Song, nếu nghiên cứu phân tích kỹ về lý luận và thực tiễn thì “cơ chế bảo hiến” này còn nhiều hạn chế, khiếm khuyết nên chưa đem lại kết quả mong muốn...
Tránh đùn đẩy trách nhiệm
Khác với nhiều nước trên thế giới, bảo hiến ở nước ta không được giao cho một cơ quan chuyên trách có chức năng bảo vệ Hiến pháp hoặc giao cho tòa án tư pháp mà giao cho nhiều cơ quan nhà nước, nhiều người giữ những chức vụ nhất định.
Một hội thảo góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992. |
Theo các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành thì mọi công dân, đại biểu HĐND, đại biểu Quốc hội và tất cả cán bộ, viên chức của Nhà nước đều có quyền đề nghị, kiến nghị với cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong bộ máy nhà nước xem xét, xử lý những hành vi, văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái Hiến pháp. Các cơ quan nhà nước, những cán bộ có thẩm quyền trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật quy định có quyền xem xét, giải quyết những khiếu nại của công dân, những đề nghị của cấp dưới về hành vi trái Hiến pháp bằng việc ra quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ thi hành để trình Quốc hội xem xét quyết định.
Ở nước ta, chỉ có Quốc hội mới có quyền bãi bỏ các văn bản của Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, TANDTC và Viện KSNDTC trái với hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội. Đây là những trường hợp phát hiện được hành vi trái Hiến pháp đã xảy ra hay văn bản pháp luật trái Hiến pháp đang có hiệu lực thi hành. Còn đối với các dự án luật, pháp lệnh, trước khi trình Quốc hội, UBTVQH thông qua thì Ủy ban Pháp luật có trách nhiệm bảo đảm tính hợp hiến của những dự án đó…
Như vậy, xét về văn bản pháp luật, có thể thấy đã có những quy định khá đầy đủ và chi tiết về một thiết chế tạm gọi là “cơ chế bảo hiến” ở nước ta. Song, nếu nghiên cứu phân tích kỹ về lý luận và thực tiễn thì “cơ chế bảo hiến” này còn nhiều hạn chế, khiếm khuyết nên chưa đem lại kết quả mong muốn. Chẳng hạn như việc bảo vệ Hiến pháp được giao cho nhiều cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền thực hiện dẫn đến tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, tránh né, làm cho hoạt động bảo vệ Hiến pháp đạt kết quả thấp.
Chọn mô hình tối ưu
MỜI BẠN ĐỌC NTNN THAM GIA GÓP Ý
Từ ngày 2.1.2013, người dân chính thức góp ý cho bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Cũng từ số báo ra hôm nay (3.1.2013), Báo NTNN sẽ mở chuyên mục “Góp ý sửa đổi Hiến pháp” - là diễn đàn để người dân, các nhà khoa học, chuyên gia cùng đóng góp các ý kiến. Mọi ý kiến, bài viết góp ý cho chuyên mục này xin gửi về Tòa soạn Báo NTNN - 13 Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội (ghi rõ: Góp ý sửa đổi Hiến pháp), hoặc qua email: ntnnhn@gmail.com.
NTNN
Qua nghiên cứu sơ bộ các mô hình cơ quan bảo hiến ở một số nước, có thể thấy mô hình cơ quan bảo hiến châu Âu – tức là thành lập Tòa án Hiến pháp để bảo vệ Hiến pháp là tối ưu. Tòa án Hiến pháp có những quyền hạn như: Giám sát tính hợp hiến của các đạo luật, điều ước quốc tế và văn bản quy phạm pháp luật khác; giải thích Hiến pháp; giải quyết khiếu nại đối với văn bản, hành vi vi phạm Hiến pháp của cơ quan nhà nước, cá nhân có thẩm quyền; giải quyết tranh chấp về thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước ở trung ương với nhau; giữa các cơ quan nhà nước ở trung ương với các cơ quan địa phương.
Đặc biệt, Tòa án Hiến pháp có quyền giải quyết tranh chấp trong các cuộc bầu cử và trưng cầu ý dân; xem xét các vấn đề liên quan đến việc miễn nhiệm nghị sĩ và cách chức các quan chức cấp cao của Nhà nước; tham gia luận tội các quan chức cấp cao của Nhà nước…
Tuy vậy, nếu thành lập cơ quan chuyên trách bảo hiến thì Quốc hội có phải là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến, là cơ quan có quyền hủy bỏ văn bản quy phạm pháp luật vi hiến hay không? Quốc hội có còn quyền tự giám sát tính hợp hiến đối với những luật, nghị quyết của mình nữa hay không? Có quyền thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước nữa hay không? Và nếu câu trả lời là không thì phải xem xét, sửa đổi, bổ sung nhiều điều của Hiến pháp năm 1992 về nhiệm vụ, quyền hạn của cả hệ thống cơ quan nhà nước…
Điều 120 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 có quy định về Hội đồng Hiến pháp:
1. Hội đồng Hiến pháp là cơ quan do Quốc hội thành lập, gồm chủ tịch, các phó chủ tịch và các ủy viên;
2. Hội đồng Hiến pháp kiểm tra tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, Chủ tịch nước, UBTVQH, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, TANDTC, Viện KSNDTC ban hành; kiến nghị Quốc hội xem xét lại văn bản quy phạm pháp luật của mình khi phát hiện có vi phạm Hiến pháp; yêu cầu Chủ tịch nước, UBTVQH, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, TANDTC, Viện KSNDTC sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật của mình hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ văn bản vi phạm Hiến pháp; kiểm tra tính hợp hiến của điều ước quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước trước khi trình Quốc hội, Chủ tịch nước phê chuẩn.
3. Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Hội đồng Hiến pháp và số lượng, nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng Hiến pháp do luật định.
TS Vũ Đức Khiển - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội
(* Tít chính và các tít phụ trong bài do NTNN đặt)