Độc đáo kéo co ngồi
Trong văn hóa làng của người dân Thạch Bàn, kéo co không đơn thuần là môn thể thao tập thể mà trở thành nghi thức có nguồn gốc và mang ý nghĩa đặc biệt, hiếm người dân nơi nào có được. Nghi thức độc đáo và bắt buộc này được thực hiện trong Hội đền Trấn Vũ, diễn ra vào ngày 3 tháng 3 âm lịch hàng năm của địa phương.
Kéo co ngồi tại Hội đền Trấn Vũ thu hút đông đảo người dân. Ảnh: I.T
Dù đã 91 tuổi, nhưng cụ Nguyễn Văn Xê vẫn không thôi háo hức mỗi dịp đến hội. Cụ Xê kể: “Năm đó hạn hán, làng có 12 cái giếng thì cạn 11 cái và chỉ còn giếng ở nghè Đằng Đông thuộc xóm Đìa còn nước. Vì vậy, trai xóm Đường và xóm Chợ xuống giếng nước ở xóm Đìa lấy nước về sinh hoạt. Sợ hết nước nên trai xóm Đìa ngăn lại. Thời đó, nước được gánh bằng quang làm bằng dây song. Hai bên giằng co cái quang đựng nước, lại sợ đổ nước nên ngồi xuống đất mà ôm lấy thùng nước. Kéo co ngồi từ đó ra đời.
Được biết, kéo co ngồi là nghi thức của ngày hội nên khi lễ Thánh xong, kéo co ngồi mới diễn ra. Cột kéo co được chôn chắc dưới đất, lỗ luồn dây ở ngang đầu gối người lớn. Trước khi kéo, dây được luồn qua lỗ cột, đặt dưới đất. Người kéo co ngồi chân co, chân duỗi. Mang băn khoăn khi phân biệt sự khác nhau giữa kéo co thường với kéo co ngồi truyền thống của người dân Thạch Thất (Hà Nội), chúng tôi được ông Mai Tự Lĩnh (69 tuổi, tổ 6, phường Thạch Bàn) thuộc mạn Chợ, người từng có “thâm niên” hơn chục năm gắn bó với kéo co ngồi trong vai trò làm tổng cờ mỗi dịp đến hội, giải thích: “Kéo co thường không quyết liệt bằng kéo co ngồi. Vì ngồi kéo mất sức hơn gấp nhiều lần. Người kéo không khỏe thì không thể tham gia kéo được”.
Với kéo co ngồi, người làm tổng cờ có vai trò quan trọng khiến cả đội thắng, thua chỉ trong gang tấc. “Tổng cờ hô không đúng nhịp là thành viên trong đội không kéo. Hoặc trong lúc đội bạn kéo mà tổng cờ không biết phất cờ xuống cho thành viên đội mình ghìm dây là thua chắc ngay”– ông Lĩnh chia sẻ.
Thiếu gậy, thiếu cây song
" Ban lãnh đạo cũng như các cơ quan quản lý về văn hóa ngày càng nâng cao nhận thức về di sản kéo co ngồi của địa phương để không biến nghi lễ thành trò diễn mang tính thể thao thuần túy, hay trò vui chơi giải trí đơn thuần”. |
Việc trao truyền, tổ chức và thực hành trò diễn kéo co ngồi hiện vẫn được lưu giữ và trao truyền cho nhân dân địa phương Thạch Bàn gìn giữ. Cụ Xê trầm ngâm: “Trước đây, cộng đồng chỉ cầu mong mạn Đường thắng để làng mưa thuận, gió hòa. Đến nay, nhân dân cũng mong mạn Chợ được thắng để việc làm ăn, buôn bán được phát đạt. Việc thay đổi mong muốn đội thắng không quan trọng mà cốt lõi là niềm tin vào tính thiêng của trò diễn không thay đổi”.
Vấn đề khiến Ban quản lý di tích, những người trực tiếp tổ chức hội và trò diễn kéo co lo lắng là địa điểm và không gian để thực hành kéo co và dây kéo co. Ông Ngô Quang Khải- Trưởng ban Quản lý di tích đền Trấn Vũ nhìn nhận: “Điều đặc biệt của kéo co ngồi là kéo trên nền đất. Trước kia kéo co được thực hành ở ruộng, ranh giới là bờ. Bây giờ đô thị hóa nên đất ruộng không còn nhiều. Việc tìm một khoảng đất rộng để kéo co ngồi là điều rất khó”.
Cũng theo ông Khải, một cái khó nữa hiện nay là cộng đồng cũng không tìm đâu được cây song để làm dây kéo co. Vì vậy, những năm gần đây, người dân phải dùng dây thừng mềm để làm dây kéo co ngồi. “Việc dùng dây thừng kéo đi kéo lại khiến người ngồi đầu không cẩn thận dễ bị dính tay vào lỗ cột kéo co là rất nguy hiểm” - ông Khải cho hay.