Dân Việt

Nghịch lý V.League: Tiêu cực tăng, tài trợ tăng?

Lê Đức 25/12/2015 07:30 GMT+7
Trong thời điểm bóng đá Việt Nam (BĐVN) còn quá nhiều tiêu cực, V.League vẫn tăng giá (?!). Lãnh đạo Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) tự khen mình giỏi trong việc tìm kiếm Mạnh Thường Quân. Nhưng thực tế có phải như thế không?

V.League chỉ bằng 1/4 Thai League

Thời điểm này, người viết vẫn chưa thể quên những ngày tác nghiệp tại AFF Cup 2010. Thời điểm đó, tuyển Việt Nam đang là đương kim vô địch AFF Cup và đến làm khách trên sân Bukit Jalil của Malaysia ở trận bán kết lượt đi. Trong buổi họp báo trước trận đấu, một câu hỏi của truyền thông nước bạn dành cho huấn luyện viên (HLV) Calisto: “V.League hấp dẫn nhất Đông Nam Á, đúng không, thưa ông?”.

Ông thầy người Bồ tái mặt, lặng im, cánh phóng viên Việt Nam thẫn thờ, còn người Malaysia cười ồ! Điệu cười đó còn vang vọng mãi sau trận bán kết lượt đi năm ấy – nơi chúng ta hy vọng bao nhiêu thì lại thất vọng bấy nhiêu khi thua trắng 0-2. Trận lượt về ở Mỹ Đình không còn ý nghĩa nữa (hòa 0-0) và Việt Nam rời ngôi vương theo cách không thể bẽ bàng hơn…

img

 Giá trị của V.League thực chất vẫn chưa được VFF, VPF cùng các đội bóng tận dụng hết. Ảnh:   Minh Hoàng.

Trở lại câu chuyện tài trợ V.League, bỏ qua “nỗi buồn” Malaysia, bàn đến “kỳ phùng địch thủ” Thái Lan. Năm ngoái, phải đến phút chót, VPF mới thuyết phục được Toyota làm nhà tài trợ V.League 2015 mới giá 30 tỷ đồng. Năm nay, trước thời điểm khởi tranh V.League 2016 khoảng 2 tháng, Toyota đã mau mắn tiếp tục gắn bó với BĐVN với bản hợp đồng 2 triệu USD (hơn 40 tỷ đồng) cùng vô số lời ngợi khen.

Vô lý chưa bởi tại sao V.League còn nhiều tiêu cực thế mà số tiền tài trợ vẫn tăng? “Tôi nghĩ, giá trị của V.League còn cao hơn thế nhiều. Có ai còn để ý đến chuyện Toyota đã tài trợ cho Thai League với giá khoảng 8 triệu USD/mùa hay không? Tình yêu của người hâm mộ Việt Nam không lẽ chỉ bằng 1/4 người hâm mộ Thái Lan, chất lượng BĐVN chỉ bằng 1/4 Thái Lan?”- cổ động viên nức tiếng cả nước Văn Trần Hoàn (Hải Phòng, biệt danh Hoàn “pháo”) nói.

Giận mà thương

.Việc VPF quyết định thuê Công ty Sportradar vào cuộc giám sát những vấn đề tiêu cực ở V.League 2016, cung cấp những dự liệu thông tin xung quanh các trận đấu “có mùi” là tốt. Nhưng quan trọng nhất là quan chức VFF, VPF có mạnh dạn làm tới cùng không hay ném chuột lại sợ vỡ bình" - HLV Trần Bình Sự.

Chiều qua (24.12), tại một khách sạn 5 sao ở Hà Nội, nhà tài trợ Toyota đã ra mắt vô cùng hoành tráng. Trao đổi với người viết phía hậu trường, anh Nam – một người từng nếm đủ vị ngọt và trái đắng cùng bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, giờ đang “ẩn mình” làm bóng đá phong trào, ươm những “hạt mầm” hy vọng lắc đầu chán ngán: “Tốn kém quá! Giá như tiền tổ chức những hội nghị thế này dành cho công tác đào tạo trẻ thì tốt biết mấy. Thế hệ chúng tôi cách đây khoảng 20 năm, đi tập bóng đá còn phải đóng 10 nghìn đồng/tháng, nước cũng không có mà uống! Các cháu bây giờ đỡ hơn nhiều rồi, nhưng giá như…”.

Theo dòng tâm sự, anh Nam nhớ về V.League 2015, nơi xuất hiện không ít trận đấu “có mùi”, đỉnh điểm là giai đoạn cuối mùa gắn với cuộc đua trụ hạng giữa XSKT.Cần Thơ – HAGL - Đồng Nai. “Tôi không hiểu tại sao khi chính cổ động viên của những đội bóng như Hải Phòng (trận gặp Cần Thơ), SLNA (trận gặp HAGL) đã phản ứng quyết liệt, yêu cầu VFF, VPF vào cuộc làm rõ, giới truyền thông cũng lên tiếng thể hiện chính kiến, nhưng cuối cùng Ban tổ chức giải lại làm ngơ với lý do cũ rích: Bằng chứng đâu? Bằng chứng chính là tiếng nói của người hâm mộ, là những sân vận động vắng tanh không khán giả. Thế chưa đủ sao?” - anh Nam bộc bạch.

Đem câu hỏi: Tại sao V.League còn tiêu cực mà tài trợ vẫn tăng đối với ông Nguyễn Hồng Thanh – chuyên gia lão làng của BĐVN và hiện là Ủy viên Ban chấp hành VFF, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bóng đá SLNA thì nhận được câu trả lời: “Xin lỗi, tôi không trả lời vấn đề này được đâu!”. Trả lời như thế có lẽ chính là... trả lời rồi.