Mới đây, tờ Daily Mail đưa tin, Star Wars 7: The Force Awakens (Chiến Tranh Các Vì Sao 7: Thần Lực Thức Tỉnh) chính thức phá vỡ kỷ lục phòng vé mọi thời đại với tổng doanh thu toàn cầu là 528 triệu đô-la trong tuần đầu ra rạp. Người tiền nhiệm nắm giữ vị trí quán quân này là Jurassic World (Công Viên Kỷ Jura) với con số 524,9 triệu đô-la.
Thành tích trên của Star Wars 7 không phải là điều khó hiểu, bởi trở lại với người hâm mộ sau một thập kỷ "ngủ đông", phim làm dấy lên trong lòng những khán giả trưởng thành một cảm giác hoài niệm, đồng thời thu hút thêm nhiều sự chú ý của công chúng trẻ, những người vốn từng biết đến Star Wars với cái tên quen thuộc Cuộc chiến giữa các vì sao nhưng chưa từng thưởng thức bao giờ.
Dưới đây là những lý do khiến Star Wars 7 thành công đến thế.
Phần 7 của bom tấn "Star Wars" mang đến cho người xem cái nhìn mới mẻ nhưng cũng kế thừa các phần trước đó.
Sự hòa quyện hoàn hảo giữa cũ và mới
Một trong những điều khiến khán giả và giới chuyên môn lo lắng nhất về Star Wars khi nó sắp ra rạp chính là tính độc lập của bộ phim này. Star Wars: Thần lực thức tỉnh là phần thứ 7 trong loạt phim kéo dài gần 4 thập kỷ của Star Wars.
Suốt hơn 30 năm qua, nhà làm phim gạo cội George Lucas đã vẽ ra một vũ trụ rộng lớn, tuyệt mỹ và đầy ắp những tình tiết khôn lường khiến người xem một khi đã yêu thích sẽ trở thành fan trung thành. Tuy nhiên, chính sự bao la và kỳ vĩ đó của loạt phim mà những ai vốn chưa từng biết về nó sẽ thật khó để có thể thâm nhập trọn vẹn vào thế giới của phim.
Star Wars: Thần lực thức tỉnh nếu không được trau chuốt khéo léo về kịch bản sẽ rất dễ sa đà vào sự ve vuốt quá khứ, ôn chuyện xưa tích cũ nhằm chiều chuộng các "fan già" mà quên đi lớp khán giả hiện đại. Tuy nhiên, đạo diễn J. J. Abrams đã không để điều đó xảy ra.
Với vốn kiến thức sâu rộng cùng tay nghề đạo diễn thượng hạng, J. J. Abrams đã giúp bộ phim này có được chất điện ảnh và đời sống độc lập của riêng nó. Đúng như lời giới thiệu của chính đạo diễn, ông đã "thay đổi tất cả" nhưng kỳ thực lại "không thay đổi gì cả". Những tình tiết, tên gọi và các nhân vật trong phim có thay đổi một ít, đủ để làm nên sự mới mẻ và công bằng cho cả hai thế hệ khán giả, mà vẫn giữ được chất quen vốn có của bộ phim.
Kịch bản phim chặt chẽ và lôi cuốn.
Tổ chức thứ nhất, hành tinh Jakku... là những khái niệm mới mẻ nhưng thú vị của phần phim này. Ở đó, khán giả được theo dõi câu chuyện của những nhân vật mới như Rey, Finn hay Poe và cũng gặp lại nhiều nhân vật gạo cội như Leia hay Han Solo. Sự hòa quyện giữa cái mới và cái cũ trong tác phẩm này đã đạt được mức tối đa, và cũng chính vì vậy mà nó có thể làm được cho cả Hollywood mến mộ và hài lòng. Ít nhất, về mặt giải trí, Star Wars: Thần lực thức tỉnh đã thành công ngoài kỳ vọng.
Nét diễn tỏa sáng của Daisy Ridley
Với những ai có thói quen xem mặt nhân vật chính để quyết định mua vé xem phim, Star Wars: Thần lực thức tỉnh sẽ không phải là lựa chọn hàng đầu. Dĩ nhiên, Harrison Ford trong vai Han Solo hay Carrie Fisher trong vai Leia đều là những nhân vật gạo cội, nhưng nữ diễn viên trẻ Daisy Ridley mới là người thủ vai chính của phim. Và cô đã hoàn thành một cách rất xuất sắc vai trò của mình trong một tác phẩm bom tấn, dù chỉ là một nữ diễn viên chuyên đóng phim truyền hình.
Nữ chính trong phim có phần diễn xuất tròn vai, ấn tượng.
Cái hay của Daisy là ở chỗ trong con người cô toát lên được khí chất mạnh mẽ, dữ dội, độc lập của một cô gái có quá khứ kém may mắn, lại vừa tràn đầy cảm xúc, dịu dàng. Cô xử lý rất khéo léo việc chuyển tải nội tâm của mình đến với người xem mà không mang lại cảm giác gồng gượng hay quá cố gắng.
Bên cạnh đó, lối hóa trang và thiết kế trang phục phong cách du mục vừa bụi bặm, hoang dã lại vừa có nét gì rất tiểu thư trong tạo hình nhân vật của cô cũng góp phần khiến Daisy chinh phục khán giả. Có thể nói, dù đứng cạnh hàng ngũ diễn viên gạo cội, Daisy Ridley vẫn không hề lu mờ mà thực sự đã bước đến được một tầm cao mới trong sự nghiệp.
Mãn nhãn và kỳ công
Sẽ thật thiếu sót nếu chỉ nói về nội dung hay diễn xuất của Star Wars: Thần lực thức tỉnh mà không đề cập đến kỹ xảo hình ảnh. Một thập kỷ kể từ phần 6 và 4 thập kỷ kể từ phần đầu, loạt phim Star Wars đương nhiên đã có những bước phát triển nhất định về mặt hình ảnh hiện đại hơn, công phu hơn, bắt mắt hơn và cả... sướng hơn (nếu xem ở định dạng 3D hay Imax) nhưng ê-kíp làm phim cũng không quên giữ lại những chi tiết rất cũ nhằm gợi nhớ lại một thời đã qua.
Phần kỹ xảo và âm nhạc trong phim góp phần giúp phim trở nên sống động và cuốn hút hơn.
Đoạn mở đầu giới thiệu câu chuyện của phim vẫn được làm giống lúc xưa với tông màu và cách chạy chữ xiên quen thuộc, hình ảnh trời đêm với các vì sao cũng được hiệu chỉnh sao cho thô sơ và đơn giản chứ không trau chuốt quá đà như các bộ phim hiện đại khác.
Riêng những trường đoạn rượt đuổi phi thuyền, đấu súng lại được đoàn phim "tăng tốc" tối đa và lột xác hoàn toàn nhằm mang lại cho khán giả những trải nghiệm đặc biệt nhất. Các phân cảnh bay lượn trên không trung hay hình ảnh đấu kiếm ánh sáng vốn từ lâu đã là thương hiệu làm nên Star Wars nay lại còn hấp dẫn và ấn tượng hơn bội phần.
Cái kết của Star Wars khép lại khá đơn giản, tròn trịa và ấm áp, đồng thời cũng mở ra một câu chuyện mới trong phần sau. Nhìn chung, bộ phim đã có phần hơi hướm đi theo kiểu... tình cảm gia đình và sướt mướt chứ không còn thuần về sự gai góc và u ám như loạt phim trước đây. Điều này có thể sẽ khiến một số người không thích, nhưng xét cho cùng thì đó là điều cần thiết để tái khởi động lại cho một loạt phim. Các phần sau của Star Wars kể từ bây giờ có thể sẽ lại dữ dội hơn, tàn bạo hơn, khốc liệt hơn để chiều lòng hơn nữa các fan của thể loại khoa học viễn tưởng này.