Dân Việt

Nỗ lực lo tết cho người nghèo

03/01/2013 09:11 GMT+7
(Dân Việt) - Năm 2012, dù kinh tế gặp nhiều khó khăn, các nguồn lực để lo tết cho người nghèo, từ ngân sách đến hỗ trợ của doanh nghiệp đều không dồi dào, nhưng nhiều tỉnh, thành vẫn nỗ lực để lo cho người nghèo một cái tết chu đáo.

Để nhà nhà “đỏ lửa 3 ngày tết”

Bà Trương Thị Xuân - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Nam cho biết: “Theo khảo sát sơ bộ từ các huyện, thành phố gửi về, tết này Quảng Nam có 70.000 hộ nghèo cần được hỗ trợ. Sở LĐTBXH đề xuất UBND tỉnh vẫn giữ mức hỗ trợ như năm 2012 là 200.000 đồng/hộ. Còn riêng 580 đối tượng bảo trợ xã hội thuộc diện nghèo sẽ đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ 300.000 đồng/người”.

img
Còn nhiều gia đình nghèo, hộ chính sách đang mong được hỗ trợ để đón Tết no ấm.

Với đối tượng người có công với cách mạng và người thuộc diện hưởng trợ cấp, Sở đã trình và UBND tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ hơn 33,5 tỷ đồng. Theo đó, mức cao nhất là 500.000 đồng/người, thấp nhất là 300.000 đồng/người… “Ngoài ra, chúng tôi đang tiếp tục khảo sát đời sống của người nghèo để có đề xuất lên tỉnh, T.Ư hỗ trợ gạo cho bà con ăn tết” - bà Xuân nói.

Bà Trương Thị Lộc - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam, cũng chia sẻ: “MTTQ sẽ cân đối Quỹ Vì người nghèo để hỗ trợ mỗi hộ nghèo 1 suất quà trị giá 400.000 - 500.000 đồng. So với năm 2012, số tiền quà năm nay cho người nghèo tăng 100.000 đồng/suất”. Như vậy, nếu cộng gộp các khoản tiền được hỗ trợ, Tết này hộ nghèo ở Quảng Nam có thể nhận từ 600.000-800.000 đồng, đủ để “đỏ lửa 3 ngày tết”.

Tại các tỉnh miền núi phía Bắc, Sở LĐTBXH cũng đã trình UBND tỉnh các mức hỗ trợ người nghèo ăn tết. Bà Hà Thị Thu - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Điện Biên cho biết, UBND tỉnh vừa có chỉ đạo về hỗ trợ tết cho hộ nghèo. Bên cạnh việc lo cho hộ nghèo, tỉnh này còn tổ chức rà soát số hộ có nguy cơ thiếu đói trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ và trong thời gian giáp hạt năm 2013 để trợ giúp kịp thời.

Tỉnh quy định rõ đối tượng được trợ cấp trong dịp Tết Nguyên đán là những gia đình thuộc diện hộ nghèo, không có khả năng về tiền, vật chất để ăn tết; người già cô đơn không nơi nương tựa, không có nguồn thu nhập; trẻ em mồ côi cả cha lẫn mẹ; người lang thang, cơ nhỡ; người gặp tai nạn rủi ro. Đối tượng được trợ cấp cứu đói giáp hạt năm 2013 là những hộ thiếu đói từ 1 – 3 tháng; những hộ phải gánh chịu thiên tai.

“Mức trợ cấp trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ là 200.000 đồng/hộ. Mức trợ cấp cứu đói giáp hạt năm 2013 là 15kg gạo/người/tháng, thời gian không quá 3 tháng” - bà Thu cho biết.

Đây cũng là mức hỗ trợ chung của nhiều tỉnh khu vực Tây Bắc, Đông Bắc. Một số tỉnh đã huy động từ 500 - 1.000 tấn gạo cứu đói cho bà con dịp tết với mức hỗ trợ 15kg gạo/tháng/người, tùy từng mức độ khó khăn sẽ được hỗ trợ từ 1 tới 3 tháng.

Lá lành đùm lá rách

Bên cạnh hỗ trợ của Chính phủ và các địa phương, rất nhiều Mạnh Thường Quân ở các vùng nông thôn cũng “ra tay nghĩa hiệp” giúp bà con đón tết no ấm. Ở ấp Kinh Trên, xã Bình Ân, huyện Gò Công Đông, Tiền Giang, ông Lê Văn Mẫm nổi tiếng là “vua từ thiện”. Năm 2010, ông hỗ trợ hàng chục tấn lúa giúp đồng bào miền Trung bị lũ lụt. Tết năm nay, ông đã đăng ký với Hội Chữ thập đỏ địa phương tặng 450 suất quà cho người nghèo.

Quà rất thiết thực, mỗi phần gồm 20kg gạo và tiền mặt 100.000 đồng. Những người nghèo không nằm trong danh sách do địa phương lập, khi tìm đến nhà ông vẫn được tặng quà tết. Ông Nguyễn Văn Ba, tạm trú ở Gò Công Đông, sống bằng nghề bán vé số dạo nói: “Gia đình ông Mẫm sống thanh đạm chẳng khác gì người bán vé số như tôi. Những món quà nghĩa tình mà ông tặng dân nghèo vì vậy mà vô cùng đáng quý”.

Anh Lê Văn Chính – chủ cơ sở lúa giống 9 Táo (ấp Phú Khánh, xã Song Lộc, Châu Thành, Trà Vinh) trong năm 2012 đã cùng những nông dân trong tổ liên kết góp tiền giúp dân nghèo. Ngoài những phần quà là lúa giống do cơ sở sản xuất, những nông dân này còn mua tập sách, tặng học bổng cho học sinh, tặng nhà “liên kết” cho hộ nghèo.

“Năm nay làm ăn khó khăn, cuối năm chúng tôi vẫn chưa thu hồi được nợ nhưng các thành viên tổ liên kết đang bàn bạc chuyện mua quà tặng nông dân ăn tết. Có ít thì tặng ít, đó là tấm lòng của nông dân dành cho nhau” – anh Chính tâm sự.

Theo Bộ LĐTBXH, cả nước hiện có hơn 2,2 triệu hộ nghèo. Bộ không đề xuất và trình Chính phủ mức hỗ trợ chung cho người nghèo ăn tết mà do UBND các tỉnh chủ động đề xuất phương án trên cơ sở khả năng cân đối ngân sách của tỉnh. Riêng gạo cứu trợ, các tỉnh cũng lập danh sách các hộ cần cứu trợ để trình Chính phủ xuất gạo dự trữ.

Ông Trần Hoài Bảo – Phó Chủ tịch UBND huyện Mộc Hóa (Long An) cho biết, năm nay các hộ nghèo ở huyện này được tỉnh tặng 15kg gạo/hộ để ăn tết. “Kinh tế khó khăn, những món quà này động viên tinh thần nông dân nghèo rất lớn” – ông Bảo nói.

Ngoài ra, các doanh nghiệp dù khó khăn cũng dành tiền hỗ trợ người nghèo ăn tết. Như Chương trình tặng quà để nông dân ăn tết của Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang năm nay trị giá khoảng 4 tỷ đồng. Có 12.600 hộ trong vùng nguyên liệu của công ty này được tặng quà tết, mỗi phần quà trị giá khoảng 300.000 đồng.

Trong khi đó, tại “huyện động đất” Bắc Trà My (Quảng Nam), ông Đặng Phong - Chủ tịch UBND huyện, lo lắng: “Hơn 5.500 hộ nghèo, đặc biệt là những hộ ở các khu tái định cư Thủy điện Sông Tranh 2 sẽ ăn tết trong nỗi lo lắng vì nhiều gia đình nhà bị nứt rất nguy hiểm do động đất, và hầu hết vẫn chưa được tu sửa vì đang chờ kinh phí hỗ trợ từ nhà đầu tư”.

UBND huyện Bắc Trà My đang đề nghị Ban quản lý Thuỷ điện Sông Tranh 2 hỗ trợ cho 413 hộ tái định cư tập trung, mỗi hộ 1 suất quà trị giá 200.000 đồng. “Ngoài ra, địa phương còn tự cân đối nguồn ngân sách, vận động các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội… tặng thêm các phần quà, tiền hỗ trợ người nghèo đón tết, dù kinh tế đang khó khăn nhưng tuyệt đối không để hộ nào thiếu ăn trong dịp Tết Nguyên đán này” - ông Phong nói.

Nhiều hộ dân tộc thiểu số ăn Tết Nguyên đán

Xu hướng này đang diễn ra ở nhiều vùng đồng bào dân tộc Mông khu vực Tây Bắc, đặc biệt là Yên Bái. Đồng bào Mông ở Yên Bái trước đây thường tổ chức ăn tết cổ truyền của dân tộc bắt đầu từ cuối tháng 11 âm lịch hàng năm.

img
 

Cùng với quá trình lao động, sản xuất, sinh hoạt, người Mông đã chuyển sang ăn Tết Nguyên đán cùng với đồng bào các dân tộc khác. Ông Giàng A Đằng - Bí thư Đảng bộ xã Suối Giàng (Văn Chấn, Yên Bái) cho biết: “Hiện nay, trẻ em đi học, bà con đi làm đều theo lịch chung nên việc ăn Tết Nguyên đán là phù hợp với điều kiện sản xuất và học tập của các em học sinh. Chúng tôi đã đưa việc ăn Tết Nguyên đán vào quy ước, hương ước của bản, làng để vận động bà con. Ban đầu cũng rất khó vì đây là phong tục cổ truyền, nhưng với việc vận động tích cực và những thuận lợi khi chuyển sang ăn tết muộn hơn 1 tháng, dần dần nhân dân đã nhận thức và thực hiện theo. Đến nay, 100% gia đình người Mông ở Suối Giàng đã ăn Tết Nguyên đán”.