Giới chức Mỹ và Canada đã cam kết hợp tác với Trung Quốc để theo dõi và hồi hương các nghi phạm đang bị Bắc Kinh truy nã. Tuy nhiên, theo Reuters, cam kết đó dường như có rất nhiều giới hạn.
Cho đến nay, Mỹ và Canada mới chỉ hồi hương một nghi phạm tham nhũng Trung Quốc. Một nữ nghi phạm khác ở Mỹ tình nguyện trở về nước và ít nhất 1 người khác đang ở trong trung tâm tạm giữ người nhập cư để chờ bị trục xuất.
Nghi phạm đang bị giam giữ chờ hồi hương tại Mỹ, Yang Xiuzhu, 69 tuổi cho biết, bà đến Mỹ bằng hộ chiếu giả và hiện đang cố gắng nộp đơn xin tị nạn. Ảnh chụp Yang Xiuzhu đang đọc báo khi còn ở Ôn Châu, Chiết Giang, Trung Quốc năm 2001.
Trung Quốc đã công bố danh sách 100 nghi phạm đã bỏ trốn ra nước ngoài và phát động Chiến dịch Lưới trời để truy bắt họ hồi tháng 4. 46 trong số 100 nghi phạm này được cho là đang sống ở Mỹ và Canada.
Ông Liu Jianchao, một quan chức Trung Quốc phụ trách việc hồi hương các nghi phạm tham nhũng cho hay, 17 trong số 100 nghi phạm trong danh sách Lưới trời đã được hồi hương từ chủ yếu những nước có quan hệ gần gũi với Trung Quốc bao gồm Singapore, Malaysia, Campuchia hay Uganda.
Theo Reuters, không ít nghi phạm trong danh sách mà Bắc Kinh công bố đang sống ở Bắc Mỹ, chẳng hạn doanh nhân Wei Chen ở Florida (Mỹ) hay Wang Qingwei sống ở British Columbia (Canada). Họ có cuộc sống yên ổn, công khai, chưa từng bị các nhà chức trách triệu tập vì là người nhập cư hợp pháp và vì cả Mỹ lẫn Canada đều không ký hiệp ước dẫn độ với Trung Quốc.
“Bản danh sách đó (Lưới trời) có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của tôi. Tuy nhiên, tôi vẫn sống bình thường, không lẩn trốn, mai danh ẩn tích. Tôi không rõ 99 người khác như thế nào. Riêng tôi không làm những chuyện mà họ vu cho tôi”, ông Chen, được công nhận là công dân Mỹ từ năm 2005 cho hay.
Giới chức Mỹ nhấn mạnh rằng, phía Trung Quốc cần phải cung cấp cho họ bằng chứng phạm tội đầy đủ của các nghi phạm thì họ mới có cơ sở để xem xét việc trục xuất hoặc hồi hương. Một cựu quan chức an ninh của Mỹ tiết lộ, cho đến nay Bắc Kinh gần như không cung cấp thông tin và các bằng chứng như vậy cho phía Mỹ.
Doanh nhân Chen bị cáo buộc biển thủ công quỹ khi làm việc cho tập đoàn nhà nước Haomen. Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters, ông này phủ nhận mọi cáo buộc. Chen tuyên bố, ông bị buộc tội sai bởi sự suy giảm chung của Tập đoàn Haomen.
Doanh nhân này cho hay, sau khi biết mình có tên trong danh sách truy nã của Trung Quốc, ông nghĩ sẽ bị giới chức Mỹ triệu tập song chuyện đó đã không xảy ra. Ông chỉ nhận được một cuộc gọi từ một quan chức chống tham nhũng của Trung Quốc hồi tháng trước.
Chen cho hay, quan chức Trung Quốc đó không thông báo chi tiết về lý do tại sao ông lại bị liệt vào danh sách truy nã.
Trong khi đó, Huang Hong, vợ cũ của doanh nhân Chen cũng nằm trong danh sách Lưới trời. Chen khẳng định, Huang Hong cũng đang ở Mỹ và bà này chưa bị giới chức Mỹ hoặc Trung Quốc “sờ gáy”. Chen cho hay, bà Hong chưa bao giờ làm việc tại Tập đoàn Haomen và không biết vì sao vợ cũ cũng bị Bắc Kinh truy nã.
Còn ông Wang Qingwei, nghi phạm đang bị Bắc Kinh truy nã hiện sống Canada và điều hành một trang trại trồng nấm ở thị trấn Chilliwack, British Columbia. Khi phóng viên Reuters tới gặp Wang, ông đang vắng nhà. Tuy nhiên, anh trai của ông này xác nhận, Wang có trong danh sách Lưới trời, song chưa bị giới chức Canada triệu tập.
Người anh của Wang cũng cho hay, Wang thực tế chỉ là một nông dân trồng nấm và khẳng định, không biết vì sao em trai lại bị liệt vào danh sách truy nã của Bắc Kinh.
Một nghi phạm khác Bắc Kinh đang truy lùng sống ở Seattle (Mỹ), trong một căn hộ tương đối khiêm nhường cho hay, ông không muốn công khai danh tính vì sợ sẽ làm phức tạp thêm tình hình của mình hiện nay. Vợ ông, người mở cửa đón hai phóng viên Reuters tới phỏng vấn cho hay, ông này chưa hề bị chính quyền Mỹ hoặc Trung Quốc triệu tập.