia tay đường ai nấy đi.
Ghen tuông kiểu sâu sắc quá cũng mệt và có lúc dẫn đến làm tổn thương nhau, điều đó thật đáng sợ…
- Với chủ đề “Khi đàn ông không ghen” anh có thể khái quát thế nào về sự không ghen ấy trong tình yêu của người đàn ông?
Chẳng có người đàn ông nào khi yêu lại không ghen. Phần lớn là “choảng” cho một nửa kia của mình một trận tơi bời khói lửa kèm theo một số câu khó nghe. Số ít thì chín chắn hơn, ghen “có văn hóa” hơn với những lời nhiếc móc nhẹ nhàng hơn, âm lượng bé hơn, nhưng những câu từ dễ nghe ấy lại cay độc hơn, nghiệt ngã hơn và làm nửa kia của mình đau khổ hơn…
Nói tóm lại, đã yêu thì “ghen” luôn thường trực trong cả 2 người nam và nữ. Ghen là biểu hiện của tình yêu. Khi đàn ông không ghen thì tình yêu đích thực đâu còn nữa, làm phim về loại đàn ông này thì khó kéo được khán giả đến rạp vì phàm những người như vậy sống hời hợt và không có cảm xúc. Mẫu nhân vật như thế làm sao hấp dẫn được.
- Bộ phim anh đạo diễn sắp ra mắt “Làm chồng đại gia” có nhiều cảnh đàn ông “ghen” vô cùng thú vị. Một trong số kỷ niệm khó quên về quá trình làm phim ấy là gì?
“Làm chồng đại gia” là phim tâm lý – xã hội. Các nhân vật trong phim mỗi người một số phận, một hoàn cảnh, cuộc sống khác nhau… Họ sống làm việc trong không gian đầy ắp tình người. Phim không thể thiếu được những tình huống “đời” nhất, những màn ghen tuông của người chồng trí thức với cô vợ thành đạt giỏi giang xinh đẹp; là cú sốc ghen tuông đến điên loạn của cô vợ chân dài với anh chồng quý phái; là sự cay cú kiểu trẻ con vì ghen của đôi bạn trẻ yêu nhau thắm thiết...
Tất nhiên còn có kiểu ghen của người yêu đơn phương như anh chàng cửu vạn bê vác thuê ở chợ đầu mối, ghen bóng ghen gió cô bạn là ô sin với em trai ông chủ… Tóm lại, “ghen” luôn làm cho cuộc sống thi vị, làm cho cuộc sống đẹp hơn. Nhưng nếu ghen quá đà, không kiểm soát nổi thì…hết phim.