Dân Việt

Công tác nhân sự cho ĐH Đảng XII: "Kỳ vọng đủ tầm cao trí tuệ, phẩm chất đạo đức"

Lương Kết (thực hiện) 23/12/2015 08:07 GMT+7
“Nghiên cứu kỹ về lịch sử Đảng, tôi thấy trước đây, vấn đề nhân sự thường do Tiểu ban Nhân sự chuẩn bị, sau đó đưa ra Bộ Chính trị và thông qua ở Ban Chấp hành T.Ư, không có thảo luận nhiều. Kỳ này công tác nhân sự đã được Ban Chấp hành T.Ư làm hết sức công phu, nghiêm túc, thể hiện trách nhiệm cao trước Đảng và nhân dân”.

PGS - TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng khẳng định như vậy với NTNN chiều 22.12.

Thưa ông, tại Hội nghị T.Ư lần thứ 13 (bế mạc ngày 21.12), Ban Chấp hành (BCH) T.Ư đã bỏ phiếu thông qua danh sách nhân sự vào BCH T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhiệm kỳ mới. So với các kỳ đại hội trước, ông thấy công tác cán bộ ở kỳ này có nét gì mới?

img

PGS - TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng

- Tại nhiệm kỳ Đại hội khóa XI, từ rất sớm các đồng chí trong Bộ Chính trị và BCH T.Ư đã đặc biệt quan tâm, chú ý đến công tác quy hoạch cán bộ. Đặc biệt là việc quy hoạch cán bộ BCH T.Ư của khóa mới đã được đề cập khá sớm, quy hoạch ở cấp chiến lược.

Quy hoạch cán bộ được chỉ đạo trong toàn Đảng, tất cả các cấp đều phải quy hoạch nhưng đặc biệt nhấn mạnh đến việc quy hoạch cán bộ cấp chiến lược theo đúng tinh thần của Hội nghị T.Ư 4 khóa XI (xây dựng đội ngũ lãnh đạo quản lý các cấp, đặc biệt là cấp chiến lược). Nghiên cứu về các kỳ Đại hội Đảng đã qua, tôi thấy đây là vấn đề hoàn toàn mới.

Tiếp sau đó, những người được quy hoạch vào cán bộ cấp chiến lược đều phải đi học lớp dự nguồn cán bộ ở cấp cao do Bộ Chính trị chỉ đạo. Chúng ta đã mở 6 lớp tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, mỗi lớp có khoảng hơn 90 người, học trong 4 tháng. Qua 6 lớp học như vậy, chúng ta có được khoảng 500 cán bộ. Họ đều là người có năng lực, trình độ, có kinh nghiệm công tác, trẻ và đều nằm trong quy hoạch. Sau này tôi theo dõi thấy những người này đều được đưa vào diện quy hoạch.

Việc sàng lọc, lựa chọn cán bộ cấp chiến lược có điểm gì mới tại các Hội nghị T.Ư vừa qua?

- Qua mấy hội nghị, BCH T.Ư đều đặt vấn đề lựa chọn cán bộ có năng lực, phẩm chất. Đặc biệt ở Hội nghị T.Ư lần thứ 11, phát biểu bế mạc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu ra nguyên tắc lựa chọn những người đã trong quy hoạch để giới thiệu vào BCH T.Ư khóa mới.

Cụ thể: Không được để lọt vào BCH T.Ư khóa mới những người đã phạm một trong những điểm mà T.Ư nêu ra, như: Thiếu bản lĩnh chính trị, thiếu ý chí nghị lực, thiếu niềm tin vào con đường đấu tranh cách mạng, phạm phải vấn đề như tham nhũng, lãng phí...

Có thể nói vấn đề công tác cán bộ được Hội nghị T.Ư lần thứ 11 nêu ra còn có ý nghĩa chỉ đạo cho Đại hội Đảng các cấp ở các địa phương. Sau đó đến Hội nghị T.Ư lần thứ 12, BCH T.Ư đã đưa ra danh sách những người được giới thiệu vào T.Ư khóa XII tới. Danh sách đó được BCH T.Ư bỏ phiếu sơ bộ, danh sách gồm những người ứng cử vào chức danh Ủy viên T.Ư chính thức, Ủy viên T.Ư dự khuyết.

Rồi tiếp đó, những đồng chí trong BCH T.Ư đã viết phiếu thăm dò ai sẽ là Ủy viên Bộ Chính trị, ai tham gia Ban Bí thư... Việc thăm dò được làm rất chặt chẽ, bài bản. Tôi được biết các đồng chí trong BCH T.Ư khi thảo luận còn rà soát tiêu chuẩn của từng người được dự kiến sẽ vào BCH T.Ư khóa tới. Đến Hội nghị T.Ư lần thứ 13, BCH T.Ư mới bỏ phiếu chính thức để giới thiệu danh sách Ủy viên T.Ư (chính thức và dự khuyết), Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII.

"Vấn đề quy hoạch cán bộ được chỉ đạo trong toàn Đảng, tất cả các cấp đều phải quy hoạch nhưng đặc biệt nhấn mạnh đến việc quy hoạch cán bộ cấp chiến lược... Nghiên cứu về các kỳ Đại hội Đảng đã qua, tôi thấy đây là vấn đề hoàn toàn mới”.

PGS - TS Nguyễn Trọng Phúc

Tôi thấy quy trình cán bộ làm như vậy là rất nghiêm túc, công khai và bài bản trong T.Ư và trong Đảng. Tôi nghiên cứu lịch sử Đảng thấy trước đây vấn đề nhân sự thường chỉ do Tiểu ban Nhân sự chuẩn bị, sau đó đưa ra Bộ Chính trị và thông qua ở BCH T.Ư, không có thảo luận nhiều. Kỳ này công tác nhân sự được T.Ư làm hết sức công phu, nghiêm túc, thể hiện trách nhiệm cao trước Đảng và nhân dân.

Cá nhân ông kỳ vọng gì vào đội ngũ lãnh đạo chủ chốt khóa tới?

- Nghiên cứu kỹ quá trình xây dựng Đảng và lãnh đạo của Đảng, tôi nghĩ sau khi đã có cương lĩnh, đường lối đúng đắn thì vấn đề còn lại là công tác cán bộ. Tôi muốn nhắc lời của Bác Hồ: Cán bộ là gốc của mọi công việc. Do đó việc đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện, lựa chọn cán bộ là công việc gốc của Đảng.

Trước Đại hội lần thứ XII của Đảng, công tác cán bộ được làm nghiêm túc như phân tích ở trên nên tôi hy vọng nhất định Đại hội XII, chúng ta sẽ lựa chọn được BCH T.Ư và ban lãnh đạo mới. Đương nhiên đó sẽ là một đội ngũ có sự kế thừa và phát triển chứ không phải hoàn toàn mới, nhưng tôi hoàn toàn tin tưởng đội ngũ cán bộ này có đủ tầm cao trí tuệ, phẩm chất đạo đức, trách nhiệm trước dân, trước Đảng để có thể đưa đất nước và dân tộc ngày càng phát triển hơn nữa.

Xin cảm ơn ông!

Thông báo tới các đoàn ngoại giao về Đại hội Đảng XII

Ngày 22.12, Ban Đối ngoại T.Ư đã tổ chức cuộc thông báo về Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam tới Đoàn ngoại giao và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Theo đó, Đại hội sẽ diễn ra từ ngày 20 - 28.1.2016 tại Thủ đô Hà Nội.

Chủ đề của Đại hội XII là: Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Tham dự Đại hội có 1.510 đại biểu, đại diện cho hơn 4,5 triệu đảng viên.

                Hải Phong