Bó đũa khó chọn… cột cờ
Nghe tin về thông tuyến khám chữa bệnh, ông Nguyễn Văn Tí (47 tuổi, Hải Hậu, Nam Định) cho biết, ông rất mừng khi có nhiều cơ hội lựa chọn nơi khám chữa bệnh (KCB) hơn. “Trước đây, quy định ép dân phải đăng ký BHYT ban đầu ở ngay tại nơi cư trú là tuyến xã. Tuy nhiên, phòng khám sơ sài, bác sĩ chỉ có cái ống nghe, máy siêu âm thì đen trắng, màn hình bé tí tẹo, hình mờ nhạt nên chúng tôi không tin tưởng lắm. Vì thế, ít người trong xã mua BHYT ở xã, hoặc có mua cũng vượt tuyến lên huyện, lên tỉnh. Giờ được lựa chọn nơi khám, tôi sẽ lên huyện để khám - nơi đó cơ sở vật chất mới, máy siêu âm màu, có bác sĩ chuyên khoa sẽ khám và điều trị tốt hơn”.
Nhân viên Bệnh viện A (Thái Nguyên) kiểm tra thẻ BHYT của bệnh nhân đăng ký khám chữa bệnh. Ảnh: Dương Ngọc
Ông Trần Trọng Hoà (Định Hóa, Thái Nguyên) cũng cho biết, ông đăng ký KCB BHYT ban đầu ở bệnh viện huyện nhưng mỗi lần đi khám cũng đông bệnh nhân, cơ sở thì cũ kỹ, nhìn cũng thấy ngại ngần. “Nếu được thông tuyến sang cơ sở y tế tương đương, tôi sẽ sang phòng khám đa khoa tư nhân ngay cạnh đó. Mấy lần tôi khám dịch vụ họ đều phục vụ rất tốt, không phải chờ đợi” – ông Hoà cho biết.
Tuy nhiên, ông Tí cho hay, hiện nay người dân vẫn bị “trói buộc” nơi đăng ký BHYT ban đầu theo địa phương cư trú. Vì vậy, nếu các cơ sở y tế tương đương trong tỉnh (trạm y tế xã hoặc bệnh viện huyện) mà có chất lượng KCB chẳng khác gì nhau thì cho dù “thông tuyến” bệnh nhân cũng chẳng có nhiều cơ hội lựa chọn. “Các cơ sở y tế sàn sàn như nhau, bệnh nhân không hài lòng cũng chẳng có cơ hội lựa chọn khác. Điều này chẳng khác nào câu chuyện “bó đũa chọn cột cờ”. Do đó theo tôi, đã thông tuyến thì người dân có quyền vượt khỏi địa phương để lên thẳng các cơ sở y tế tỉnh khác hoặc lên T.Ư để đăng ký KCB ban đầu” – ông Tí đề nghị.
Nhất trí với quan điểm này, ông Vũ Bá Cương – nguyên Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Nam Định cho biết, chính sách thông tuyến sẽ đem lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân nếu như các chính sách đầu tư khác cũng phát triển đồng bộ như tăng giá viện phí, đầu tư nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, nhân lực cho y tế cơ sở… “Chất lượng KCB không chỉ bệnh viện cố gắng là đủ. Nếu như thông tuyến không cẩn thận sẽ khiến “nước chảy chỗ trũng”, bệnh nhân đổ đến những cơ sở y tế có chất lượng KCB tốt. Điều này sẽ khiến tuyến trên quá tải, tuyến dưới ế ẩm, lãng phí” – ông Cương cho biết.
Chưa thấy áp lực
" Hiện nay, có hiện tượng bệnh viện “doạ” bệnh nhân để giữ lại điều trị. Vì vậy, cần đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân biết về quyền lợi của mình khi thông tuyến khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế để họ có sự lựa chọn. Khi người dân biết về quyền, lựa chọn các cơ sở y tế tốt để KCB thì các bệnh viện mới có động lực sát sườn để nâng cao chất lượng KCB của cơ sở mình”. |
Theo ông Phạm Lương Sơn – Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam), BHXH Việt Nam đã có văn bản yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố triển khai các nhiệm vụ về BHXH, BHYT, trong đó có nhiệm vụ triển khai việc thông tuyến KCB từ ngày 1.1.2016. Theo đó, BHXH các tỉnh lập danh sách các cơ sở y tế tuyến xã, tuyến huyện và các phòng khám tương tương có đăng ký KCB BHYT ban đầu.
Theo Luật BHYT, từ 1.1.2016, người dân trong 1 tỉnh có quyền lựa chọn nơi KCB ban đầu của mình ở bất cứ cơ sở y tế nào ở tuyến xã, huyện hoặc các phòng khám đa khoa khu vực. Đồng thời công khai, minh bạch quyền lợi, mức hưởng của người tham gia BHYT… “Mục tiêu cuối cùng là tăng cơ hội lựa chọn cho người bệnh, đồng thời buộc các cơ sở y tế phải nâng cao chất lượng KCB để thu hút bệnh nhân” – ông Sơn nói.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Thành – Phó Giám đốc BHXH tỉnh Thái Nguyên không lo lắng về việc các bệnh nhân sẽ bỏ nơi đăng ký KCB ban đầu để tìm đến cơ sở có chất lượng tốt hơn. Ông Thành cho biết, cả tỉnh có gần 200 trạm y tế xã và phòng khám tương đương, 10 đơn vị y tế huyện. Các cơ sở y tế đều đã được “lên giây cót” để chuẩn bị cho việc thông tuyến khám chữa bệnh từ 1.1 tới nhưng cũng không đến mức căng thẳng.
“Nơi đăng ký KCB ban đầu sẽ khám, điều trị các bệnh cơ bản, đơn giản, không cần phải đi lại xa xôi, mất thời gian. Còn nếu bệnh nặng sẽ được chuyển tuyến. Do đó, người dân sẽ lựa chọn nơi đăng ký KCB ở nơi thuận tiện nhất nên chắc sẽ yên ổn đi khám tại nơi mình đăng ký chứ không “chạy loạn” – ông Thành cho biết.
Còn theo ông Nguyễn Mạnh Nhìn (Trạm Y tế xã Phú Hoà, huyện Lương Tài, Bắc Ninh), cơ sở y tế xã vẫn được đầu tư sơ sài nên chưa thể có sức cạnh tranh với các bệnh viện tuyến huyện, phòng khám đa khoa, chỉ có mỗi lợi thế là gần nhà. Ở Trạm y tế xã Phú Tài cũng quản lý, chăm sóc sức khoẻ gần 2.000 thẻ BHYT, mỗi tháng có hơn 350 lượt người dân đến KCB. Tuy nhiên, trạm cũng chỉ có máy điện tim, máy siêu âm đen trắng, chưa có máy xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu.
“KCB là việc trạm y tế chúng tôi sẽ cố hết sức. Còn việc cạnh tranh để giữ bệnh nhân thì có lo cũng không tới vì trạm y tế xã sẽ thua bệnh viện huyện rất nhiều. Chưa kể đến máy móc sơ sài, trình độ bác sĩ tuyến xã cũng không chuyên sâu, các kỹ thuật mà xã được phép triển khai cũng rất ít, làm sao thu hút được như bệnh viện” – ông Nhìn chia sẻ.