Trong khi nhiều bạn trẻ hào hứng đi chơi lễ và tận hưởng không khí mát mẻ của những buổi tối trời trở lạnh hiếm hoi tại TP HCM thì chị Ng.H.M (ngụ quận 5, TP HCM) lại tất bật chăm lo con gái 5 tuổi và mẹ chồng đã ngoài 70 thay nhau đổ bệnh. “Bên nhà chồng tôi hình như bị chứng dị ứng di truyền. Mẹ chồng tôi thì viêm mũi dị ứng nặng, chồng tôi cũng bị nhẹ, nay đến lượt con gái tôi vừa viêm mũi vừa hen suyễn... Mỗi năm cứ khoảng tháng 12, tháng 1 là cả nhà cùng bệnh” - chị than thở.
Cẩn thận bệnh tim mạch người lớn
BS Trương Quang Anh Vũ, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện (BV) Thống Nhất, cho biết khi trời trở lạnh, các bệnh lý về tim mạch và hô hấp của người lớn tuổi cũng dễ trở nặng. Bệnh về hô hấp thì có viêm phế quản mạn tính, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm đường hô hấp trên, hen suyễn... Bệnh về tim mạch thì có cao huyết áp, thiếu máu cơ tim do hiện tượng co thắt mạch khi trời lạnh. Đây thực sự là các mối đe dọa dẫn đến những cơn đột quỵ, nhồi máu cơ tim nếu không lưu ý dự phòng.
“Quan trọng nhất là phải giữ ấm cơ thể, tắm bằng nước ấm trong những ngày lạnh. Những người bị cao huyết áp, thiếu máu cơ tim, mắc các bệnh hô hấp mạn tính... đã được chẩn đoán thì phải chú ý tuân thủ nguyên tắc dùng thuốc, có chế độ vận động và dinh dưỡng hợp lý theo lời khuyên của bác sĩ” - BS Vũ khuyên.
BS Đỗ Trọng Ánh, Giám đốc BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM, lưu ý căn bệnh thấp khớp luôn là nỗi khổ của người lớn tuổi và cả người còn trẻ nhưng đã sớm mắc bệnh. Điều cần thiết nhất trong mùa này là phải giữ ấm và giữ ấm toàn thân chứ không riêng gì vùng bị đau do thấp khớp. Bên cạnh đó, nên tái khám khi bệnh có dấu hiệu trở nặng để được bác sĩ kê toa thuốc cùng các lời khuyên về chế độ dinh dưỡng, vận động phù hợp trong những ngày trở lạnh.
Trẻ em đang chờ khám và điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM)Ảnh: Tấn Thạnh
Chú ý bệnh hô hấp trẻ em
Mỗi lần đưa con đi khám ở BV Nhi Đồng 1 gần nhà, chị M. đều phải chờ đợi lâu vì mùa này những trẻ mắc các bệnh về hô hấp như con chị khá nhiều. ThS-BS Trần Anh Tuấn, Trưởng Khoa Hô hấp BV Nhi Đồng 1 (TP HCM), cho biết vào thời điểm này, nhóm bệnh hô hấp ở TP HCM tăng nhẹ nhưng vẫn chỉ đứng sau các tháng mùa mưa.
“Tuy trời chuyển lạnh hơn nhưng nhiệt độ không quá thấp nên sự gia tăng bệnh hô hấp không rõ như các tỉnh phía Bắc. Tuy nhiên, có một số bệnh về hô hấp rất cần lưu ý trong thời điểm này, đặc biệt là bệnh viêm mũi dị ứng và hen suyễn. Các bệnh hô hấp khác trẻ có thể gặp là nhóm bệnh viêm đường hô hấp trên (viêm mũi, họng, viêm tai giữa...) hay viêm đường hô hấp dưới (viêm phổi, viêm tiểu phế quản...). Trong đó, viêm tiểu phế quản cũng là một bệnh nên chú ý vì là bệnh nặng, nguy hiểm, hay gặp ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi và có nguy cơ mắc cao hơn trong mùa này” - BS Tuấn cảnh báo.
BS Tuấn cũng lưu ý đặc điểm ở TP HCM lúc rạng sáng trời khá lạnh, buổi trưa và thậm chí đầu buổi tối trời vẫn còn khá nóng, do vậy cần có những phương án riêng để ứng phó với sự thay đổi thời tiết, nhất là khi trẻ nhỏ vẫn còn phụ thuộc vào người lớn. Cụ thể, khi ngủ đêm không nên để nhiệt độ máy lạnh trong phòng quá thấp, nhất là khi nhiệt độ tự nhiên giảm mạnh lúc nửa đêm về sáng; đi ra ngoài nên mặc thêm áo khoác. Trẻ nhỏ dưới 1 tuổi nên được mang thêm khăn, tất khi ra ngoài và có thể cởi bỏ vào buổi trưa khi trời nóng dần lên. Các bậc cha mẹ nên nhớ rằng sức chịu lạnh của trẻ em kém hơn người lớn nên các cháu cần được “che chắn” kỹ càng hơn.
Đi chơi khi trời lạnh, đừng quên thuốc hen suyễn Nhiệt độ giảm, dù ở mức lạnh hay chỉ mát như tại TP HCM thì cũng là yếu tố nguy cơ khiến cho bệnh nhân hen suyễn dễ “lên cơn”. Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo người bị hen suyễn cho dù đang ở giai đoạn bệnh ổn định cũng không nên giảm liều hoặc ngưng thuốc trong thời điểm này. Người mắc bệnh nên đem theo đủ thuốc lúc đi xa, nhất là khi đến những nơi có thời tiết lạnh. Đối với trẻ nhỏ bị bệnh thì cha mẹ càng phải nhớ mang thuốc cho con. Khi người già có bệnh thì người thân nên nhắc nhở vì khá nhiều người lớn tuổi hay gặp rắc rối về sức khỏe do quên uống thuốc. |