Dân Việt

Iraq thề xóa sổ IS sau chiến thắng lớn đầu tiên

Quang Minh - Reuters 29/12/2015 09:24 GMT+7
Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi tuyên bố ngày 28.12 rằng trong năm 2016, quân đội Iraq sẽ tiêu diệt hoàn toàn IS ở nước này. Phát biểu của ông Abadi xuất hiện sau khi Iraq giành được thành phố chiến lược Ramadi bị khủng bố IS chiếm cách đây 18 tháng.

“2016 sẽ là năm của chiến đấu và chiến thắng. Sự hiện diện của IS ở Iraq sẽ bị xóa sổ hoàn toàn”, ông Abadi nói trong bài phát biểu trên kênh truyền hình nhà nước.

 “Chúng ta sẽ giải phóng Mosul và tiến công vào sào huyệt của bọn IS”, ông nhấn mạnh. Mosul là thành phố lớn ở miền bắc Iraq, nơi có số dân đông nhất ở khu vực mà IS tuyên bố kiểm soát.

Việc giành lại thành phố Ramadi, thủ phủ của tỉnh Anbar là một dấu mốc quan trọng của lực lượng Iraq được Mỹ huấn luyện. Trong những cuộc chiến trước đó, Iraq chỉ hoạt động với vai trò chủ yếu là hỗ trợ quân đội Shiite do Iran hậu thuẫn.

Trên truyền hình nhà nước Iraq còn xuất hiện hình ảnh những binh sĩ quân chính phủ giết một con cừu để ăn mừng sự kiện tái chiếm Ramadi. Ngoài ra, tiếng súng nổ, tiếng ăn mừng cũng có thể nghe thấy khi các phóng viên phỏng vấn binh sĩ ở thành trì Ramadi.

img

Binh sĩ Iraq vẫy quốc kỳ ở thành phố Ramadi hôm 28.12 sau khi tái chiếm thành phố từ tay khủng bố IS.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đang đi nghỉ cùng gia đình ở Hawaii đã nhận được tin báo về chiến thắng quan trọng này. Nhà Trắng tuyên bố: “Chiến thắng của Lực lượng an ninh Iraq trong cuộc chiến giành lại Ramadi là một bằng chứng rõ ràng về lòng quả cảm và quyết tâm của binh sĩ. Chúng tôi cùng chia sẻ trách nhiệm với người dân Iraq đẩy lùi IS ra khỏi thành lũy của chúng”.

Quan chức Mỹ cho biết chiến dịch không kích do Mỹ dẫn đầu đã thực hiện tổng số hơn 630 đợt oanh tạc trong vòng 6 tháng qua, đồng thời huấn luyện và đào tạo binh sĩ Iraq.

Quân đội Iraq đã rời bỏ lần lượt từng thành phố khi IS xuất hiện và tràn lan khắp lãnh thổ khiến vũ khí, xe quân sự mà Mỹ trang bị rơi vào tay bọn khủng bố. Một trong những thách thức lớn nhất hiện nay là xây dựng quân đội Iraq quy củ, có khả năng tái chiếm các vùng lãnh thổ bị kiểm soát.

Baghdad tuyên bố sẽ chứng minh khả năng của quân đội bằng việc dồn quân tới tỉnh Anbar và chiến đấu chống IS. Sau khi bao vây toàn bộ thành phố Ramadi trong nhiều tuần lễ, quân Iraq bắt đầu thực hiện các đợt đột kích từ tuần trước và đánh chiếm vào khu vực đầu não hôm Chủ Nhật 27.12. Quá trình tiến quân của Iraq đã bị hạn chế nhiều do khủng bố đặt rất nhiễu bẫy mìn dọc các con phố.

Hiện tại chính quyền thành phố chưa đưa ra con số thương vong cụ thể sau trận chiến lịch sử. Họ cho biết hầu hết cư dân đã được di tản khỏi thành phố trước khi trận càn diễn ra.

img

IS thời điểm chiếm giữ thành phố chiến lược Ramadi.

Bộ trưởng Tài chính Hoshiyar Zebari trả lời Reuters cho biết việc chiếm lại Ramadi là một “thành quả lớn” nhưng cho biết chính phủ cần phải tái thiết và xây dựng thành phố để khuyến khích người dân quay trở lại. “Điều quan trọng nhất bây giờ là đảm bảo IS không quay trở lại Ramadi”.

Quân đội Iraq lĩnh ấn tiên phong trong cuộc chiến ở Ramadi với sự hậu thuẫn của các phiến quân người Shiite. Tuy nhiên, các phiến quân Shiite không tham chiến để tránh gây thù địch cho những người Sunni.

Ông Abadi nhậm chức từ tháng 9.2014 sau khi IS trỗi dậy và cam kết sẽ xoa dịu những mâu thuẫn sắc tộc trong cộng đồng người dân Iraq. Abadi bên cạnh việc dùng quân Shiite để kiềm chế sự phát triển của IS còn áp dụng các biện pháp cải cách nhằm giảm quyền lực của các đảng phái khác. Điều này khiến nhiều chính trị gia không hài lòng.

Những kẻ IS chủ yếu là người Hồi giáo dòng Sunni coi tất cả tín đồ dòng Shiite là bội giáo. Chúng đã tràn vào lãnh thổ miền bắc và tây Iraq từ tháng 6.2014 và tuyên bố thành lập “Nhà nước Hồi giáo” ở Syria và Iraq. IS thực hiện rất nhiều vụ giết chóc tàn nhẫn và áp đặt các luật Hồi giáo Sunni hà khắc lên vùng đất mà chúng kiểm soát.

img

Thủ tướng Abadi tuyên bố sẽ quét sạch IS trong năm 2016.

Cuộc chiến ở Syria và Iraq có rất nhiều cường quốc trên thế giới tham gia. Chính quyền Thủ tướng Abadi cam kết sẽ giao lại Ramadi cho cảnh sát địa phương và các nhóm sắc tộc Sunni chừng nào an ninh được đảm bảo.

Chiến lược này tương đối giống cuộc nổi dậy trong năm 2006-2007 mà Mỹ từng thực hiện. Thời điểm đó, Mỹ chiêu mộ những binh sĩ Sunni để chống lại một nhóm khủng bố khác. Anbar và Ramadi là trọng điểm chiến lược trong chiến tranh Iraq giai đoạn từ năm 2003-2011 của Mỹ.