Dân Việt

Bài học huy động đóng góp của dân

Kiều Thiện 26/12/2015 07:15 GMT+7
Tham gia dự án “Xây dựng mô hình chăn nuôi gà ri lai an toàn sinh học theo quy mô gia trại”, nhiều người dân xã Hua La, TP. Sơn La, tỉnh Sơn La đã được mở mang thêm kiến thức, kỹ thuật về chăn nuôi gà ri lai.

Tại xã Hua La, T.Ư Hội  Nông dân Việt Nam (NDVN) và Hội ND tỉnh Sơn La vừa tổ chức tổng kết dự án khoa học công nghệ “Xây dựng mô hình chăn nuôi gà ri lai an toàn sinh học theo quy mô gia trại”. Dự án do T.Ư Hội NDVN hỗ trợ xây dựng.

Hiệu quả cao

Dự án triển khai từ tháng 9.2015 với nhiều bước như khảo sát, lựa chọn hộ ND tham gia; tập huấn kỹ thuật chăm sóc và phòng bệnh cho gà; triển khai thực hiện, kiểm tra giám sát… Ông Quàng Văn Xương, bản Sàng, xã Hua La cho biết: “Tôi nhận gà giống của dự án từ ngày 25.9.2015, đến nay mới được 2 tháng 22 ngày nhưng nhờ được tập huấn kỹ thuật chu đáo, con giống tốt, thức ăn đủ, chăm sóc đúng quy trình nên tỷ lệ sống của đàn gà đạt tới hơn 98%...”.

Từ 300 con giống được dự án hỗ trợ, đến nay đàn gà của ông Xương đã có tổng trọng lượng hơn 600kg; con bé đạt khoảng 1,8kg; con lớn nhất đạt 3,1kg. Trong nhiều năm nuôi gà, đây là lần đầu ông thấy hiệu quả kinh tế cao.

img

Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Nguyễn Duy Lượng (thứ 2 bên trái) trao đổi với các hộ tham gia dự án nuôi gà ri lai an toàn sinh học. Ảnh:  K.T

Cùng trong số 10 hộ tham gia dự án, đàn gà của gia đình ông Lèo Văn Toan ở bản Lụa đạt tỷ lệ sống hơn 99%. Ông Toan khoe: “Ngay sau khi được tập huấn kỹ thuật và có cán bộ Hội ND và khuyến nông hướng dẫn, tôi đã đầu tư xây dựng gần 60m2 chuồng trại… Tỷ lệ sống của đàn gà nhà tôi cao nhất trong 10 hộ tham gia dự án. Với mức giá bình quân 100.000 đồng/kg gà như hiện nay, trừ chi phí đầu tư, kể cả xây mới chuồng trại, tôi vẫn thu lãi hơn 20 triệu đồng…”.

Những bài học từ dự án

"Tham gia dự án, chúng tôi được tiếp thu nhiều kỹ thuật mới mà trước đó chưa từng biết và áp dụng như cách chọn giống gà ri lai; kỹ thuật làm đệm lót sinh học đảm bảo vệ sinh môi trường; kỹ thuật chăm sóc, cho ăn, phòng bệnh...”.
Ông Cà Văn Quân, 
bản Pọng, xã Hua La (TP. Sơn La)

Nhiều hộ ND bày tỏ sự phấn khởi khi học hỏi được nhiều kiến thức kỹ thuật thông qua dự án. Ông Cà Văn Quân ở bản Pọng chia sẻ: “Tham gia dự án, chúng tôi được tiếp thu nhiều kỹ thuật mới mà trước đó chưa từng biết và áp dụng như cách chọn giống gà ri lai; kỹ thuật làm đệm lót sinh học đảm bảo vệ sinh môi trường; kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh…”.

Ông Đỗ Thanh Huy - Trưởng ban Kinh tế-Xã hội thuộc Hội ND tỉnh Sơn La, chủ nhiệm dự án cho hay: “Một bài học về triển khai các chương trình khuyến nông được rút ra từ dự án là cách thức hỗ trợ người dân”.

Theo ông Huy, ngoài cung ứng 100% con giống, dự án chỉ cấp 50% vốn thức ăn và thuốc phòng bệnh, thức ăn không cấp liền một lúc mà cấp đan xen theo từng tháng. Điều này đã huy động người dân đóng góp nhiều hơn. Ngay cả việc úm gà (chăm sóc gà mới nở), lúc đầu người dân cũng muốn dự án giúp nhưng chúng tôi hướng dẫn sát sao và kết quả người dân thực hiện theo rất hiệu quả.

Theo ông Nguyễn Quốc Tuấn - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, qua kinh nghiệm thu được, cũng như hiệu quả kinh tế - xã hội mà dự án tạo ra, trung tâm  sẵn sàng hỗ trợ con giống, kỹ thuật, thức ăn chăn nuôi, thuốc để bà con nhân rộng mô hình nuôi gà ri.