Điểm tiêm chủng y tế cơ sở phường Hoàng Văn Thụ (Hoàng Mai, Hà Nội). Ảnh: D.L
GS - TSKH Phạm Ngọc Đính - nguyên Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho biết, hiện nay, nguồn cung cấp vaccine dịch vụ ở Việt Nam còn hạn chế, giá bán cao, do từ trước đến nay chúng ta chưa quan tâm đến lĩnh vực này. Không chỉ vaccine 5 trong 1 có giá hơn 700.000 đồng/liều mà cả vaccine rota (phòng tiêu chảy do virus rota) cũng có giá 700.000 đồng/liều. “Người giàu ở nông thôn phải lên Hà Nội, người giàu Hà Nội sang tận Singapore để tiêm. Đây là hiện tượng bất thường khi chúng ta có mạng lưới cung cấp mà lại không đáp ứng được” – GS Đính nói.
Trước dư luận cho rằng, thị trường vaccine dịch vụ đang hỗn loạn, GS Đính cho rằng đó chỉ là một số hiện tượng cá biệt. Tuy nhiên, thời gian này cũng cần có sự can thiệp, điều tiết của Nhà nước để người dân nhận biết tốt hơn về chất lượng vaccine, không chạy theo những thông tin sai lệch, gây hoang mang. “Nhà nước cần có những biện pháp tuyên truyền, đưa ra các bằng chứng khoa học thuyết phục hơn để người dân hiểu không có vaccine nào là an toàn tuyệt đối. Ngoài ra, bên cạnh vaccine mở rộng miễn phí thì cũng nên có cơ chế để cung cấp vaccine dịch vụ cho người dân, để họ có sự lựa chọn thoải mái. Đến khi hết khan hiếm, không đắt đỏ, có khi người dân lại thấy vaccine dịch vụ “bình thường” như vaccine “mở rộng”- GS Đính phân tích.
GS-TS Nguyễn Thanh Long – Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, thời gian tới, Việt Nam sẽ có thêm nhiều vaccine “made in” Việt Nam với tiêu chuẩn quốc tế. Cụ thể, năm 2017, sẽ có vaccine sởi-rubella và vaccine phòng bệnh tả do virus rota.
Dự tính năm 2020 sẽ có vaccine 6 trong 1 vô bào nhãn hiệu Việt. Hiện chúng ta đã sản xuất thành công 4 loại vaccine, còn 2 loại nữa đang chờ Nhật và Mỹ chuyển giao công nghệ. Việc phối trộn các vaccine này cũng đang cân nhắc.