Dân Việt

Những điều về tuyển dụng các bạn trẻ nên lưu ý

Thu Hà 30/12/2015 08:59 GMT+7
Nhiều nhà tuyển dụng cho rằng, người giỏi nhất chưa hẳn đã là người phù hợp nhất.

Mối quan hệ giữa nhà tuyển dụng và các ứng viên không phải sự áp đặt một chiều, mối quan hệ xin  - cho từ một phía. Bạn có thể làm chủ kết quả cuộc phỏng vấn xin việc khi chứng minh được bản lĩnh và tài năng của mình. 

Từ chương trình Kinh nghiệm chia sẻ nghề nghiệp từ các lãnh đạo tập đoàn đa quốc gia dành cho sinh viên năm cuối vừa tổ chức tại Hà Nội vừa qua đã cho các bạn trẻ cái nhìn đa chiều hơn về việc tuyển dụng.

Người giỏi nhất chưa hẳn là người phù hợp nhất

Mỗi năm có hàng nghìn sinh viên thất nghiệp, trong khi đó, các doanh nghiệp cũng đang "kêu gào" thiếu nhân lực và chấp nhận rủi ro chi khoản tiền lớn để “chiêu mộ” người nước ngoài. Hiện trạng “dở khóc, dở cười” trên đã tồn tại nhiều năm qua trong nền kinh tế Việt Nam và chưa có lời giải đáp thỏa đáng. Vì chúng ta chỉ soi vào nhu cầu tìm việc của các bạn trẻ mà không hiểu nhà tuyển dụng muốn gì.

img

Khi hiểu nhà tuyển dụng cần gì, sinh viên sẽ dễ dàng định hướng được kiến thức và kỹ năng cần phải trau dồi trước khi ra trường (ảnh minh họa)

Giống như nhu cầu của người đi xin việc, nhà tuyển dụng cũng hi vọng tìm được  nhân tài có đủ khả năng và tư chất cho công ty của mình. Tính chuyên môn cao, sự sáng tạo là yếu tố quan trọng nhưng chưa đủ để họ gật đầu chấp nhận bộ hồ sơ của bạn.

Ông Vũ Tú Thành, phó Giám đốc khu vực Đông Nam Á Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN chia sẻ: “Sinh viên mới ra trường thường nhìn vào yêu cầu của doanh nghiệp trước khi nộp hồ sơ, không ai dám đưa ra yêu cầu ngược lại với nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, để thành công chúng ta phải tự tin vào bản thân và cho phép mình có quyền lựa chọn công việc. Nếu ta bước vào cuộc phỏng vấn với tâm thế chủ động sẽ gây được ấn tượng và cơ hội việc làm rất cao. Vậy nên, các bạn cần phải hiểu rõ thế mạnh của mình là gì, bản thân yêu thích công việc như thế nào trước khi gửi hồ sơ xin việc. Đừng e ngại vì thông điệp xuyên suốt của rất nhiều tập đoàn đa quốc gia là “Chúng tôi cần tuyển những người phù hợp nhất, không phải những người giỏi nhất”.

img

Ông Vũ Tú Thành chia sẻ về những tiêu chí cần có ở các ứng viên

Tiêu chí “phù hợp nhất” cho một vị trí tuyển dụng không chỉ là tính chuyên môn mà còn là thái độ làm việc và bản lĩnh đương đầu với khó khăn. Nhà tuyển dụng là những người có kinh nghiệm và năng lực “nhìn người”, cách ứng xử trong cuộc phỏng vấn của bạn chính là mấu chốt quyết định quyền ở lại hay ra đi.

Tối thiểu phải biết tiếng Anh giao tiếp

Trong thời đại kinh tế hội nhập hiện nay, cơ hội việc làm của các bạn sinh viên ngày càng tăng, không chỉ dừng lại ở trong nước mà còn có thể vươn tới thị trường tuyển dụng quốc tế. Điều này đồng nghĩa với việc yêu cầu tuyển dụng tăng cao, đặc biệt là trình độ ngoại ngữ.

Khả năng giao dịch, trao đổi công việc bằng tiếng Anh tạo nên thế mạnh cho nhiều bạn trẻ và đảm bảo tính cạnh tranh công bằng trong một môi trường làm việc đa quốc gia. Không được đánh giá cao về trình độ tiếng Anh cũng là một thiệt thòi cho sinh viên Việt Nam.

Các nhà tuyển dụng hàng đầu lên tiếng, quyết định cơ hội việc làm không phải là họ mà ở bản thân của chính các ứng viên. Học hỏi không ngừng, hoàn thiện bản thân chính là cách chúng ta cho mình thêm cơ hội có công việc mơ ước. Học tiếng Anh cũng không ngoại lệ.

img

Ông Nguyễn Trần Đại cho rằng, tiếng Anh là yếu tố quan trọng cần có của các ứng viên

Ông Nguyễn Trần Đại, Trưởng văn phòng đại diện Tập đoàn Hoa Sen nhấn mạnh: “Tiếng Anh là một tiêu chí hàng đầu để chúng tôi lựa chọn nhân viên. Tùy vào tính chất của công việc để có tiêu chuẩn riêng như đối với bộ phận xuất nhập khẩu, thu mua nguyên liệu nước ngoài thì vấn đề giao tiếp bằng tiếng Anh phải đặt lên hàng đầu. Còn với những vị trí trong nước thì tối thiểu cũng phải thành thạo trong giao tiếp. Đặc biệt, vị trí chủ chốt trong công ty, chúng tôi ưu tiên nhiều suất cho các bạn du học sinh”.

Thẳng tay vứt bỏ hồ sơ “nhảy việc” nhiều lần

Đối với sinh viên mới ra trường, họ chưa chắc chắn bản thân yêu thích công việc gì, có thể làm tốt công việc gì nên “nhảy việc” là chuyện thường tình. Bạn sẽ có kinh nghiệm làm việc qua mỗi môi trường khác nhau, tuy nhiên danh sách “dài dằng dặc” tên công ty cũ lại là điểm trừ trong mắt nhà tuyển dụng.

Ông Nguyễn Trần Đại cho rằng, nhà tuyển dụng cần ở các ứng viên là sự trung thành, tận tâm mà chuyện “nhảy việc” nhiều lần dù với bất kì lý do gì thường tạo nên cảm giác không an toàn cho các nhà tuyển dụng khi nhận bạn vào vị trí nhân viên. 

Ông chia sẻ: “Một trong mười chữ vàng của công ty tôi là "trung thành". Các nhân viên kì cựu trong tập đoàn tôi đều gắn bó và cống hiến cho công ty nhiều năm nay. Với một vị trí mới, chúng tôi mất ít nhất 4 tháng để hướng dẫn làm việc nên rất tiếc nếu nhân viên đấy làm được một thời gian ngắn lại nghỉ. Có thể do đặc thù chuyên môn mà chúng tôi khắt khe chuyện này và coi đây là một đạo đức cần thiết nhất của nhân viên trong công ty”.

Cùng chung ý kiến với đại diện Tập đoàn Hoa Sen, Ông Nguyễn Cảnh Bình, Giám đốc công ty sách Alpha khẳng định: “Nhìn chung, cách tuyển dụng nhân sự của nhiều nơi là thẳng tay vứt bỏ hồ sơ nhảy việc nhiều lần. Tốn thời gian và hao hụt nhân lực là điều sẽ xảy ra khi nhận những nhân viên như thế. Vậy nên, với kiểu hồ sơ này tôi không bao giờ quan tâm”.