Dù chương trình Vietnam's got talent mới vừa lên sóng tập đầu tiên vào ngày 1.1.2016 nhưng ấn tượng của khán giả dành cho vị giám khảo khách mời NSƯT Chí Trung khá sâu sắc. Với vẻ ngoài đĩnh đạc, ăn nói có duyên và phần đối thoại hài hước, "Táo Giao thông" đã chiếm được tình cảm của đông đảo người xem.
Chia sẻ với chúng tôi về trải nghiệm khó quên trên ghế nóng để tìm ra Tài năng Việt Nam mùa mới, Chí Trung tâm sự: "Dù 5 hay 7 năm nữa tôi có chết đi thì thế hệ trẻ này cũng sẽ đưa nghệ thuật phát triển. Tôi khóc vì điều đó".
NSƯT Chí Trung diện bộ đồ Táo quân trong ngày ra mắt của Vietnam's Got Talent 2016
“Nên đổi tên Vietnam’s Got Talent”
- Là giám khảo khách mời trong chương trình "Vietnam's Got Talent 2016", anh thấy vai trò mới của mình như thế nào?
Tôi từng làm giám khảo một số chương trình và được mọi người khen là rất công bằng, có vốn kiến thức, đặc biệt là khả năng biểu đạt bằng những câu nói hài hước để làm nhẹ đi thất bại của người chơi. Nói hoa mỹ hơn thì cái chất nhân văn của Chí Trung khiến thí sinh không thấy cay nghiệt dù bị loại. Thế nhưng, không hiểu sao đến bây giờ tôi mới được mời ngồi ghế nóng Vietnam's Got Talent. Có lẽ tôi thiếu cái độ "quái" nên không được mời vào những chương trình lớn chăng?!
Tôi đến với chương trình này tự nhiên như hơi thở, bởi ở đó, tôi thấy mình nhận nhiều hơn là cho. Tôi được xem, được cười, được sung sướng khi trông thấy những nét hồn nhiên trong trẻo, thậm chí cả những cái "ngọng nghịu" của thí sinh.
- Trong vòng loại "Vietnam’s Got Talent" năm nay, anh ấn tượng nhất với thí sinh nào?
Đó là tiết mục đu dây mang tên “Hóng nguyệt” của thí sinh nhí chừng 6, 7 tuổi. Khi xem xong, tôi đã không kìm được nước mắt vì xúc động. Trong khi mọi người vỗ tay không ngớt thì tôi vừa lau nước mắt vừa bấm chuông vàng là đặc quyền duy nhất cho mỗi giám khảo đối với thí sinh được đặc cách thẳng vào vòng bán kết.
Tôi từng nghĩ rằng nghệ thuật sẽ chết, nhưng thực ra dòng chảy của nghệ thuật vẫn nằm ở niềm đam mê của những thế hệ trẻ. Dù 5 hay 7 năm nữa tôi có chết đi thì thế hệ trẻ này cũng sẽ đưa nghệ thuật phát triển. Tôi khóc vì điều đó.
- Vietnam’s Got Talent mùa nào hầu như cũng có một vài tiết mục gây cười bị cho là “thảm họa”. Khi gặp phải tình huống như vậy, anh sẽ xử lý như thế nào?
Đó thực ra chỉ là sự ngô nghê rất đáng yêu, là mong muốn của thí sinh nhưng chưa phù hợp với khả năng lẫn tiêu chí của cuộc thi. Thế nhưng nhờ có các tiết mục đó mà những cái khác bỗng trở nên hay hơn, và bản thân tôi không thấy mệt mỏi vì điều này. Tôi muốn “hài hóa” tất cả những điều ngô nghê đó.
Nghệ sỹ Chí Trung luôn tạo tiếng cười trên ghế nóng
- Và chính phương pháp “hài hóa” là độc chiêu của anh trên ghế nóng?
Ở Vietnam's got talent, tất cả giám khảo của chương trình đều có thâm niên, còn tôi chỉ là một kẻ ngoại đạo, một người đến chơi, ngẫu hứng đi qua. Với mỗi cuộc vui, khi đã yêu thích thì tôi sẽ làm trọn vẹn bởi đây là chương trình đem lại niềm vui cho chính bản thân.
- Anh nhận thấy "Vietnam’s Got Talent - Tìm kiếm Tài năng Việt Nam" là một chương trình như thế nào?
Bản thân tôi nghĩ tên chương trình "Tìm kiếm Tài năng Việt" vẫn chưa đủ, bởi vì cái tên ấy hơi... tròn trĩnh. Theo tôi phải là “Tìm kiếm Tài năng khác biệt” thì đúng hơn.
Nếu như chấm cho bất kỳ thí sinh nào hát hay thì lập tức hàng nghìn nghệ sĩ khác sẽ đến và nói "tôi mới chính là tài năng", nhưng đương nhiên không phải thế. Tiêu chí của cuộc thi này là độc đáo, khác biệt.
Nghệ sỹ Chí Trung cùng ca sỹ Diệp Lâm Anh trong vòng loại Vietnam's Got Talent
- Anh nhấn mạnh đến yếu tố khác biệt, vậy anh hy vọng những gì ở thí sinh Quán quân năm nay?
Vẫn còn quá sớm để nói về điều này, bởi tôi mới chỉ tiếp xúc các thí sinh ở vòng loại và có thể tôi sẽ không có mặt ở những vòng sâu hơn nữa.
Tôi chấm bằng sự hồn nhiên của chính bản thân mình và không nghĩ đây là một cuộc thi. Có nhiều người còn đổi đời thông qua chương trình này nên tôi cảm thấy mình cần công bằng và cẩn trọng trong mỗi quyết định. Tôi thừa hưởng ở bố tôi (nhạc sỹ Quý Dương) sự công bằng.
“Bà xã hiểu tôi cả những lúc tôi vớ vẩn”
NSƯT Chí Trung trong cuộc trò chuyện
- Năm 2016 sẽ là một năm như thế nào với NSƯT Chí Trung?
Dự định thì nhiều lắm, vì con người ta luôn sống và nhìn về phía trước mà. Mơ ước cũng nhiều nhưng cũng lo lắng cho sức khỏe trong năm tới nữa.
- Là một nghệ sỹ có tiếng trong việc gìn giữ hạnh phúc gia đình, anh có thể chia sẻ bí quyết gì với độc giả?
Tôi may mắn có được người vợ tốt, yêu chồng và bao dung. Bà xã hiểu cả những lúc tôi sai lầm, cả những lúc tôi “vớ vẩn”. Công đầu tiên, lớn nhất và gần như toàn bộ cho sự chung thủy của bản thân tôi đều nhờ ở vợ tôi.
- Vậy đã bao giờ anh bị bà xã ghen vì những sai lầm và những lúc “vớ vẩn” hay chưa?
Là phụ nữ thì phải ghen chứ, mình còn ghen ngược lại phụ nữ mà. Nhưng họ ghen thế nào mới là điều quan trọng. Bà xã tôi luôn hiểu việc và hơn nữa, mình là người “chuẩn men”. Bà xã biết rằng đôi lúc như thế của người chồng chỉ giống như bản năng của một con đực, đi rồi lại về.
Nghệ sỹ Chí Trung và Ngọc Huyền luôn là hình mẫu lý tưởng trong số những cặp vợ chồng sao Việt.
- Trong cuộc sống anh có sở thích gì ngoài đam mê thú chơi đồ cổ như từng chia sẻ trước đây?
Tôi thích xem phim hành động, phim Mỹ và bóng đá. Tôi thích phim nước ngoài về cấu trúc, ý tưởng, còn về phim Việt thì tôi không hiểu lắm.
Về chuyện đồ cổ, đó chỉ là thời khốn khó, đi “buôn” để kiếm sống thôi. Sau đó, khi không bán hết thì giờ còn lại… một nhà toàn đồ cổ. Tôi không ham mê đồ cổ mà chỉ coi nó như một phương tiện mưu sinh như thời kỳ tôi từng đi buôn bán săm lốp hay buôn xe máy, bán tivi. Do không bán kịp nên còn sót lại.
- Anh đánh giá thế nào về một năm 2015 đã qua đối với bản thân mình?
Năm 2015 là một năm thành công đối với cá nhân tôi trong việc dùng thương hiệu để kiếm sống, nuôi gia đình. Đây cũng là một năm hoàn thành tốt với vai trò Phó giám đốc Nhà hát tuổi trẻ khi làm một số vở yêu thích, giữ được đường hướng hoạt động của Nhà hát và góp thêm được vài hạt gạo trong bữa cơm của từng thành viên trong gia đình Nhà hát.
- Đó là những điều anh đã đạt được trong năm qua, vậy những điều gì còn khiến anh trăn trở khi chưa làm được?
Chưa làm cho ánh đèn Nhà hát Tuổi trẻ đỏ đèn cả tuần là điều khiến tôi trăn trở nhất. Hiện tại Nhà hát mới chỉ đỏ đèn được 3 ngày cuối tuần. Ngoài ra, tôi cũng chưa làm cho sân khấu của Hà Nội nói chung được "nóng" lên.
- Không chỉ là một người nghệ sỹ, anh còn đảm nhận vai trò Phó giám đốc Nhà hát tuổi trẻ. Công việc quản lý có những khó khăn gì với anh?
Tôi cũng tự hào nói rằng, rất hiếm có người làm nghệ thuật nào mà vừa có khả năng diễn xuất tương đối tốt lại có khả năng đạo diễn cũng tạm được và một khả năng quản lý bẩm sinh. Thường những đạo diễn rất giỏi lại quản lý kém hoặc người quản lý giỏi thì không hiểu lắm về nghệ thuật. Nhưng phải đến bây giờ tôi mới được "cất nhắc", chắc là do tính cách ngang bướng của mình. Tôi không có thói quen "bợ đỡ" bất kỳ ai.