Chúng tôi về vùng sản xuất lúa ở xã Phú Thạnh, xã Phú Đông (huyện Tân Phú Đông, Tiền Giang) trong những ngày trung tuần tháng 12 này, trước mắt chúng tôi là hình ảnh lúa chết khô ở vụ trước vẫn còn đứng trên đồng. Đi sâu vào phía đồng, những trà lúa đang ở giai đoạn mạ non bị chết thành từng lỏm trên cánh đồng khô trắng.
Bà Huỳnh Thị Tui, ấp Bãi Bùn, xã Phú Thạnh chỉ tay về phía 3 công ruộng trồng lúa phía bên nhà cho biết, vụ lúa đầu (vụ hè thu) bị thất trắng không thu được giạ nào do chất lượng nước quá kém (nhiễm mặn và phèn), mưa ít. Thấy tình hình nguồn nước tiếp tục không thuận lợi nên bà quyết định không sản xuất vụ 2 (vụ thu đông).
“Lúc đầu, lúa sạ xuống gặp mưa nên phát triển rất tốt, nhưng sau đó nắng nóng kéo dài, mưa rất ít, nguồn nước bị nhiễm phèn, mặn cao, lúa bắt đầu suy dần rồi chết luôn. Nguồn nước sản xuất nơi đây giờ ngày càng khó khăn nên tôi đang tính chuyển sang trồng sả” - bà Tui cho biết.
Anh Huỳnh Văn Núi, ấp Bãi Bùn, xã Phú Thạnh liên tiếp 2 vụ lúa hè thu và thu đông gần như bị thất trắng do thiếu nước, nguồn nước kém chất lượng.
Không “bỏ cuộc” như bà Tui, sau vụ đầu bị thiệt hại gần như thất trắng, anh Huỳnh Văn Núi, ấp Bãi Bùn, xã Phú Thạnh vẫn cố gắng sản xuất vụ thu đông với hy vọng tình hình sẽ tốt hơn, nhưng rồi tiếp tục bị thất bại. Anh cho biết, ở vụ hè thu, gần 1 ha lúa của anh thiệt hại từ 50 - 70% (chỉ thu hoạch được vài giạ).
Còn vụ thu đông này, anh chỉ mới xuống giống chưa bao lâu thì các cống trong vùng Dự án Phú Thạnh - Phú Đông đã đóng ngăn mặn. Hiện nay, nguồn nước kinh bị nhiễm phèn rất nặng, màu nước vàng đen không thể bơm lên ruộng để cứu lúa.
“Trà lúa 1 tháng rưỡi của tôi đã nhiều ngày rồi không có nước, đất ruộng khô trắng như trên bờ. Bởi nước vừa chua vừa chát, nếm vào tê cả lưỡi, nếu đưa vào ruộng thì lúa càng chết sớm. Vụ này thua nữa. Vụ rồi và vụ này, chi phí đầu tư cho cây lúa trên 10 triệu đồng nhưng không thu được đồng nào, tôi chưa biết làm gì trong thời gian tới” - anh Núi than vãn.
Không riêng gì ruộng lúa của anh Núi, nhiều trà lúa xung quanh cũng đang ở giai đoạn mạ và cùng chung tình trạng không có nước tưới và đang chết khô dần trên ruộng. Theo UBND xã Phú Thạnh, qua khảo sát thực tế mới đây, toàn xã có trên 435 ha lúa bị thiệt hại, trong đó diện tích thiệt hại trên 70% là 221 ha và 213 ha lúa bị thiệt hại từ 30 - 70%.
Còn tại xã Phú Đông, theo ghi nhận của chúng tôi, tổng diện tích lúa bị thiệt hại trong 2 vụ lúa của năm 2015 gần 1.000 ha. Riêng vụ thu đông, toàn xã có khoảng 476 ha bị thiệt hại, trong đó 420 ha bị thiệt hại trên 70%, 56 ha bị thiệt hại từ 30 - 70%.
“Nhằm giảm bớt khó khăn cho người trồng lúa, vừa qua tỉnh đã hỗ trợ cho những hộ có diện tích lúa bị thiệt hại ở vụ hè thu. Còn vụ thu đông, đến nay xã đã rà soát diện tích bị thiệt hại, mức độ thiệt hại và đã đề xuất cấp trên hỗ trợ cho những hộ có diện tích lúa bị thiệt hại” - chị Võ Thị Huỳnh Nhi, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết.
Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện, diện tích xuống giống lúa vụ thu đông 2015 là 1.325 ha (xã Phú Thạnh 559 ha, Phú Đông 761 ha, Tân Phú 5 ha). Trong đó, diện tích lúa bị thiệt hại ở khu vực Phú Thạnh, Phú Đông trên 912 ha (thiệt hại trên 70% trên 642 ha; trên 269 ha lúa bị thiệt hại từ 30 - 70%).
Ngoài ra, trong vụ lúa hè thu trước đó, trên địa bàn huyện cũng đã xảy ra hàng trăm ha bị thiệt hại. Lý giải nguyên nhân làm lúa chết trong vụ lúa hè thu và thu đông 2015, ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết, do mưa đến muộn, mưa ít ở vụ hè thu và mưa dứt sớm, mặn đến sớm vào thời điểm sản xuất vụ thu đông làm cho nguồn nước kinh, rạch bị nhiễm phèn nặng gây cho nhiều diện tích lúa bị thiệt hại.
Trước tình hình này, huyện đã cho các xã khảo sát, thống kê diện tích lúa bị thiệt hại để huyện đề xuất tỉnh hỗ trợ. Kết quả, tỉnh đã cấp kinh phí hỗ trợ những hộ dân có diện tích lúa hè thu bị thiệt hại. Còn đối với những diện tích lúa bị thiệt hại ở vụ thu đông này, Phòng NN&PTNT đã rà soát và tham mưu UBND huyện tiếp tục đề xuất tỉnh xem xét chính sách hỗ trợ.
Do nằm ở địa bàn cù lao gần biển, hàng năm mặn thường đến sớm và rút muộn nên sản xuất lúa ở khu vực Phú Thạnh, Phú Đông (Dự án Phú Thạnh - Phú Đông) thường rất khó khăn và hiệu quả không cao (thiếu nước đầu vụ hè thu và cuối vụ thu đông). Trong tình hình biến đổi khí hậu hiện nay, việc sản xuất lúa ở huyện cù lao sẽ càng khó khăn.
Giải pháp cho vấn đề này, ông Hải cho biết, huyện đã chủ trương vận động người dân chuyển đổi diện tích sản xuất lúa trong vùng Dự án Phú Thạnh - Phú Đông sang trồng cây ngắn ngày ít sử dụng nước hay sản xuất 1 vụ lúa trong năm, thời gian còn lại sản xuất cây trồng ngắn ngày.