Dẫn chúng tôi đi thăm trang trại nhà mình, anh Nguyễn Văn Sinh (thôn Đồng Vật, xã An Thịnh, huyện Văn Yên, Yên Bái) nhớ lại những ngày đầy gian khó: “Cách đây 5 năm, ở An Thịnh mỗi gia đình chỉ dám nuôi vài chục con gà, 4-5 con lợn, vì sợ nuôi nhiều nếu chẳng may bị dịch bệnh sẽ mất trắng. Song tôi nghĩ, nếu cứ như vậy biết khi nào mới khá giả được. Vợ chồng tôi quyết định đầu tư mở trang trại chăn nuôi.
Ngày mới mở trang trại không có một đồng vốn trong tay, vợ chồng tôi bắt tay vào khai hoang, trồng lúa và cây hoa màu. Sau một thời gian, chúng tôi thống nhất chuyển đổi từ trồng lúa sang nuôi gà. Ban đầu nuôi 100 con rồi tăng dần số lượng. Lứa gà đầu tiên thắng lợi, vợ chồng tôi quyết định vay vốn của Hội ND xã, ngân hàng nông nghiệp để mua thêm gà giống nuôi với quy mô lớn”.
Vợ anh Sinh chăm sóc đàn lợn. |
Không dừng lại ở đó, với phương châm lấy ngắn nuôi dài, anh Sinh mua thêm 100 con lợn về nuôi bán giống. Anh cho biết, nhu cầu mua lợn giống của người dân trong xã và các xã lân cận rất lớn nên sẽ cố gắng làm nguồn cung cấp lợn giống chất lượng và ổn định cho bà con.
Bên cạnh chăn nuôi, anh Sinh và gia đình còn trồng 600ha quế. Theo anh Sinh, quế gần 20 năm mới cho thu hoạch nhưng hàng năm anh vẫn thu được tiền từ tỉa cành quế và bán lá quế.
Khi hỏi về thất bại đã gặp, anh Sinh tâm sự: “Năm 2008, dịch bệnh xảy ra, đàn gà nhà tôi lăn ra chết, một ngày chết tới 400 con. Bê từng bao tải gà đi chôn mà tôi rớt nước mắt. Nhưng không vì thế mà tôi bỏ cuộc. Tôi tìm đọc sách báo, tham gia các buổi tập huấn chăn nuôi của địa phương tổ chức. Trong quá trình nuôi, tôi ghi chép cẩn thận về tình trạng, chế độ ăn uống để theo dõi sức khỏe của đàn gà”.
Trời không phụ công người, giờ đây anh Sinh đã có trong tay một gia tài trị giá hàng tỷ đồng, với 600ha quế, hàng ngàn con gà thịt và hàng trăm con lợn nái. Mỗi năm, trừ tất cả chi phí, anh Sinh thu về hơn 400 triệu đồng.
Bà con nào muốn học kinh nghiệm làm trang trại của anh Sinh có thể liên hệ số điện thoại 01688215196.
Trang Lê